2017/03/27

“Ân xá quốc tế” cần xem lại mình!

Ngày 22-2-2017, trong báo cáo hằng năm, cái gọi là Ân xá quốc tế (AI) tiếp tục đưa ra những kết luận có tính chất vu khống, vu cáo Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Và khi phát ngôn như vậy, dường như AI không tự vấn để xem xét lại mình bởi chính dư luận phương Tây đã nhiều lần chỉ rõ AI chỉ là tổ chức mạo danh nhân quyền?


Ở phương Tây, dư luận từ lâu đã nhận rõ bản chất của Ân xá quốc tế (AI), và với nhiều người, AI chỉ là một tổ chức tuyên truyền có quan hệ mật thiết với một số thế lực chính trị. Tổ chức này luôn nhúng tay vào nhiều sự kiện, vấn đề thời sự quốc tế qua đánh giá một chiều, phiến diện, mơ hồ, dựa theo thông tin do thế lực chống đối ở các quốc gia, các cơ quan truyền thông có bản chất gần gũi với AI cung cấp. Để đánh giá dân chủ, nhân quyền của một quốc gia, báo cáo hằng năm của AI không hề đưa ra nội dung có thể kiểm chứng, chỉ dẫn lại lời kể của một số người chống đối hoặc gần gũi với phe đối lập, vì thế, chưa cần nắm bắt chính xác về sự việc là có thể nhận ra sự thiếu trung thực. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, với AI, điều quan trọng không phải là một cuộc điều tra có tính pháp lý, là kết luận có khách quan hay không, mà điều AI cần là cổ vũ một chiến dịch chống lại chính phủ một nước nào đó. 


Nhắc tới vai trò của AI trong việc tuyên truyền khơi mào một cuộc chiến của phương Tây, đến hôm nay người phương Tây vẫn đưa ra các bằng chứng rõ ràng. Như ngày 17-12-2016, tờ Junge Welt (Thế giới trẻ) đăng bài Mở màn cuộc chiến bằng những lời dối trá, bài có đoạn: Ngày 10-10-1990, AI tổ chức cuộc họp báo ngay tại trụ sở Quốc hội Mỹ cho thiếu nữ Najira (Na-hi-ra) 15 tuổi, được giới thiệu là nhân chứng. Cô khóc lóc và kể lính Iraq (I-rắc) vào bệnh viện Al-Adan (An-Ađan) ở Kuwait (Cô-oét) lấy 15 trẻ sinh non ra khỏi lồng ấp, ném xuống đất. CNN và tất cả các đài truyền hình lớn đã phát sóng cuộc họp báo này. Ngày 19-12-1990, AI công bố một báo cáo dày 84 trang cho rằng, “hơn 300 trẻ sinh non” đã bị giết bởi lính Iraq. Và trong vòng một tuần sau, Tổng thống Mỹ khi đó ít nhất đã mười lần sử dụng thông tin của AI. Rồi ngày 8-1-1991, AI xác nhận điều này trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ngày 12-1-1991, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu đồng thuận để tiến hành chiến tranh. Song “nhân chứng Najira” - con gái của Đại sứ Kuwait tại Mỹ, lại chưa bao giờ thấy bệnh viện, cô đã đóng kịch và tham gia chiến dịch nói dối. Câu chuyện “lồng ấp trẻ sơ sinh” lan tỏa khắp thế giới là một chuyện bịa đặt mà AI chủ động tham gia. Chỉ đến khi cuộc chiến đã qua, sự việc mới được phanh phui, và một lần nữa bộ mặt thật của AI đã bị phơi bày.

Nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới cho rằng cần hết sức cảnh giác, thận trọng trước thông tin AI đề cập về một quốc gia đang là mục tiêu của các nước phương Tây như: Iraq, Nam Tư (cũ), Libya (Li-bi), Syria (Xy-ri),… Vì hàng loạt thông tin trong các báo cáo do AI đã bị phanh phui là sai sự thật, chủ yếu để xây dựng hình ảnh một kẻ thù, biện hộ cho hành động chiến tranh của phương Tây. Như trong cuộc chiến của NATO chống lại Libya, AI phổ biến các tin đồn bịa đặt về việc quốc gia này sử dụng lính đánh thuê da mầu và họ nhận lệnh cưỡng bức hàng loạt,…! Đáng chú ý, các năm qua, báo cáo AI sử dụng để chống lại chính quyền của ông Assad (Át-sát) ở Syria rất không khách quan và thiếu trung thực. Một năm trước, tổ chức này bịa ra báo cáo về bom chùm, sử dụng khí độc và mới đây, AI lại làm rùm beng về cái gọi là vụ “hành quyết hàng loạt”. Để tạo ấn tượng, họ công bố hình ảnh do vệ tinh chụp tòa nhà hình ngôi sao đánh dấu “cửa vào phòng hành quyết” bên một nghĩa trang, AI không chỉ khẳng định mà còn muốn người đọc tin vào điều mơ hồ, kỳ quặc! Về vấn đề này, ngày 23-2-2017, tờ Junge Welt đã đăng bài Tổ chức ân xá quốc tế: Câu chuyện khủng khiếp về Syria, trong đó cho rằng, với việc đưa ra báo cáo về hành quyết hàng loạt, AI đã tự bỏ qua các nguyên tắc cơ bản do AI xác định.

