Nhân Mã
Hôm qua, [Nhân Mã] tôi có tình cờ đọc được bài "Hà Nội tăng trấn áp, để rảnh tay bán nước cho Tàu"
(http://danlambaovn.blogspot.com/2016/10/ha-noi-tang-tran-ap-e-ranh-tay-ban-nuoc.html) đăng ngày 28/10/2016 trên blog danlambao. Bài viết đề cập đến một loạt vấn đề về kinh tế Việt Nam, từ tỷ giá, nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách đến phát hành trái phiếu chính phủ, huy động vàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước,… mà nội dung nào cũng thấy có liên quan đến Trung Quốc. Cứ tưởng tác giả "Trần Nguyên Thao" am hiểu sâu sắc lắm về nền kinh tế Việt Nam nên mới dám đả động đến nhiều vấn đề như vậy. Nhưng sự thực thì tác giả chắc chưa một ngày học qua khóa học hay trường lớp nào về kinh tế mà chỉ biết "râu ông nọ cắm cằm bà kia" để bôi đen sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trong bài viết này, [Nhân Mã] tôi sẽ chỉ ra "cái dốt, cái ngu" của tác giả, suy cho cùng chỉ biết "bô bô" chửi rủa mà không chịu mở mắt ra học hỏi.
Thứ nhất, không hiểu tác giả tìm đâu ra thông tin "Hà Nội thất bại trong dự định phát hành trái phiếu công 10 tỷ Mỹ Kim ra thị trường quốc tế. Mọi thăm dò, thương thảo đều cho thấy, nếu có phát hành cũng không có người mua". Thưa với tác giả rằng, Việt Nam chưa bao giờ có ý định phát hành tận "10 tỷ Mỹ Kim ra thị trường quốc tế". Trong lịch sử, Việt Nam đã có 3 lần phát hành trái phiếu thành công ra thị trường quốc tế vào tháng 10/2005 (750 triệu USD), tháng 01/2010 (01 tỷ USD), tháng 11/2014 (01 tỷ USD) và cả 3 lần đều được các nhà đầu tư nước ngoài chào mua gấp nhiều lần số lượng phát hành. Tháng 11/2015, trong Nghị quyết số 99 về dự toán ngân sách năm 2016, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với tổng mức tối đa là 3 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, trái phiếu Chính phủ của Việt Nam luôn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng huy động vốn trong nước và biến động của thị trường tài chính quốc tế, đến nay, kế hoạch phát hành chưa được thực hiện. Như vậy, thông tin mà tác giả nêu ra hoàn toàn không có cơ sở.
Thứ hai, việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm giảm sở hữu của Nhà nước tại những lĩnh vực không cần thiết, thúc đẩy sự phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, theo đúng định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đều được thực hiện công khai, minh bạch, thông qua thị trường chứng khoán. Tại đó, bất kì nhà đầu tư nào có vốn và mong muốn đầu tư vào doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu giá, không có chuyện nhà đầu tư Trung Quốc hay bất kì quốc gia nào được ưu tiên mua lại doanh nghiệp cổ phần hóa như tác giả nêu ra trong bài viết. Thực tế là trong các doanh nghiệp lớn đã được cổ phần hóa Vinamilk, BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Sabeco, Habeco, Vietnam Airline… tỷ lệ vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc gần như không có.
Thứ ba, tác giả đưa ra thông tin rằng "Hoa Sen chỉ là “cái bóng” của Bắc Kinh trong nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Bắc kinh điều khiển". Trong danh sách cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen không có nhà đầu tư từ Trung Quốc, mà chủ yếu là các quỹ đầu tư từ Cayman Island, Đức, Anh, Singapore,… còn chủ yếu là cổ phần của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT và các công ty có liên quan đến gia đình ông. Việc Tập đoàn Hoa Sen đầu tư vào dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận đã được Hội đồng cổ đông chấp thuận, không có dính dáng gì đến Trung Quốc khi ra quyết định này. Còn việc lựa chọn nhà thầu xây dựng nhà máy, đơn vị tư vấn, giám sát thi công là do Hoa Sen dựa trên năng lực của các tập đoàn quốc tế tham gia dự thầu và thực tế thì dự án này mới trong giai đoạn nghiên cứu triển khai, chưa có cơ sở nào về việc nhà thầu Trung Quốc hay công nghệ Trung Quốc sẽ được lựa chọn. Vì vậy thông tin "Hoa Sen là cái bóng của Bắc Kinh" hoàn toàn là vô căn cứ, bịa đặt, hướng lái dư luận, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ tư, về dự thảo "dùng ngân sách để xử lý nợ xấu" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần được hiểu cho đúng. Đây là cách dùng tiền Chính phủ để mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng với giá trị thị trường, sau đó có thể tiếp tục bán cho các nhà đầu tư và lấy tiền trả lại cho Chính phủ. Không có chuyện Chính phủ trả thay cho các con nợ. Việc này sẽ giúp các Ngân hàng xử lý được nợ xấu một cách hiệu quả, qua đó làm giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay, tăng cường đẩy vốn ra kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hoạt động của VAMC cũng vậy, ứng vốn mua nợ xấu rồi bán thu hồi vốn, sau khi bán thậm chí còn có lãi. Trách nhiệm của VAMC là phải bảo toàn vốn và sinh lời cho Nhà nước, như vậy làm sao làm mất tiền của dân được?. Tác giả đã cố tình hiểu sai lệch vấn đề, vu khống cho Nhà nước dùng tiền của dân để trả nợ thay cho các ngân hàng.
Thứ năm, về biến động tỷ giá đến cuối năm, không có căn cứ nào để khẳng định tiền đồng sẽ mất giá lên 22.700 VND đổi 1 USD như tác giả đã nêu. Với cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ đầu năm 2016, tỷ giá tiền VND đã ổn định trong suốt 10 tháng qua, bất chấp những tác động bất lợi của kinh tế thế giới đến từ việc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu hay việc đồng Nhân dân tệ chính thức vào giỏ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế,… Hiện nay, tỷ giá trung tâm đang giao động quanh mức 22.300 VND đổi 1 USD, đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu, thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm 2016 đã đạt 3,52 tỷ USD.
Như vậy, tác giả bài viết chỉ biết bịa đặt, phân tích vô căn cứ về tình hình kinh tế Việt Nam. Chắc hẳn cũng do hạn chế về kiến thức và với tư duy tầm thấp nên đã viết một cách ngu ngơ như vậy.
No comments:
Post a Comment