2016/11/06

SỰ THẬT VỀ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Anh hùng xa lộ


Từ trước đến nay, tự do báo chí luôn là một trong các quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển. Nhưng tự do báo chí như thế nào lại là vấn đề cần phải đề cập một cách cụ thể, căn cứ vào sự phát triển của từng quốc gia, dân tộc, nền văn hóa và hệ thống luật pháp của chính quốc gia ấy. Đối với Việt Nam thì quyền tự do báo chí của công dân được cụ thể hóa dưới các khía cạnh chính sau đây:

Thứ nhất, quyền tự do báo chí của công dân đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và tại nhiều văn bản pháp luật khác. Trong đó, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để công dân Việt Nam có quyền được bày tỏ tự do ngôn luận trên báo chí theo các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa Điều 14 Hiến pháp 2013 thì trong Luật Báo chí ngày 5/4/2016 đã tiếp tục khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; nêu rõ các đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; cải chính và xử lý vi phạm; pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ. Điều đó đã cho thấy báo chí luôn được coi là một trong những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của đại đa số quần chúng nhân dân. 

Thứ hai, báo chí ở Việt Nam có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam và mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng tự do báo chí ở Việt Nam có một vai trò tích cực trong việc tham gia phản biện những vấn đề quan trọng, nóng bỏng của đời sống xã hội.

Báo chí Việt Nam tham gia phản biện vấn đề quan trọng của đời sống xã hội

Thứ ba, Quyền tự do báo chí phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Điều 2, Luật Báo chí năm 1989 đã nêu rõ: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Và gần đây nhất là Điều 13 - Luật báo chí ngày 5/4/2016 đã khẳng định: “Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: 1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để phát huy quyền cơ bản của công dân nói chung cũng như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng. Tuy nhiên, tự do báo chí ở đây phải dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013 và pháp luật Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải kiên quyết đấu tranh với các đối tượng, phần tử xấu có ý đồ lợi dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 

No comments:

Post a Comment