Ngày 8-12, nhân Ngày Quốc tế nhân quyền, Ủy ban nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Mỹ đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhân quyền: ghi nhận hiện tại và hướng tới tương lai”. Đáng tiếc là hội thảo này lại trở thành diễn đàn để dân biểu A. Lowenthal đưa ra một số ý kiến có tính chất vu khống, xuyên tạc đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam…
|
Việc Ủy ban nhân quyền Tom Lantos (Tôm Lan-tốt) thuộc Hạ viện Mỹ (đặt theo tên của hạ nghị sĩ đảng Dân chủ T.P Tom Lantos, 1928 - 2008), tổ chức hội thảo, điều trần, thảo luận về nhân quyền vốn là hoạt động bình thường; tuy nhiên, đáng tiếc một số hoạt động của Ủy ban lại là cơ hội để một số nghị sĩ như A. Lowenthal (A. Lâu-en-tan), L. Sanchez (L. San-chét), F. Wolf (F. Vôn-phơ),… đưa ra ý kiến, hoặc tạo điều kiện để một số người vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tại hội thảo nhân Ngày Quốc tế nhân quyền với chủ đề “Nhân quyền: ghi nhận hiện tại và hướng tới tương lai” do Ủy ban nhân quyền Tom Lantos tổ chức ngày 8-12 cũng vậy, đánh giá tình hình nhân quyền năm 2016 trên thế giới, đề cập đến Việt Nam, nghị sĩ A. Lowenthal đưa ra một số nhận xét không thể chấp nhận, như ông coi việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo là “gia tăng đàn áp tôn giáo”, “siết chặt quyền tự do tôn giáo của hàng triệu người dân”; rồi lặp lại luận điệu “nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm”… Và một số trang mạng xấu, thù địch với Việt Nam đã nhanh chóng đăng tải ý kiến của ông, coi đó như là bằng chứng về sự ủng hộ của một hạ nghị sĩ Mỹ!
Qua thái độ và hoạt động của ông A. Lowenthal liên quan vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, có thể thấy chưa bao giờ hạ nghị sĩ này tỏ ra có thái độ thiện chí. Năm 2014, 10 ngày sau khi Nguyễn Văn Hải (Điếu cày) tới Mỹ, ông A. Lowenthal đã có một cuộc đón tiếp thân mật với người này để “bày tỏ lòng thán phục đối với sự can đảm và tinh thần đấu tranh kiên trì của blogger Điếu cày”, “hứa sẽ tiếp tục yểm trợ cho blogger Điếu cày trên con đường tranh đấu của anh và tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ” (!). Năm 2015 đến Việt Nam, ông không thăm các bệnh viện, trường học, trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật, công trình xóa đói, giảm nghèo, chùa và nhà thờ mới xây dựng,… để đánh giá tình hình nhân quyền, mà lại đến Nghĩa trang nhân dân Bình An (nơi trước ngày 30-4-1975 có tên là “Nghĩa trang quân đội Biên Hòa”), thăm Thích Quảng Độ (người đã từng nhận án tù với tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”), thăm Nguyễn Tiến Trung (người đã từng nhận án tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”). Năm 2016, nhân ngày 30-4, để “vinh danh sự hy sinh của các tử sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa, quân nhân Mỹ và đồng minh”, ông A. Lowenthal cho treo “cờ vàng” bên ngoài văn phòng của ông ở Quốc hội Mỹ và văn phòng địa phương ở Long Beach (Long Bít-chờ) bang California (Ca-li-pho-ni-a), đồng thời ông cùng một số nghị sĩ khác đã trình lên Quốc hội cái gọi là “nghị quyết tháng tư đen”(!); tháng 10 vừa qua, ông và nghị sĩ E. Royce (E.Roi-xe) lại mới viết thư gửi tới Quốc hội Mỹ để… “kêu gọi đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC” (!)…
