2017/01/13

Hay và dở của Tết - đừng xúc phạm GS Võ Tòng Xuân

Kính Chiếu Yêu




Cư dân mạng đã hơi quá lời với quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà Phạm Chi Lan về kiến nghị sáp nhập Tết ta với Tết tây. Thực ra các vị ấy cũng xuất phát từ động cơ mong muốn người Việt dần thoát ra thói quen lễ hội, tiêu tốn thời gian, vật chất mà đáng ra nó có thể giúp ích cho sự phát triển. Chỉ có điều nó chưa hợp thời thôi.


Giáo sư có quyền đưa ra quan điểm của mình về một hiện tượng xã hội và chúng ta cũng vậy. Đồng ý hay không thì tranh luận, phản biện chứ không phải là mạ lị, mạt sát. Chúng ta đang nói về một vấn đề văn hóa nên càng phải thể hiện có văn hóa. Tôi thì có cách nhìn nhận thế này:

Người phương Đông có tết Nguyên đán, tết Trung thu, tết Bun (té nước cầu mưa), thậm chí mỗi tộc người cũng có Tết riêng (Tết Mông, Tết Khơ me). Tết, đến bây giờ nó vẫn rất có "ma lực" làm xáo động cả dân tộc Việt. Trước Tết và sau Tết, các bến ô tô, ga tàu, sân bay người "đông như kiến", Việt kiều khắp thế giới cũng háo hức về quê hương. Đấy là một thực tế.

Dân tộc nào cũng có Tết, nhưng phần lớn thường chỉ vỏn vẹn một ngày, không mang ý nghĩa thiêng liêng như Tết ta. Tết Việt Nam, ngoài ý nghĩa vui Xuân, còn kết hợp nhiều nội dung của nhiều lễ hội khác phương Tây trong Lễ Phục sinh; Lễ Tạ ơn Chúa; Lễ Chúa giáng sinh. Nó thể hiện cái "thần" của Tết Việt Nam với một nền văn hóa riêng. Nó kết tinh những gì sâu lắng của bản sắc dân tộc, cộng đồng Việt qua hàng ngìn năm chưa dễ gì xóa bỏ.

Cái hay của Tết là ở chỗ:

Tết Nguyên đán là ngày khởi đầu cho một năm mới theo lịch thời tiết! "Nguyên" là bắt đầu, "Đán" là buổi ban mai. Một năm mới tràn đầy hy vọng và những ước mơ đang đến. Bầu không khí của ngày Xuân bao giờ cũng vui tươi, thanh bình, nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Ngàn hoa bừng nở, con người mỉm cười. Tết đánh dấu sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên bằng một tình cảm thiêng liêng, huyền bí, hòa nhập vào vũ trụ trong niềm hồ hởi tái sinh của 4 mùa xuân -hạ -tu -đông. 

Trong sự cộng cảm, sự hoà hợp thiêng liêng của thiên nhiên và lòng người, tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên là nhịp cầu nối hiện tại với dĩ vãng với sức mạnh huyền bí. Trước Tết nhà nhà đi tảo mộ, lau dọn bàn thờ tổ tiên để đến nửa đêm Giao thừa cúng hương hoa và cả cỗ bàn, mời những thế hệ đã khuất về vui Xuân với con cháu. Quan niệm ông bà tổ tiên sẽ về trong dịp Tết khiến ai cũng muốn có mặt ở nhà để tỏ lòng thành kính tổ tiên.

Tết là một yếu tố tăng cường và nhắc nhở ý thức gia đình, họ hàng và làng nước. Con cháu chúc mừng ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè. Người làng hỏi thăm nhau. chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt. Tình làng nghĩa xóm mặn nồng thêm nhờ cúng lễ thần Thành hoàng của cộng đồng, kèm theo lễ hội có khi rải ra suốt ba tháng đầu năm.

Trong ý niệm tâm linh của người Việt Nam ta, ai cũng muốn ngày Tết sẽ đem đến mọi sự tốt lành nên người ta chọn người hợp số, khoẻ mạnh, tài giỏi, nhân hậu để xông nhà. Rồi giao thừa đi hái lộc, một cành xanh nhỏ mang về nhà với sự cầu mong phước lộc.

Tết đến là phải vui, phải đẹp, phải mới! Người lớn đến trẻ em, năm mới đều diện quần áo mới. Nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ để đón Xuân. Không những từng nhà phải đẹp, mà làng xóm cũng phải đẹp, thành phố càng phải đẹp hơn! 

Ngày Tết Việt Nam cũng là ngày hội của hoa xuân! Mặt đất nơi nào cũng thấy hoa. Mùa xuân chia đến tận từng nhà. Những chợ hoa, hội hoa xuân mở ở khắp nơi. Hoa Xuân là sự chan hoà kỳ diệu giữa con người với thiên nhiên. Và người Việt muốn đem cả thiên nhiên vào nhà mình nên ngày Tết, không nhà ai là không có một lọ hoa, một chậu hoa. 

