2017/01/24

Viện nghiên cứu phát triển (IDS)- tổ chức khoa học hay chính trị?

Nhà Dân Chủ



Cả trên giấy tờ lẫn trước dư luận, các cựu lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS luôn tự tuyên bố rằng tổ chức này là một tổ chức khoa học công nghệ, đăng ký pháp nhân trên cơ sở Luật Khoa học – Công nghệ Việt Nam, và hoạt động tư vấn dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Nhưng đó có phải là sự thật không? Không chắc.

Trong thực tế, viện IDS có rất ít đặc điểm của một tổ chức khoa học. Trong khi đó nó lại có thừa đặc điểm của một tổ chức chính trị mạo danh. Thực tế đó thể hiện rõ ràng qua những bằng chứng này:

-Từ khi sáng lập đến khi giải thể, viện IDS chưa từng đưa ra được một công trình nghiên cứu khoa học nào.

-Dù viện IDS tuyên bố rằng họ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn về phát triển cho các tổ chức có nhu cầu, hoạt động thực tế của viện lại hoàn toàn tập trung vào việc tổ chức sự kiện và trả lời phỏng vấn báo chí.

-Trong ba đề tài nghiên cứu mà viện IDS từng chọn, đề tài đầu tiên mang tên Cải cách Giáo dục và Y tế nhìn từ góc độ kinh tế học. Tuy vậy, trong số những thành viên của viện tham gia “nghiên cứu” đề tài này không ai có kiến thức chuyên môn về giáo dục và y tế. Như vậy, phải khẳng định rằng ngay từ đầu, các kết luận và tư vấn mà viện IDS đưa ra đã có tính phi khoa học.

-Ngay sau khi có tư cách pháp nhân, viện IDS đã làm việc với nhóm tác giả của nghiên cứu “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam” của trường John F. Kennedy School of Government, Đại học Harvard, Mỹ. Làm sao một tổ chức dân sự mới thành lập, không danh tiếng, thậm chí chưa làm ra một sản phẩm nào cho đời lại có thể liên kết với đại học Havard, trừ phi tổ chức đó được thành lập để làm vỏ bọc cho một kế hoạch chuyển đổi chính trị chung mà các thành viên viện và giới chức Mỹ đã thống nhất với nhau từ trước?

-Trong các hội thảo và phát ngôn trước truyền thông, viện IDS chưa bao giờ cảnh báo những nguy cơ mà kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam phải đối mặt khi mở cửa. Thay vào đó, họ chỉ ca ngợi những phép màu của “kinh tế tự do”, và thúc giục người Việt gia nhập trật tự Mỹ mà không cần cân nhắc. Các thành viên của viện này, đặc biệt là Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh và Phạm Nguyên Trường, giống những tay chào hàng của trật tự Mỹ hơn là những người nghiên cứu khoa học có trách nhiệm và những nhân viên tư vấn công tâm.

-Ngày 14/09/2009, hội đồng viện IDS đã quyết định giải tán Viện để phản đối quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, theo đó các tổ chức nghiên cứu khoa học có phản biện ngược với chính sách của Chính phủ thì không được công bố công khai. Để lý giải cho cuộc quyên sinh gây sóng gió của mình, họ tuyên bố rằng quyết định nêu trên của chính quyền khiến viện “không thể hoạt động theo đúng sứ mệnh”. Tuy nhiên, chính lời lý giải bất hợp lý này đã làm lộ rõ bản chất chính trị của viện. Vì nếu IDS thật sự là một tổ chức nghiên cứu và tư vấn khoa học như tuyên bố, họ hoàn toàn có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ nêu trên cho những khách hàng của mình, và không công khai thành quả nghiên cứu với công chúng. Nếu hội đồng viện IDS cảm thấy viện bị “bức tử” vì quyết định này, thì phải khẳng định rằng viện được lập ra không phải để nghiên cứu và tư vấn, mà là để làm chính trị bằng cách dắt mũi truyền thông.

Ngoài ra, với cách thức hoạt động của mình, viện IDS hoàn toàn có thể giữ vai trò của một trung tâm mua bán thông tin nội bộ và vỏ bọc che giấu gián điệp kinh tế. Cũng cần lưu ý rằng viện IDS chỉ là một trong những vỏ bọc mà một nhóm lợi ích sử dụng để thao túng quá trình chuyển đổi kinh tế – chính trị thông qua dư luận và cộng đồng học thuật. Ngay cả khi viện này đã tự giải thể, những quân cờ của nhóm lợi ích đó vẫn tiếp tục hoạt động dưới những vỏ bọc mới mẻ hơn, hoặc chính thống hơn. Chẳng hạn, nhìn nhân sự liên quan, có thể liên tưởng ngay đến những tổ chức như Quỹ Phan Chu Trinh, Văn đoàn Độc lập và Diễn đàn Xã hội Dân sự.

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao sau quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, chỉ có viện IDS tuyên bố tự giải thể để ăn vạ ầm ĩ với dư luận, còn không ít NGO khác vẫn tiếp tục được thành lập, hoạt động nghiên cứu – tư vấn và làm ra sản phẩm thực cho xã hội từ đó đến nay? IDS không hề bị bức tử, nó chỉ giả chết để che giấu bản chất.

Qua những chiêu trò nhân danh, đánh bóng và ăn vạ để mua chuộc lòng người của tổ chức này, chúng ta có thể hiểu hơn về cách làm chính trị, mục đích và dự định của các cựu thành viên viện IDS. Đừng để họ đánh lừa bạn bằng vỏ bọc đáng thương hại. Dối gian vẫn là dối gian, dù nhân danh tiến bộ hay nấp dưới vỏ bọc trí thức. Dối gian giả danh trí thức thì càng phải lật tẩy.

Bài này sẽ được gửi đến ông Nguyễn Quang A, một cựu thành viên viện IDS, kèm theo lời đề nghị chuyển lời. Noi gương vụ thách thức của ông, giờ tôi thách ông Quang A công khai bài viết này trên Facebook của ông, rồi cùng các cựu thành viên khác của viện IDS hóa giải những nghi vấn mà tôi đặt ra trong bài viết. Nếu họ không hồi âm, tôi sẽ phải kết luận rằng những nghi vấn này là hợp lý, và họ thực sự là một nhóm lợi ích khoác vỏ bọc trí thức để làm chính trị.

Nguồn Page: Những nhà dân chủ độc tài

No comments:

Post a Comment