Nhưng có lẽ việc làm khôi hài nhất của hạ nghị sĩ A. Lowenthal là sự kiện tháng 12-2015, ông và bốn nghị sĩ Mỹ viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao J. Kerry (J. Ke-ry) kêu gọi “xem xét về việc có thể dùng các luật lệ hiện hành để tái định cư các cựu quân nhân - thương phế binh Việt Nam cộng hòa còn sót lại tại Việt Nam”. Trả lời phỏng vấn của RFA ngày 30-12-2015, A. Lowenthal nói ông có danh sách 500 người: “đã phải chịu đựng khổ cực đến tận bây giờ. Rất nhiều người trong số họ đã phải sống trong nghèo khổ, bị bệnh tật, không được chấp nhận trong xã hội, họ bị tàn tật bởi chiến tranh. Không có ai tranh đấu cho họ” (!). Trớ trêu là ngày 20-1-2016, trong thư trả lời gửi ông A. Lowenthal, bà J. Frifield (J. Phơ-ri-phiu) - Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách lập pháp, lại viết rằng: “Tháng 6-2015, chúng tôi đã liên lạc với một nhóm trên 500 sĩ quan thương phế binh Việt Nam cộng hòa và gia đình họ, qua xác nhận của Hội HO cứu trợ thương phế binh và quả phụ Việt Nam cộng hòa ở Mỹ, chúng tôi cũng đã liên lạc với Văn phòng US Mission Vietnam. Cả Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đều xác nhận họ không hề biết có trường hợp cụ thể nào đang xảy ra mà thương phế binh Việt Nam cộng hòa bị ngược đãi”! Như vậy, nội dung bà J. Frifield viết trong thư cho thấy điều A. Lowenthal rêu rao hoàn toàn không có trong thực tế, nhưng ông A. Lowenthal vẫn cố vớt vát: “Mặc dù có thể sự phân biệt đối xử này đã giảm dần hiện nay, nhưng nó vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tinh thần của thương phế binh Việt Nam cộng hòa”!
Phát ngôn và hành động của A. Lowenthal khiến không thể không đặt câu hỏi: Tại sao ông lại hăng hái “đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam” như vậy? Để trả lời, chỉ đọc bài “Những dân cử Mỹ, bạn thiết của cộng đồng Việt Nam” của Chu Tất Tiến (người Mỹ gốc Việt nổi tiếng về chống cộng) là sẽ rõ. Hô hào kêu gọi cử tri là người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho “dân cử Mỹ”, Chu Tất Tiến viết: “Theo internet, quận Cam có khoảng 184.000 người Việt, theo sau là Los Angeles có khoảng 88.000 người Việt, San Diego có 45.000, ước tính toàn bộ California có hơn 317.000 người Việt, trong đó chỉ có 70% đủ tư cách đi bầu, và thường lệ, số người chịu đi bầu chỉ có khoảng ¾ thôi. Thí dụ cộng đồng Việt có 317.000 người x ¾ = 237.000 người có thể đi bầu nhưng lại chỉ có khoảng ¾ người chịu đến phòng phiếu hoặc gửi phiếu khiếm diện, nghĩa là có hơn 177.000 người đi bỏ phiếu trên toàn tiểu bang California. Cho nên số phiếu của người Việt là số phiếu quyết định rất lớn trong các cuộc bầu cử. Người nào nhận được phiếu của dân Việt chắc chắn sẽ thắng cử, vì đôi khi số phiếu chênh lệch giữa người đắc cử và người thua chỉ có vài trăm phiếu mà thôi”. Ứng cử tại khu vực 47 bang California, việc trúng cử hay thất bại của A. Lowenthal phụ thuộc khá lớn vào lá phiếu của cử tri gốc Việt, nên ông phải ve vãn, chiều theo ý muốn của họ là tất yếu. Như trong “thông điệp gửi cử tri Mỹ gốc Việt” tháng 11-2016, ông cam kết: “Là thành viên Ủy ban đối ngoại và Ủy ban nhân quyền Tom Lantos, tôi sẽ tiếp tục đòi chính quyền Việt Nam bảo vệ và bảo đảm các quyền con người cho tất cả các công dân của mình”! Tương tự, trên nguoi-viet.com, trong lời kêu gọi “xin bỏ phiếu và tái tín nhiệm” cho A. Lowenthal, trang mạng này tuyên dương, cổ vũ ông: “đã không ngừng sát cánh với cộng đồng, yểm trợ các nhà dân chủ Việt Nam tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và chủ quyền Việt Nam; kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì các vi phạm tự do tôn giáo”!