AI đưa ra câu chuyện khủng khiếp nêu trên đúng vào thời điểm có tuyên bố về cuộc đàm phán tại Geneva (Giơ-ne-vơ), sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Syria kêu gọi đồng bào tị nạn của mình, dưới sự phối hợp với Liên hợp quốc trở về Syria để xây dựng lại đất nước. Qua đó có thể thấy AI đã phớt lờ các nguyên tắc cơ bản mà chính họ đã tự xác định. Trong trường hợp này, báo cáo của AI đã không dựa trên nguồn chính thức, tang vật khách quan, hay từ nhân viên của AI, mà chỉ dựa duy nhất trên lời nói của bên thứ ba, nhân chứng vô danh. Đó chỉ là bằng chứng của một bên trong cuộc xung đột - là phe đối lập được phương Tây cùng một số chế độ quân chủ tại vùng Vịnh hậu thuẫn. Người được hỏi đều thuộc các nhóm chống chính phủ, như “mạng lưới nhân quyền Syria” (SNHR) có trụ sở ở Vương quốc Anh. Những năm qua, SNHR chỉ làm việc duy nhất là quảng bá sự can thiệp của NATO. Vì thông tin không thể kiểm chứng, cho nên những gì AI phát tán chỉ là tin đồn của một bên trong cuộc xung đột, một số tin tức khác cũng chỉ là sự suy đoán, như việc di dời tù nhân được cho là dẫn họ đến giá treo cổ, hay lời kể về tiếng ồn nhỏ được suy đoán là có thể họ đang bị treo cổ! A.A.Khalil (Kha-lin) - nhà khoa học chính trị học gốc Lebanon (Li-băng), điều hành blog Angry Arab được nhiều người theo dõi, phỏng vấn ông N. Najuf (N. Na-giúp) - người nhiều năm ngồi tù, rằng liệu thông tin mà những người trả lời cung cấp cho AI có hợp lý không? N. Najuf cho biết, ông rất ngờ vực và nói: “Trong con mắt của hầu hết người A-rập, các tổ chức nhân quyền phương Tây - nhất là AI và HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền) là không đáng tin”; uy tín của họ “giảm đáng kể, đặc biệt từ khi các cuộc bạo loạn A-rập năm 2011, nơi mà người dân đã cảm nhận chính xác, các tổ chức này là vũ khí tuyên truyền của phương Tây”. Theo đánh giá của N. Najuf, báo cáo của AI là không thể tin cậy, vì rất nhiều điều mâu thuẫn với những gì N. Najuf đã biết. Về ảnh vệ tinh AI sử dụng để chứng minh nghĩa trang mở rộng rất lớn, tiếp giáp với nhà tù để cho rằng số lượng lớn ngôi mộ là kết quả của những cuộc hành quyết hàng loạt, N. Najuf khẳng định nhà tù không thể chứa nhiều tù nhân như cáo buộc, đó là điều nhảm nhí. Trên thực tế, nghĩa trang này dành cho các liệt sĩ của quân đội Syria, “những người đã hy sinh vì chính nghĩa”; quân đội Syria không bao giờ cho phép chôn tử tù ở đó, sự gia tăng của các ngôi mộ chỉ từ một lý do đơn giản là tổn thất của quân đội trong cuộc chiến. Về tính tin cậy thông tin và đánh giá của AI, ngày 7-2-2017, trang mạng Telepolis đăng bài Tra tấn và xử tử: Ân xá quốc tế đưa ra những cáo buộc nặng nề đối với chính phủ Syria, trong đó viết: các bản tin về Syria do phương tiện truyền thông phương Tây phát tán đã đạt đỉnh điểm của sự thiên vị đến mức quái gở khi tường thuật cuộc chiến ở Aleppo (A-lép-pô). Các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây, có vẻ đã thống nhất tổ chức một chiến dịch theo một công thức ngu ngốc và trẻ con để mô tả phe đối lập vũ trang là “bên tốt” và đối thủ của họ như một “bầy quỷ của địa ngục” chỉ có ý tưởng khủng khiếp là biến Aleppo thành địa ngục! Đó là cơ sở để ngày 10-2-2017, trang NachDenkSeiten đăng bài Có gì đáng tin cậy đối với cáo buộc giết người hàng loạt của tổ chức 

