2016/11/17

Bàn về Tuyên bố của khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo

Hoa đất

Trò hề của các đối tượng cực đoan trong PGHH

Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung quan trọng trong kỳ họp quốc hội năm 2016. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức tôn giáo, nhiều khả năng Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được thông qua trong kỳ họp quốc hội lần này.

Khi đưa ra một dự thảo để lấy ý kiến, chắc chắn ban soạn thảo không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, bản Tuyên bố của khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo được tán phát trên trang Bauxite lại cho thấy sự phản biện thiếu công tâm. Thay vào đấy là sự hằn học của những suy luận cảm tính thiếu thực tế. Người đọc dễ dàng nhận ra một số điểm thiếu khoa học trong bản góp ý cụ thể như sau:

Thứ nhất, tuyên bố này cho rằng Dự thảo 01.9.2016 hiện nay không đáp ứng các nhu cầu về tự do tôn giáo của PGHH. Xin thưa rằng, văn bản góp ý chính thức của PGHH đã đồng ý phần lớn các nội dung trong dự thảo, đấy là tiếng nói đại diện cho hàng triệu tín đồ tôn giáo này. Tuyên bố trên chỉ là một nhóm người thiểu số, không đại diện cho hàng triệu tín đồ PGHH ở Việt Nam. Dễ dàng nhận ra đối tượng cầm đầu là Nguyễn Văn Lía, hay còn gọi là Ba Lía, sinh năm 1940 tại xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (An Giang). Từ nhiều năm nay Nguyễn Văn Lía và một số nhân vật khác đã nhiều lần có tán phát các bản tài liệu có nội dung vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng; nhiều lần đến Thành phố Hồ Chí Minh gặp các hội, các phái đoàn tôn giáo nước ngoài; nhiều lần trả lời phỏng vấn các Đài nước ngoài, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu sai sự thật vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, đòi lại các tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình.

Do đó, Nguyễn Văn Lía có cái nhìn sai lệch và thiếu thiện chí về dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, bản kiến nghị này đòi hỏi tín đồ phật giáo hòa hảo phải được hưởng quyền tự do tôn giáo tuyệt đối. 

“được quyền tự do thành lập giáo hội hay tổ chức tôn giáo riêng. Việc hình thành tổ chức tôn giáo không cần phải đăng ký nếu tổ chức tôn giáo không cần có tư cách pháp nhân để hoạt động”


“Việc suy cử, bổ nhiệm, bầu cử chức sắc tôn giáo là công việc hoàn toàn nội bộ của tôn giáo và không cần được sự cho phép của nhà nước. Khi có nhu cầu giao dịch với các cơ quan công quyền, PGHH sẽ thông báo người đại diện. Quyền tự do in ấn, phát hành Thi văn Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, kinh sách và các tác phẩm tôn giáo, …”

Bản chất là các đối tượng muốn biến quyền tự do tôn giáo trở thành tuyệt đối, tách nhóm PGHH ra khỏi sự quản lý của chính quyền. Từ nhiều năm nay, nhóm cực đoan trong PGHH vẫn mưu đồ tách khỏi giáo hội, công khai các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của PGHH thuần túy.

Suy cho cùng rằng quyền tự do tôn giáo như các đối tượng trình bày là bộ phận trong quyền cá nhân. Một thực tế không thể phủ nhận rằng cá nhân không bao giờ và không thể tồn tại tách rời với cộng đồng. Trong mối quan hệ với cộng đồng, mỗi cá nhân có các quyền tự do, nhưng nhất thiết không phải là những quyền tự do tuyệt đối. Nếu mọi cá nhân có các quyền tự do tuyệt đối, cộng đồng sẽ không tồn tại. Bên cạnh các quyền cá nhân, có quyền tập thể của cả cộng đồng. Quyền này nhằm mục đích bảo đảm những lợi ích chung của tất cả các cá nhân thành viên. Quyền cộng đồng hoàn toàn không phải là sản phẩm của sự tự biện mà là kết tinh của nền văn minh nhân loại và đã được thừa nhận đồng thời với các quyền cá nhân trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Chỉ đơn cử, sau khi ghi nhận các quyền cá nhân, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền tại Điều 29 đồng thời quy định rằng, các quyền cá nhân sẽ bị hạn chế nếu điều đó là cần thiết để đảm bảo lợi ích chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung xã hội. Như vậy có nghĩa là quyền của cộng đồng phải được đặt cao hơn các quyền của cá nhân. Cực đoan hóa các quyền cá nhân tất yếu dẫn tới vi phạm các quyền của cộng đồng, làm tổn hại lợi ích chung của toàn xã hội.


Đấy là lý do giải thích vì sao không thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuyệt đối như lời của các đối tượng rêu rao. Tự do tôn giáo phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước.

Các hoạt động bổ nhiệm chức sắc, thành lập giáo hội, xây dựng cơ sở thờ tự, xuất bản kinh sách... ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều phải chịu sự quản lý của chính quyền. 

Vì vậy, thực chất bản Tuyên bố của khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo chỉ là chiêu trò chống phá của Nguyễn Văn Lía và một vài đối tượng mà thôi.

No comments:

Post a Comment