Cách đây hơn 10 năm, trong bài báo có nhan đề “Về sự liên hệ giữa bà Sanchez và đảng Việt tân”, tác giả Hồ Văn Xuân Nhi từng thẳng thắn chỉ rõ: “chúng ta thấy người phụ nữ mặc áo Việt cầm cờ vàng ba sọc đỏ mà không phải là người Việt Nam, không thể nào yêu quê hương Việt hay hiểu người Việt như chính người Việt Nam chúng ta. Bà ta không biết gì về Việt Nam. Bà ta chỉ chống cộng vì được một đảng phái chống cộng giật dây sau lưng, tham mưu chính trị chuyện chống cộng để mị phiếu cộng đồng Việt Nam mà thôi”! Ý kiến của Hồ Văn Xuân Nhi là chính xác với một số dân biểu Mỹ thường sử dụng chiêu bài “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” nhằm lôi kéo cử tri, hoặc tạo dựng tiếng tăm. Như Cao Quang Ánh (Joseph Cao) chẳng hạn. Trong hai năm là hạ nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ (2009 - 2011), Cao Quang Ánh là một trong một số ít chính khách Mỹ rất lớn tiếng kêu gọi “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”, và đòi “đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước đáng nghi ngại về vi phạm tự do tín ngưỡng”, rồi trình trước Hạ nghị viện Mỹ Dự luật H.R 342 lấy ngày 2-5 hằng năm làm “Ngày của người tị nạn Việt Nam”; ngay cả khi sắp mãn nhiệm (tháng 11-2011) Cao Quang Ánh vẫn cố trình hai dự luật gọi là “thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam 2010” và “chế tài Việt Nam vì thành tích nhân quyền”! Thế nhưng từ khi thất cử, ngoài sự kiện tham gia biểu tình chống Việt Nam trước Nhà trắng mà BBC đã chớp vội để đưa tin, thì những lời hô hào của Cao Quang Ánh xem ra cũng nhỏ dần!
Ngày 24-5-2016, nhân chuyến thăm Việt Nam, phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, Tổng thống B. Obama (B. Ô-ba-ma) nói: “Không phải chỉ riêng Việt Nam, mà không quốc gia nào là hoàn hảo. Đã hai thế kỷ rồi, nhưng nước Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt được các lý tưởng chúng tôi đề ra từ khi lập quốc. Chúng tôi vẫn đang phải sửa chữa thiếu sót của mình - như tiền chi phối chính trị quá nhiều, bất bình đẳng trong các tầng lớp xã hội ngày một tăng. Định kiến về chủng tộc còn tồn tại trong hệ thống tư pháp hình sự. Dù làm cùng một loại công việc, nhưng phụ nữ vẫn chưa được hưởng mức lương ngang bằng với nam giới”. Điều này cho thấy, nếu quan tâm tới đất nước, một số nghị sĩ Mỹ nên nỗ lực cùng cử tri Mỹ “sửa chữa thiếu sót”, không nên chiều theo thái độ hẹp hòi của một nhóm cử tri rồi vô cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vì như Tổng thống B. Obama khẳng định: “Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt hoặc quyết định vận mệnh của các bạn”. Với sự lương thiện tối thiểu, các nghị sĩ như A. Lowenthal, L. Sanchez… nên tự đặt câu hỏi và tự trả lời: Nếu dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam thật sự như các vị vẫn lớn tiếng phê phán, thì đâu là cơ sở để trong phát biểu nói trên, Tổng thống B. Obama lại có thể nhận xét: “Chúng ta thấy được sự phát triển của Việt Nam qua những tòa nhà chọc trời ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, các khu mua sắm, những trung tâm thương mại… Việt Nam đã giảm đáng kể số lượng hộ nghèo, tăng thu nhập trong các hộ gia đình, đưa hàng triệu người dân đến với tầng lớp trung lưu. Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tất cả đều giảm. Số lượng người dân được tiếp cận nước sạch và sử dụng điện, số lượng các cậu bé, và cả các cô bé, được đến trường, tỷ lệ biết chữ, tất cả đều tăng. Đây là các thành tựu đáng kinh ngạc mà các bạn đã đạt được trong khoảng thời gian ngắn”.
|
QUANG HÀ (Báo Nhân dân điện tử) |
No comments:
Post a Comment