2017/01/02

ĐIỀU VIỆT NAM CẦN LÀ CẢI THIỆN KINH TẾ CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN QUYỀN

Đài RFA vừa có một cuộc điều tra để tìm hiểu đánh giá của người dân Việt Nam về cuộc sống trong nước hiện nay. Cuộc điều tra được nhà đài này tiến hành tại một số đô thị lớn tại Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, ngoài ra họ cũng hướng đến người dân sinh sống tại vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Kết quả được ghi nhận như sau: 
"Từ thành thị
Trước tiên, chị Thư, một nữ công nhân may tại Sài Gòn chia sẻ suy nghĩ của mình: “Mình thích ở Việt Nam vì đời sống thoải mái, không bị gò bó, căng thẳng vì áp lực công việc và tiền bạc vật chất. Ở đây, nếu chịu khó làm ra tiền thì sống thoải mái, đời sống tinh thần dễ chịu…”
Đó là nhận xét của một người dân Sài Gòn về cuộc sống tại Việt Nam hiện nay. Cùng một đề tài, chúng tôi hỏi thăm anh Luân, từ Hà Nội, người thường xuyên đi công tác và lưu lại sống dài ngày ở nhiều nước trên thế giới:
“Đi nhiều nơi trên thế giới nhưng mình vẫn thích quay về Việt Nam sống. Tức nhiên mình vẫn mong nhiều thứ tốt hơn như văn minh đô thị, mức sống, kinh tế phát triển hơn thế nhưng cuộc sống ở Việt Nam mình thấy tương đối thoải mái, ngoài công việc đi làm hàng ngày, mình có thời gian cho cá nhân, gia đình, có thể vui chơi giải trí.
Đời sống ở nước ngoài nhiều áp lực, quá căng thẳng, miệt mài chạy theo đồng tiền. Rất nhiều người ngoại quốc công tác tại Việt Nam rất thích cuộc sống ở đây. Cả những Việt kiều đi ra nước ngoài rồi khi về nước vẫn cảm thấy thích sống ở Việt Nam hơn…”
… đến nông thôn
Rời những đô thị lớn, mời quý vị cùng chúng tôi ghé thăm một miền quê xa xôi, hẻo lánh ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long để tìm hiểu cảm tưởng của người dân nông thôn về đời sống hiện tại ra sao. Ông Bảy Mừng, một nông dân quanh năm chân lắm tay bùn ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, chia sẻ:
“Hiện giờ ở Việt Nam đời sống dân thành thị rất phát triển nhưng đời sống ở những vùng nông thôn vẫn còn vất vả, khó khăn, mức sống thấp, thu nhập thấp nên đa số thanh niên bỏ ruộng vườn lên thành phố làm thuê.
Tuy vất vả về mặt kinh tế nhưng cuộc sống ở nông thôn ổn định, thoải mái về mặt tinh thần. Nghèo nhưng cảm thấy thoải mái vì bây giờ không có chiến tranh và xóm ấp có sự tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, vui vẻ.
Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện giờ. Tôi chỉ kỳ vọng làm sao đất nước đừng có chiến tranh, kinh tế phát triển cho đời sống người dân đi lên.
Quan trọng là nhà nước cần chiếu cố quan tâm hơn nữa đến việc xóa đói giảm nghèo cho những hộ khó khăn, không đủ ăn đủ mặc, hoặc cho vay lãi suất thấp để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế…”
Vừa rồi là cảm nhận của một số người dân từ thành thị đến nông thôn về cuộc sống hiện nay tại Việt Nam, quốc gia đang xếp thứ 12 trong bảng chỉ số các nước có đời sống thoải mái, dễ chịu trên thế giới". 
Nguồn gốc kết quả xem thêm: Tại đây

Người của RFA đứng ra thực hiện chuyên đề khảo sát này là Phóng viên Trà Mi. Cùng với nội dung khảo sát về đánh giá của người dân Việt Nam về cuộc sống trong nước hiện nay thì RFA còn phân công một phóng viên khác là Đỗ Hiếu tiến hành khảo sát đời sống hôn nhân ở Việt Nam và kết luận: "Đời sống hôn nhân ở Việt Nam vẫn còn tính bền vững". 

Lâu nay, mượn cớ và lấy cớ một số người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước đứng ra tố cáo tình trạng "Vi phạm nhân quyền" ở Việt Nam. Không ít chính giới các nước đã lấy đó để can thiệp bằng những đạo luật, lời kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền. Họ cũng lấy đây làm một điều kiện để ngã giá với giới chức trong nước trong các hiệp định hòng khiến Việt Nam đánh mất mình. Việc không ít lần họ gây sức ép để giới chức trong nước thả một số kẻ chống đối có thể xem là một ví dụ cho điều này. 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ một nhà đài ở nước ngoài (RFA) một lần nữa cho thấy, những tiếng nói "tạo cớ" ấy chỉ là thiểu số. Đa số người Việt Nam "cảm thấy thoải mái và vui vẻ cho dù cuộc sống còn khó khăn". Vậy nên, điều mà giới chức Việt Nam cần làm cho người dân của mình không phải là cải thiện nhân quyền hay những thuật ngữ đại loại thế mà đơn thuần chỉ là vấn đề cải thiện và nâng cao mức sống, nền kinh tế cho người dân! 

An Chiến

No comments:

Post a Comment