2017/02/10

LIỆU GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CÓ THAY ĐỔI?

Giám mục Ngô Quang Kiệt trong lễ mừng kỷ niệm 25 năm hồng ân thiên chức linh mục tại Đan Viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình (Nguồn: BBC Việt ngữ). 

1.500 người vừa ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã "bị oan khiên". Đó là con số được một bộ phận tín hữu người Công giáo đến từ nhiều nước trên thế giới thực hiện những mong để Giám mục Kiệt có trở lại Hà Nội hoặc "Tòa thánh sẽ đặt ngài vào một vị trí phù hợp hơn với ơn Chúa". 

Bức thỉnh nguyện thư có đoạn: "Xin Chúa phù hộ để Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] nghĩ đến một kẻ chăn chiên biết bảo vệ đàn chiên và vâng lời Bề trên hiện đang phải ẩn mình trong trong một tu viện, như một người bị lôi ra khỏi hệ thống chăn chiên chỉ vì Vatican và các anh em Ngài đã bức bách Ngài rời bỏ đoàn chiên do áp lực của đàn sói".


Tiếp nhận việc xuất hiện của bức thư không ít tín hữu đạo Công giáo trong nước, trong đó có một số chức sắc đã bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng về những điều sắp được xảy đến với Giám mục Ngô Quang Kiệt. Ý kiến sau đây của Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh (Dòng chúa cứu thế, Linh mục Thanh nguyên là Trưởng ban Truyền thông Tỉnh dòng chúa cứu thế Viêt Nam) có thể xem là một ví dụ: "Thỉnh nguyện thư cho thấy tiếng nói của giáo dân có thể khiến Vatican nhìn lại vấn đề liên quan đến Đức cha Kiệt một cách toàn diện hơn."


"Giáo dân không đòi hỏi Vatican phải quyết định theo ý của họ mà mong nhận được những chỉ dẫn mang tính ơn Chúa chứ không phải dàn xếp chính trị. Lần này, nếu thỉnh nguyện thư đến được tay Giáo hoàng Francis, tôi tin là Ngài sẽ xem xét nghiêm túc, vì Ngài đang trong tiến trình cải tổ Roma và có những vấn đề mà Ngài quan tâm đến Việt Nam nhưng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao hơn là từ giáo dân."


Câu hỏi được đặt ra là liệu có bao nhiêu phần trăm Giáo hoàng Phanxicô sẽ làm cái điều được Linh mục Lê Ngọc Thanh nhận định: Hủy bỏ những gì mà Giáo Hoàng Benedict XVI đã làm đối với Tổng Giám Mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật để hoặc là phục chức lại cho Giám mục Kiệt. Hoặc chí ít cũng sắp đặt vị Cựu tổng Giám mục này vào một ví trí phù hợp hơn sau tất cả những gì đã qua? 

Theo nhiều tài liệu thì Giám mục Ngô Quang Kiệt sinh năm 1952 và chiếu theo quy định của Giáo luật thì ở độ tuổi này nếu đương chức Giám mục Kiệt sẽ phải đến 10 năm nữa mới nghỉ hưu. Việc Giám mục Kiệt buộc phải từ chức vì lí do sức khỏe sau vạ miệng vào năm 2009 vì thế được cho là hết sức đáng tiếc và không nên xảy ra. Đây cũng là lí do khiến nhiều người ngĩ rằng, với những suy nghĩ tích cực cho giáo hội, Giáo hoàng Phanxicô sẽ mạnh dạn áp dụng một điều chưa có tiền lệ đối với Giám mục Kiệt: Cho phục chức. Và trong tổng thể những điều dự kiến sẽ xảy ra, bức thỉnh nguyện thư của 1500 người được cho là một cái cớ có tính bổ sung khiến Giáo hoàng phải hành động dù chưa có tiền lệ. 

