2017/02/21

Thế nào là "lợi dụng tôn giáo"

Mõ Làng



Đừng bao giờ mắc mưu kẻ xấu chia rẽ lương, giáo, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Tín đồ tôn giáo trước khi là tín đồ họ là công dân đất nước, được nhà nước bảo hộ, chăm lo cuộc sống. Quan trọng hơn cả, tín đồ chẳng có quyền hành gì với tôn giáo mà mình đang thờ phụng. Họ chỉ có bổn phận vâng phục. Chỉ có chức sắc tôn giáo mới có quyền hành với tín đồ, với tổ chức tôn giáo. Vì vậy họ mới là thành phần hội đủ những điều kiện để LỢI DỤNG TÔN GIÁO.

Vì sao lại lợi dụng tôn giáo. Vì động cơ thế tục, muốn khẳng định vị thế xã hội và can dự vào chính trị của giới chức sắc. Hoặc chí ít thì cũng tạo sức ép lên chính quyền để đạt những mục đích tôn giáo nào đó. 

Tôn giáo sinh ra chỉ để thỏa mãn đức tin của dân chúng. Nó vô hại và thậm chí, ở những khía cạnh nhất định giúp ích cho xã hội, chẳng hạn như những quy định về đạo đức tôn giáo. Tín đồ chỉ đến với tôn giáo vì đức tin được gải thoát, được cập bến thiện mỹ. 

Tuy nhiên, họ là lực lượng đông đảo, có sức mạnh tiềm tàng của lực lượng quần chúng. Tín đồ càng đông thì sức mạnh càng lớn và mỗi khi được tổ chức, liên kết lại, hướng dẫn hành động thì nó có sức mạnh vật chất to lớn, có thể đạt được những mục đích nhất định.

Hiểu được giá trị sức mạnh đó, các lực lượng chính trị, xã hội đều ra sức vận động, lôi kéo quần chúng. Chính đảng chính trị thì vận động nhân dân để làm cách mạng xã hội còn các tổ chức tôn giáo thì vận động, lôi kéo tín đồ để mở rộng ảnh hưởng thần quyền, làm sầm uất xứ đạo.

Trong cuộc đấu tranh giành giật quần chúng đó, ai mang lại lợi ích nhiều hơn cho quần chúng thì người đó thắng. Chính đảng chính trị thì dùng đường lối, chính sách "cơm no, áo ấm, tự do" để thu hút. Còn tôn giáo thì có gì, họ chỉ có đức tin. Mà đức tin thì đang bị xói mòn bởi kế mưu sinh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển tôn giáo phải liên minh với chính trị. Trong những bối cảnh nhất định, để tạo lực lượng, chính trị đã giang tay chào đón tôn giáo. Điều này giải thích cho hiện tượng "quốc giáo" ở một số quốc gia hay "mặt trận" ở một số quốc gia khác. Và chính nó cũng giải thích cho hiện tượng tôn giáo chủ động móc nối, bắt tay với chính trị như trường hợp Công giáo bắt tay với thực dân Pháp, Tin lành bắt tay với đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Vì sao Công giáo, Tin lành không được chào đón ở Việt Nam và luôn bị nghi kỵ, đôi lúc còn bị phân biệt đối xử. Thời Tự Đức nhà Nguyễn đã có những chính sách "diệt đạo" tàn khốc. Vì rằng, Công giáo đã dựa thế thực dân để o ép, để bành trướng thế lực lấn át nhà vua. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của đảng cộng sản, Công giáo là tay sai cho đế quốc, chống cộng. Họ rào làng chiến đấu, lùng bắt Việt minh, bạo động chính trị giúp Pháp. Họ thành lập đảng chính trị, bảo vệ chế độ Ngô Đình Diệm, xây dựng hệ thống cha tuyên úy trong quân đội Ngụy, tay sai của Mỹ.

Từ ngày hòa binh, thống nhất đất nước, Một bộ phận cực đoan trong Công giáo và Tinh lành luôn bác bỏ chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhà nước, thường xuyên gây ra những vụ bạo động, nhận sự tài trợ của các thế lực thù địch để gây dựng tổ chức phản động, lợi dụng thần quyền để xô đẩy tín đồ vào các cuộc gây rối trật tự xã hội. 

Mục tiêu của họ là kích động tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại chính tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đối lập tôn giáo với sự lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; vô hiệu hoá sự quản lí của Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là vùng tôn giáo. Hỗ trợ về vật chất, tinh thần để các phần tử chống đối trong các tôn giáo chống đối Đảng, Nhà nước, chuyển hoá chế độ chính trị ở Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đó, giới cực đoan trong chức sắc tôn giáo thường dùng những thủ đoạn:

+ Tìm mọi cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta với xã hội, với tôn giáo. Thổi phồng những yếu kém, tiêu cực, biến chất của một bộ phận trong chính đảng cầm quyền.

+ Lợi dụng những thiếu sót, sai lầm trong thực hiện chính sách xã hội, chính sách tôn giáo để gây mâu thuẫn giữa tín đồ với Đảng, Nhà nước; kích động, chia rẽ quan hệ lương – giáo và giữa các tôn giáo khác nhau hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc

+ Kích động tư tưởng cực đoan, li khai; mua chuộc, lôi kéo, ép buộc tín đồ các tôn giáo chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị - xã hội, bạo loạn, tạo các điểm nóng để vu khống Việt Nam đàn áp các tôn giáo vi phạm dân chủ, nhân quyền để cô lập, làm suy yếu cách mạng Việt Nam, tạo cớ can thiệp cho nước ngoài.

Dù sao, ngày nay bộ phận cực đoan, có âm mưu lợi dụng tôn giáo không nhiều, không đủ thế lực và ngày càng bị tín đồ nhận rõ chân tướng. Vì vậy, các cấp chính quyền cần tuyên truyền, giác ngộ vận động tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng. Đồng thời phải kiên quyết trừng trị những chức sắc cực đoan, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân.

No comments:

Post a Comment