Không những chỉ có cái đẹp của hình thức, ngày Tết Việt Nam còn coi trọng vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của cội nguồn văn hoá. Kiêng nói gở, nói tục, kiêng những lời nói cục cằn, thô lỗ, kiêng cãi cọ nhau làm "rông" cả năm. Lời nói tử tế là âm điệu phổ biến của không gian ngày Xuân.

Âm hưởng lòng nhân ái vang lên trong nhiều phong tục Tết cổ truyền. Trong gia đình, bố mẹ kiêng đánh mắng con cái, mẹ chồng khắt khe cũng dịu giọng với nàng dâu, anh chị em tránh cãi nhau, chủ nhà đối đãi tử tế với người ở. Trong xóm làng, không ưa nhau nếu gặp nhau cũng chào hỏi. Nợ nần không đòi vào ngày Tết. Khách lạ đến nhà cũng chào mời chén trà, miếng bánh.

Ngày Tết Việt Nam còn là ngày hội của tinh hoa ẩm thực! Chính ngày Tết là dịp để thể hiện nghệ thuật ăn uống tuyệt vời nhất, đặc trưng nhất của mỗi dân tộc. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Bánh chưng, bánh tét là đặc trưng của Việt Nam.

Những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo đó đã ăn vào máu của người Việt nên Tết vẫn rất thiêng liêng, háo hức, chưa dễ gì thay đổi.

Nói là chưa dễ gì thay đổi vì rằng nó vẫn có thể thay đổi. Hãy nhìn vào thực tiễn cuộc sống là thấy. Xưa là "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh" nhưng nay mâm cỗ thịt mỡ ít đi, câu đối đỏ ít ai treo, cây nêu ít ai trống, tràng pháo không còn nổ. Những lễ hội được lược bỏ bớt những yếu tố mê tính, phản cảm. Nhiều gia đình làm ăn khấm khá chọn ngày tết để đi du lịch chứ không phải là "trở về".

Tết có cái hay nhưng cũng có cái dở của Tết. 

Dù muốn, dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận, Tết là một dịp “tiêu tiền” quy mô lớn mà đối với người thu nhập thấp là cả một vấn đề. Những người xa quê trước Tết 2 tháng đã phải sốt sắng đặt vé máy bay, vé tàu, vé xe. Công ty, xưởng thợ lo thuê xe cho công nhân về tết. Vé xe tàu dịp tết thì không hề rẻ. Chen chúc trên cái xe khách chật như nêm cối. Thậm chí, có người phải nằm trên mui xe, trong gầm hành lý. Giữa đường bị ách lại, đuổi xuống vì an toàn giao thông. 

Về thì đâu chỉ xách cái người không về. Quà cáp, đồ đạc đủ loại cho đủ người. Rồi mua đủ thứ. Rồi sắm đủ loại. Chỉ để chưng thế thôi, hết cuộc vui mới hiểu được sự lãng phí đến kinh hãi. Thức ăn đủ loại cả năm dồn một đợt cho ngon, cũng chẳng mấy ai đụng đũa. Sơn hào hải vị nhưng rồi dọn ra, gắp vài miếng lại mang vào. Vài lần thế thì mang đi đổ. Mứt kẹo, bánh trái ê hề, chỉ sướng lũ ruồi và kiến. 

Tết cũng là dịp như mặc định phải sắm đồ mới. Bàn ghế, tủ giường, ấm chén, nói chung từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất, là phải mới. Đồng tiền lẽo đẽo chạy theo cái mới ấy cũng mướt cả mồ hôi.

Nhưng có lẽ, lãng phí không kém tiền bạc, chính là thời gian. Nước ta nhiều lễ lạt, nên cũng khá nhiều kỳ nghỉ. Nghỉ cứ lắt nhắt vài ba ngày, đôi khi ghép với thứ Bảy, Chủ nhật liền kề cho dài ra. Lại bao chuyến đi về, tốn kém một mớ. 

Người nghỉ thì việc ứ tắc không làm, thời buổi kinh tế thị trường nhỡ một hợp đồng là mất toi cả đống tiền, mất bạn hàng. Cả thế giới bây giờ chỉ còn dăm bảy quốc gia ăn tết Nguyên đán (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ, Sigapo). Nhật Bản, xưa ăn tết Nguyên đán nhưng đã đổi sang Tết Tây từ thế kỷ 18.

Văn hóa cũng không phải là bất biến. Xưa hôn nhân "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", bây giờ là hôn nhân tự do, đôi khi là "con đặt đây cha mẹ ngồi đấy". Nhiều thứ là văn hóa quanh ta cũng đang thay đổi, chỉ có điều ta chưa nhận ra mà thôi.

Vậy nên, GS Võ Tòng Xuân, bà Phạm Chi Lan muốn "gộp" Tết lại (trong thời buổi hội nhập) để thuận tiện cho làm ăn, phát triển cũng là có ý tốt. Sao lại xúc phạm, mạ lị họ!

No comments:

Post a Comment