Tuy nhiên, xem chừng đó chỉ mới là 2 trong số vô vàn những lí do khiến Giáo hoàng sẽ không thể hoặc không dám thay đổi. Xin được nói ra những lí do đó để giải thích tại sao khi được BBC hỏi ý kiến xung quanh bức thỉnh nguyện thư, Giám mục Kiệt vẫn cho rằng, ông đang muốn được nghỉ ngơi thay vì đón nhận những điều dự báo sẽ xảy đến.

Lí do thứ nhất: Như đã nói ở trên việc để Giám mục Kiệt nghỉ hưu được thực hiện dười thời người tiền nhiệm của Giáo hoàng Phanxicô - Giáo hoàng Benedict XVI.Mặc dù được biết đến là một Giáo hoàng có xu hướng đổi mới, cách tân những tiền lệ đã có trong công tác mục vụ của Tòa thánh và các tổ chức trực thuộc nhưng Giáo hoàng Phanxicô sẽ không bao giờ phạm vào sai lầm khi phủ nhận những quyết định lớn của quá khứ. Bởi việc phủ nhận, xét lại quá khứ đồng nghĩa với việc không công nhận những yếu tố, điều kiện có tính nền tảng và truyền thống của giáo hội - một nhân tố được cho là sống còn với Tòa thánh Vatican trong bối cảnh sự suy giảm đức tin đang trở thành một mối nguy đe dọa sự phát triển bền vững, đúng trật tự của tôn giáo này trước những tôn giáo khác! 

Mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 vị Giáo hoàng (tiền nhiệm - đương nhiệm, hai vị Giáo hoàng này thường xuyên dành những lời tốt đẹp để nói về nhau) cũng là một lí do khiến Phanxicô sẽ không dại dột gì thay đổi quyết định đã được Benedict XVI ban hành. 

Lí do thứ 2: Mối quan hệ Việt Nam  - Vatican đã trải qua vòng đàm phán thứ sáu và như nhận định của cơ quan ngoại giao hai bên thì mối quan hệ đó đang tiến đến những điều cần phải xảy đến. Việc thiết lập cơ chế đặc phái viên thường trú thay thế cho cơ chế đặc phái viên không thường trú và tiến tới thiết lập cơ quan Đại sứ quán tại mỗi bên cũng chỉ là vấn đề có tính thời gian. 

Và chúng ta cần nhớ rằng, mặc dù ai cũng biết, việc Giám mục Kiệt buộc phải nghỉ hưu sớm là do ông ta bị vạ miệng, nói ra những điều không nên, không đáng nói. Nhưng, nó cũng có ít nhiều tác động của giới chức Việt Nam với tư cách là chủ thể quản lý và điều hành đất nước. Họ không chấp nhận một công dân mở miệng ra là chê bai, dè bỉu dân tộc và đó là lí do khiến họ đề nghị Tòa thánh có hình thức xử lý Giám mục Kiệt. 

Trong khi đó, việc tiếp cận được Việt Nam, thiết lập được quan hệ ngoại giao chính thức với Viêt Nam được cho sẽ là bàn đạp để họ (Vatican) có thể đến gần hơn với giáo hội Công giáo Việt Nam và tạo đà để tiếp cận, bình thường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trước khi tiến hành những điều họ đã mong muốn nhiều thập kỷ. 

Dù chưa phải là tất cả nhưng đây là 2 lí do có tính căn bản để dẫn tới việc Giáo hoàng Phanxicô sẽ không thay đổi dù Giám mục Kiệt còn quá trẻ để nghỉ hưu hay đó là sức ép từ 1500 tín hữu đến từ nhiều nước trên thế giới. 

Đó có thể chỉ là một sự động viên nho nhỏ mà Giám mục Ngô Quang Kiệt được đón nhận trước khi chợt biết rằng, đó là cơ hội cuối cùng để bản thân có thể quay về với những gì đã từng có, lẽ ra đã chưa thể mất nếu chín chắn hơn. Với nỗi đau này, Giám mục Kiệt cũng chỉ có thể chôn dấu trong lòng mà không thể nói ra với bất cứ ai. 

An Chiến

No comments:

Post a Comment