Ân xá quốc tế?, trong đó viết: Các bức ảnh có khả năng tạo ra sự tin cậy, vì gợi lên suy nghĩ là sự việc đã xảy ra ở đó, không thể khác được; nhưng các bức ảnh này lại là một phần của chiến dịch do tổ chức AI khởi xướng hướng tới Syria với mục tiêu được xác định cụ thể là phải đưa Chính phủ Syria, các lãnh đạo quân đội và Tổng thống Assad ra trước Tòa án hình sự quốc tế. AI đã làm với bất kỳ giá nào, song cái giá AI phải trả cho chiến dịch chính là sự mất tín nhiệm. Bởi đây không phải là một cáo trạng có tính pháp lý với các cáo buộc có thể kiểm chứng và người kiểm chứng không phải là phương tiện truyền thông, mà phải trực tiếp qua tòa án, do đó đây đích thực là một chiến dịch được tổ chức, tiến hành có chủ ý.

Những năm qua, AI ngày càng mất uy tín không chỉ vì công bố thông tin giả tạo, mà còn trở thành đối tượng nghi ngờ vì có liên hệ chính trị chặt chẽ với một bên trong một cuộc khủng hoảng, hoặc với thế lực vốn thù địch chính quyền một quốc gia nào đó. Nhiều người cho rằng, AI chỉ là một bộ phận tuyên truyền của chính phủ một số quốc gia ở phương Tây. Họ coi sự kiện ngày 2-1-2012, bà S. Nossel (S. Nô-xen) được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành AI ở Mỹ là bằng chứng rõ nhất. Theo họ, điều này không có gì ngạc nhiên khi AI xác nhận “chính sách cánh cửa quay tròn về nhân sự” giữa AI với Chính phủ Mỹ không phải là điều bí mật. Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của AI tại Mỹ, S.Nossel từng là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề quyền con người, vấn đề nhân đạo, vấn đề của phụ nữ, quan hệ công chúng của ngoại giao nhà nước... Với cương vị này, S. Nossel là người phát minh ra khái niệm “quyền lực thông minh”, và bà thực tế không phải là một “nhà hoạt động nhân quyền”, mà là một chiến lược gia hàng đầu của Mỹ trong việc sử dụng nhân quyền để thực hiện các chương trình nghị sự của chính phủ. 

Sinh ra không vì ân xá, cũng không vì nhân quyền, cho nên rất nhiều lần AI đã bị tố cáo là hành động thiên vị, như theo Giáo sư Luật học F. Boyle (F. Boi-lơ) thì “tổ chức này hoạt động chủ yếu là tuyên truyền”; trước tiên tuyên truyền cho quyền lợi riêng của họ, sau đó vì tiền quyên góp và tìm kiếm người gia nhập với tư cách là thành viên tổ chức. F. Boyle nhận xét từ kinh nghiệm của cá nhân, vì nhiều năm ông là thành viên ban lãnh đạo của AI tại Mỹ. Kết luận của F.Boyle và các dẫn chứng nêu trên cho thấy bản chất xấu xa, hành vi đen tối của AI. Một tổ chức như vậy không thể nhân danh bất cứ giá trị nhân văn nào để phê phán các quốc gia có đường hướng nhân văn trong khi xác định tiến trình phát triển. Vì thế, việc AI liên tục đưa ra đánh giá tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chỉ là một phần trong chuỗi hành động bất lương mà họ đã tiến hành nhiều năm nay. Cũng vì thế, việc mỗi khi AI đưa tin về Việt Nam là trang tiếng Việt của BBC, VOA, RFA,… vội chộp lấy để loan báo, bình luận chỉ là cụ thể hóa mưu đồ phối hợp “kẻ tung, người hứng” để làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam. Đó là mưu đồ vô nghĩa vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, có quyền sử dụng luật pháp để giữ gìn trật tự, an ninh xã hội; và khi mấy kẻ AI o bế có hành vi vi phạm luật thì dù AI có lu loa như thế nào cũng phải đối diện với luật pháp. Những người ở AI cần nhận thức điều này, bởi chỉ như vậy họ mới có thể xứng đáng với các giá trị dân chủ, nhân quyền mà họ to mồm rao giảng.
NGỌC DUNG (báo Nhân dânn điện tử)

No comments:

Post a Comment