Từ ngày mạng xã hội phát triển, lại được BBC, VOA, RFI, RFA,… o bế, khuyến khích, trên in-tơ-nét xuất hiện một số người nhân danh phản biện để cổ vũ các bình luận, đánh giá tiêu cực về Việt Nam; hung hăng phản đối các bình luận, đánh giá tích cực về Việt Nam! Và thái độ tiêu cực, ý kiến tùy tiện của họ đã bị vạch trần…
|
Cuối năm 2016, Indochina Research (Nghiên cứu Đông Dương) công bố kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ cuộc điều tra do Worldwide Independent Network/Gallup International Association (WIN/GIA - mạng lưới nghiên cứu, thăm dò và cung cấp thông tin thị trường có uy tín trên thế giới) thực hiện ở 66 quốc gia. Với Việt Nam, kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là nước hạnh phúc thứ tư và nước lạc quan thứ năm trên thế giới về triển vọng kinh tế trong năm 2017... Dẫu kết quả khảo sát này chỉ là một thông số tham khảo thì tính cụ thể của nó vẫn cho thấy một số chỉ dấu về niềm tin xã hội, về hy vọng lành mạnh mà mọi người Việt Nam đang hướng tới.
Tuy nhiên, con số xếp hạng được Indochina Research đưa ra lại trở thành mục tiêu công kích, phủ nhận của một số kẻ thiếu thiện chí với Việt Nam. Như ngày 31-1-2017, trang tiếng Việt Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã đăng bài “Dân Việt “hạnh phúc và lạc quan kinh tế”?” của một người được VOA giới thiệu là “nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” với nội dung phản bác kết quả nghiên cứu của Indochina Research. Mở đầu bài viết, để hạ thấp uy tín, qua đó hạ thấp kết quả nghiên cứu của Indochina Research, tác giả này coi Indochina Research là “một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm”, rồi sử dụng nhiều thông tin tiêu cực, không rõ xuất xứ, chủ yếu khai thác từ in-tơ-nét, thậm chí thông tin đã được xác minh không có trong thực tế, và sử dụng thủ đoạn mập mờ theo kiểu “một nguồn giấu tên tiết lộ”, “còn có dấu hiệu”, để bác bỏ kết quả nghiên cứu của Indochina Research. “Nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” tỏ ra rất thành thạo, bịa ra việc “chính quyền Việt Nam dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ về thể diện và chính trị, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược”,...?
Trước các đánh giá của “nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” trên VOA, ngày 9-2-2017, Indochina Research đã công bố một bài viết phản biện, khẳng định: “Là một công ty nghiên cứu độc lập, Indochina Research đưa ra thông tin dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học có thể kiểm chứng được”, cho nên nghi ngờ của “nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” về tính xác thực trong các nghiên cứu của công ty Indochina Research, độ độc lập của công ty là “hoàn toàn không có căn cứ”. Bài viết cho biết: Indochina Research không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào; Indochina Research là thành viên của mạng lưới WIN/GIA, Giám đốc điều hành là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu dư luận và thị trường châu Âu (ESOMAR), Indochina Research luôn hành động đúng theo Quy tắc ứng xử quốc tế về nghiên cứu thị trường và xã hội của ESOMAR. Indochina Research khẳng định, tất cả các nghiên cứu của mình đều được tiến hành với phương pháp khoa học chặt chẽ có thể kiểm chứng; thông tin đưa ra đều mang tính minh bạch, có phương pháp luận công khai để người đọc có thể đánh giá.
Theo Indochina Research, kết luận cho thấy “người Việt Nam hạnh phúc thứ tư và lạc quan kinh tế đứng thứ năm thế giới” là dựa trên kết quả điều tra cuối năm 2016 của tổ chức này, và cho biết: WIN/GIA điều tra vào cuối mỗi năm tại nhiều nước trên thế giới về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa. Năm 2016, WIN/GIA đã phỏng vấn 66.541 người dân sống tại 66 quốc gia trên thế giới về viễn cảnh, nhận định và suy nghĩ của họ về các vấn đề quốc tế, quốc gia. Tại Việt Nam, thành viên của WIN/GIA là Indochina Research đã thực hiện với 700 người, tuổi từ 18 đến 64, sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với câu hỏi: “Nhìn chung, cá nhân anh/chị cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, bất hạnh hoặc rất bất hạnh về cuộc sống của anh/chị?”, 79% số người được hỏi trả lời họ hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc, và 1% trả lời họ bất hạnh hoặc rất bất hạnh. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam (số % hạnh phúc trừ đi % bất hạnh) như vậy là 78%. So với 66 quốc gia đã được WIN/GIA điều tra, chỉ số này là đứng thứ tư. Còn với câu hỏi: “Theo ý kiến của anh/chị, so với năm nay thì năm sau nền kinh tế của nước ta sẽ phát triển hơn, sẽ suy thoái đi hay vẫn không thay đổi?”, 59% số người được hỏi cho rằng năm 2017 sẽ là một năm kinh tế phát triển, 12% nghĩ kinh tế sẽ xấu đi, 26% cho rằng kinh tế 2017 sẽ không thay đổi so với năm 2016, chỉ số lạc quan kinh tế (% kinh tế phát triển trừ đi % kinh tế xấu đi) là 47%, cao thứ năm trong số 66 quốc gia được điều tra…
Và bài viết của Indochina Research kết luận: “Indochina Research luôn mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng. Tuy nhiên, tất cả những bình luận không có căn cứ, không có lý luận khoa học từ những người không có thông tin đầy đủ về Indochina Research và nghiên cứu của Indochina Research đều chỉ mang tính chất suy đoán, không phản ánh đúng sự thật”!
