2016/11/21

MẤY Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỚI TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH

Ngày 14/11, trả lời phỏng vấn đài BBC xung quanh việc 21 giáo viên trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh bị “điều động” đi tiếp khách, bà Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thị Phương Anh có mấy ý kiến như sau:
“Cấp trên có quyền điều động họ làm bất kỳ việc gì. Nếu họ không đồng ý thì không dễ gì được làm tiếp công việc của họ”.
 “Quan chức trong xã hội Việt Nam xem cấp dưới là con dân, bảo làm gì thì phải làm nấy”.
“Qua vụ việc này, tôi trách cả hệ thống hành xử thiếu chuyên nghiệp mà không dựa trên pháp luật”.
Xin sơ qua một chút về Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, đạt học vị Tiến sĩ Giáo dục (Chuyên ngành Khảo thí Ngôn ngữ) tại Đại học La Trobe (năm 1998, Úc), bà Phương Anh là một trong những người đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực Khảo thí Ngoại ngữ và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực Khảo thí, cao nhất là Giám đốc Trung Tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo.


Bà là một Tiến sĩ Giáo dục, tôi cũng đã theo dõi những bài báo viết về trình độ và khả năng của bà, nhưng đó là về chuyên môn, tôi không bàn, tôi muốn nói đến vấn đề quan điểm và có mấy ý muốn trao đổi với bà như sau:
Thứ nhất, bà cho rằng ở Việt Nam cấp trên có quyền điều động cấp dưới làm bất kỳ việc gì, nếu không đồng ý sẽ bị gây khó khăn trong công việc. Xin thưa, nhân viên các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng như mọi tổ chức khác, đều có sự phân cấp lãnh đạo và cấp dưới nhưng hoàn toàn là việc ai người đó làm, mỗi người phụ trách một phần công việc, lãnh đạo một đơn vị chịu trách nhiệm chung; tất cả hưởng lương dựa trên cống hiến công việc, được trích từ ngân sách Nhà nước. Do đó, khi đã là công chức, viên chức nhà nước thì hoàn toàn không có chuyện cấp trên có quyền điều động cấp dưới làm BẤT CỨ VIỆC GÌ, bởi vì lương anh anh hưởng, lương tôi tôi nhận mà, không có bất cứ quy định nào bắt cấp dưới phải làm bất kỳ việc gì cấp trên điều động cả. Đó là vấn đề đơn giản và rất dễ thấy đúng ko Tiến sĩ?
Thứ hai, bà Tiến sĩ cho rằng “quan chức trong xã hội Việt Nam xem cấp dưới là con dân, bảo gì thì phải làm nấy”. Điều này nghe quá sai đối với cơ quan nhà nước, nó chỉ đúng trong Công giáo thôi thưa bà, Cha xem các giáo dân là con chiên, bảo gì phải làm nấy, rất ngoan đạo. Đừng hỏi nhiều, vì giáo lý giáo luật nó quy định thế, ko nghe là không được. Còn trong cơ quan công lập, cấp trên chỉ được phép phân công công việc cho cấp dưới trong phạm vi công việc chung của đơn vị, không được sai cấp dưới làm việc tư, hay việc gì khác ngoài chuyên môn, nhiệm vụ. Bà cũng đã từng là người lãnh đạo, bà có công nhận điều ấy không? Nếu bà cũng đã bảo gì cấp dưới phải làm nấy, thì có thể bà đã vi phạm quy định của pháp luật đấy.
Thứ ba, bà trách cả hệ thống hành xử thiếu chuyên nghiệp mà không dựa trên pháp luật. Về vấn đề này, đồng ý là hành động của người ký văn bản điều động giáo viên đi tiếp khách là không thể chấp nhận được, người giáo viên cần phải giữ gìn hình ảnh trước xã hội, chuyên môn của họ là giảng dạy chứ không phải tiếp khách, do vậy, cấp trên điều họ làm việc trái với chuyên môn là hoàn toàn không phù hợp và phải được xử lý để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lỗi của ai thì nói là của người đó, chứ không thể việc gì cũng đổ cho cả hệ thống được, đó là kiểu vơ đũa cả nắm. Và với trình độ cũng như cương vị như bà, hẳn là cũng biết để nhận định một vấn đề gì là của chung cả hệ thống thì cần phải căn cứ vào bao nhiêu trường hợp cá thể chứ không thể thích nói sao thì nói được.
Tôi chỉ có mấy ý kiến trao đổi vậy thôi, trân trọng!
                                                                       An Khang

No comments:

Post a Comment