2016/12/20

Lí do Quốc hội chưa ban hành luật về Hội

Chiềng Chạ


“Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào bởi khi đó Hội Nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa?


 
Nhà văn Nguyễn Hữu Thỉnh (Nguồn: Internet).  

Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì Hội Nhà văn sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi. Vì số tiền hội phí thu từ 1.000 người trong Hội Nhà văn mỗi năm chưa được 6 triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!”

Đây là nội dung được ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn nói tại Hội nghị văn học 2016 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 16-12 sau khi đã chỉ ra những khó khăn mà Hội nhà văn và có thể là nhiều tổ chức Hội khác đang gặp phải cho dù trong bối cảnh Luật về Hội chưa được Quốc hội thông qua (mặc dù đã được đệ trình): "Khó khăn đầu tiên mà ông Thỉnh đưa ra là thông thường mỗi nhiệm kỳ năm năm các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4,8 tỉ đồng.


Nhưng năm nay Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền là 2,4 tỉ đồng và đã phải chi ra 2/3 số tiền đó để trả nợ cho báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt... (mỗi số ra của mỗi đầu báo, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình). Vì chưa đủ tiền nên hiện Hội Nhà văn vẫn còn nợ lại một số đơn vị tiền mua báo từ đầu năm đến nay". 

Và từ khó khăn này, ông Thỉnh cũng cho biết, Hội nhà văn đã "tính đến phương án liên kết với doanh nghiệp phá bỏ hoàn toàn trụ sở hiện nay (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để xây nhà hàng, khách sạn.

Nhưng phương án này đang gặp khó vì các đối tác không mặn mà nên có thể Hội Nhà văn sẽ dồn tất cả các cơ quan thuộc đơn vị mình về trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu để dành khu đất 65 Nguyễn Du (nay đang là trụ sở NXB Hội Nhà văn) để cho thuê". 

Dù trong chia sẻ của mình, ông Thỉnh không nhắc đến những khó khăn tương tự của các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác. Nhưng chắc chắn họ cũng không khá khẩm gì hơn dù chính họ vẫn nhận được ít nhiều sự bảo hộ phần nào về mặt kinh phí của Nhà nước. 

Cổ vũ cho xu hướng ban hành luật về Hội với nền tảng là trao quyền tự chủ cho các tổ chức hội, một số người có ý kiến cho rằng: Cứ để các hội sống bằng năng lực của chính mình và lúc đó các hội sẽ không còn xu hướng ỷ lại hay trông chờ vào nguồn ngân sách eo hẹp của Nhà nước. Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức gặp phải những ý kiến phản đối. Theo đó, những ý kiến phản biện đã cho rằng: Những tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung, Hội nhà văn nói riêng sẽ khó lòng có thể tự sống được trong xu hướng văn hóa đọc đang giảm sút. Chất lượng các tác phẩm văn học chưa cao cũng là nguyên nhân khiến các tác phẩm văn hóa khi ra lò chưa thực sự thu hút độc giả và để độc giả chú ý tới. 

Trong khi đó, nếu để Hội Nhà văn "tự bơi" trong cơ chế tự chủ thì việc họ sẽ bị giải thể là chuyện có thể xảy ra trong nay mai. Cho nên, chưa ban hành luật về Hội mặc dù đã có không ít người lên tiếng, Quốc hội đang tạo điều kiện để các tổ chức xã hội nghề nghiệp (trong đó có Hội Nhà văn) quen dần với cơ chế nửa tự chủ. Trong cơ chế này, họ sẽ vẫn được hưởng một phần trợ cấp, hỗ trợ từ nhà nước nhưng để có thể phát triển họ sẽ phải tự phát huy tính sáng tạo, năng động của chính mình. Đó cũng là tiền đề để khi luật Hội chính thức được ban hành họ sẽ có thể tự sống và phát triển. 

Hãy để các tổ chức hội tự đòi hỏi về luật Hội thay vì đứng ngoài cuộc mà phán xét và kêu than! 

No comments:

Post a Comment