Sự kiện có tính thời sự giữa ý kiến gọi là phản biện của “nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” trên VOA với bác bỏ của Indochina Research là thí dụ điển hình về tình trạng lâu nay một số người Việt Nam có xu hướng a dua, cổ vũ các bình luận, đánh giá tiêu cực về đất nước mình, đồng thời rất hung hăng phản đối, chửi bới các bình luận, đánh giá tích cực về Việt Nam; thậm chí nhiều chủ trương, chính sách ích nước, lợi dân, tạo điều kiện và bảo đảm để từ mỗi người dân đến toàn xã hội được hưởng những quyền và lợi ích thiết thực cũng bị họ xuyên tạc, phản đối với lý do… không khả thi, hoặc họ coi đó là sản phẩm để phục vụ mưu đồ của “nhóm lợi ích” do họ bịa ra! Đặc biệt, họ luôn cố xoáy sâu vào một số hiện tượng, sự kiện tiêu cực để thổi phồng, biến hiện tượng thành bản chất, biến ngẫu nhiên thành tất nhiên, biến cá biệt thành phổ biến,… vừa để gây dư luận xấu trong xã hội, vừa để kích động những người nhận thức non nớt, nhẹ dạ, cả tin và làm xấu hình ảnh của đất nước trước cộng đồng quốc tế. Có thể nhận diện xu hướng này qua hiện tượng những đánh giá tiêu cực về Việt Nam luôn được dẫn lại trên nhiều trang mạng, blog và facebook cá nhân giúp một số người thi nhau hả hê bình luận, tán dương; còn đánh giá tiêu cực về Việt Nam là lập tức trở thành mục tiêu công kích, xỉ vả, xúc phạm…
Nhưng xem ra sự hung hăng của họ cũng có giới hạn, và chính giới hạn này lại cho thấy bản chất, mục đích thật sự của họ là gì. Thí dụ, họ hoàn toàn im lặng trước các đánh giá tích cực về Việt Nam của Tổng thống Mỹ B.Obama (B.Ô-ba-ma) trong bài phát biểu ngày 24-5-2016 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội, rằng: “Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được các tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, thế giới có thể nhìn rõ những thành tựu mà các bạn đạt được. Với công cuộc đổi mới kinh tế và các hiệp định thương mại tự do, trong đó có với Hoa Kỳ, các bạn đã gia nhập vào nền kinh tế toàn cầu và bán hàng hóa của mình trên khắp thế giới. Đầu tư nước ngoài đang đổ về nhiều hơn. Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Chúng ta có thể nhìn thấy sự tiến bộ của Việt Nam qua những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những trung tâm thương mại và khu đô thị mới, ở vệ tinh mà Việt Nam đã phóng vào không gian, ở một thế hệ trẻ say mê công nghệ, những người đang khởi nghiệp và điều hành các doanh nghiệp mới…
Tất cả sự năng động này đã đem lại những tiến bộ thật sự cho rất nhiều người. Việt Nam đã giảm nghèo một cách ấn tượng, nâng cao thu nhập các hộ gia đình, tạo thêm hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Đói nghèo, bệnh tật, tử vong ở phụ nữ và trẻ em đều đã giảm. Số người được tiếp cận điện và nước tăng lên, con số trẻ em trai và gái được đi học, tỷ lệ người biết chữ đều tăng. Đó là những tiến bộ phi thường, là điều các bạn đã làm được trong một thời gian rất ngắn”. Họ cũng tảng lờ những con số rút ra từ cuộc khảo sát chuyên gia nước ngoài năm 2016 của HSBC - một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới, cũng là nơi tổ chức những cuộc khảo sát chuyên gia nước ngoài có bề dày lịch sử và quy mô lớn nhất. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 19 trong số các quốc gia tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài sinh sống, làm việc; trong số sáu nước Đông - Nam Á (gồm Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore) đã được HSBC khảo sát và xếp hạng thì Việt Nam xếp thứ hai sau Singapore. Cũng theo khảo sát của HSBC, Việt Nam tạo ấn tượng tốt đối với chuyên gia nước ngoài, nên 72% số chuyên gia nước ngoài ở đây cảm thấy tự tin về nền kinh tế, 62% số chuyên gia nước ngoài đánh giá cao sự ổn định chính trị của Việt Nam (tỷ lệ cao thứ hai trong ASEAN, sau Singapore, lần lượt là 73% và 89%)…
Từ đó một câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao họ lại im lặng trước các đánh giá này? Câu trả lời cũng đơn giản, bởi đó là đánh giá của người đứng đầu nước Mỹ - đất nước được nhiều người trong số họ tôn thờ và cầu cạnh, đồng thời họ không có bản lĩnh để la lối, phê phán các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam!
Trong bài viết đăng trên VOA, “nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế” dành khá nhiều chữ nghĩa để phủ nhận sự phát triển về kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng liệu ông ta có đủ chữ nghĩa để bác bỏ các số liệu về kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong năm 2016 đã được công bố, như: CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21% (trong khi các nước đang phát triển ở châu Á là 5,5%, khu vực Đông - Nam Á 4,5%); dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD…; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%; tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lượt người; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu đạt hơn 81%…? Phải chăng với “lăng kính màu đen”, ông ta và người như ông ta nhìn đâu cũng chỉ thấy xấu và không muốn đất nước đã sinh ra ông ta phát triển? Nếu đúng như vậy, ông ta và người như ông ta cần coi các đánh giá của Indochina Research là một bài học và thấy xấu hổ để chấm dứt các “suy đoán, không phản ánh đúng sự thật”!
|
VŨ HỢP LÂN (Báo Nhân dân điện tử) |
No comments:
Post a Comment