Gió Lạ
Cuộc bầu cử Mỹ đã chính thức khép lại. Đảng Cộng hòa chính thức trở thành đảng cầm quyền tại cường quốc số 1 thế giới sau 2 nhiệm kỳ đứng dưới sự dẫn dắt của Đảng Dân chủ. Nhưng cuộc soán ngôi này có điều gì đó “sai sai”, nói đúng hơn là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45 của xứ cờ hoa có rất nhiều điều phải bàn. Báo chí đã phân tích đến gãy cả bút, mổ xẻ tường tận những nguyên nhân thất bại của đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử năm nay. Đó là sự lật kèo chưa từng thấy của những cuộc “khảo sát” của các tờ báo lớn đối với kết quả chính thức của cuộc bầu cử. Đó là sự lên ngôi của một công cụ huy động chính trị hoàn toàn mới là mạng xã hội và các chiến lược marketing vốn được dùng trong kinh tế. Hay đó là các bê bối của chính những ứng cử viên tổng thống đã tác động không nhỏ tới lòng tin của người dân Mỹ tới lá phiếu của mình. Nhưng báo chí phương Tây chưa hề nhắc đến một nguyên nhân, hoặc là chưa tìm ra, hoặc là cố tình né tránh, đó chính là sự thất bại trong các chính sách của chính người tiền nhiệm, tổng thống Barack Obama.
Rõ ràng những con số không biết nói dối. Cho dù được cho là thất thế ngay từ khi bước chân vào con đường chính trị, vậy mà Donald Trump đã khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục khi giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ từ đảng Dân chủ Hillary Clinton, vốn là không phải là một “tay mơ” trên võ đài chính trị. Ở các bang tranh chấp trong cuộc bầu cử, phần lớn số phiếu của các đại cử tri đều thuộc về Donald Trump. Thậm chí ở một số bang là lãnh địa của đảng Dân chủ, các phiếu đại cử tri cũng phần nhiều thuộc về đảng Dân chủ. Điều này phản ánh một thực tế, niềm tin của người dân Mỹ vào sự lãnh đạo của đảng Dân chủ, nhất là sau hai nhiệm kỳ dưới thời của tổng thống Obama, đã không còn cao nữa.
Bà Clinton cùng Đảng Dân chủ đã bị “hạ đo ván” trong cuộc bầu cử năm nay |
Nguyên nhân ở sự thất bại có lẽ nằm ngay ở chính sách của Obama. Người dân Mỹ đã đặt niềm tin rất nhiều vào tổng thống da màu này. Với bảng thành tích đồ sộ của mình mà trong đó là giải Nobel hòa bình. Chắc chắn khi bầu cho ông Obama vào năm 2008, người dân Mỹ đều có một mong ước về một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc, bên cạnh sự phục hồi trở lại của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Nhân dân Mỹ đã chán cảnh đem quân đi tham chiến ở những nơi xa xôi, “nướng” con cháu của mình vào những chiến trường rực lửa, vào những cuộc chiến vô nghĩa của tổng thống tiền nhiệm George Bush. Và vì thế họ đã bầu Obama lên làm tổng thống. Nhưng không, khác với những gì mà người ta đã mong đợi, với những lời hứa và giải Nobel hòa bình cao quý của mình, ông Obama đã không làm điều mà người ta muốn.
Không ai phủ nhận rằng Đảng Dân chủ là một đảng ôn hòa và bớt hiếu chiến hơn so với đối thủ của mình. Nhưng sự thật là sự “hòa bình” mà họ cũng như ngài tổng thống da màu của mình đem lại vẫn chỉ là hư ảo. Trong nước, nền kinh tế đã và đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn kết thúc, thậm chí vẫn còn âm ỉ bùng phát trở lại. Mỹ vẫn là cường quốc số một về kinh tế tài chính, nhưng đang có nguy cơ bị đe dọa trước sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới mà đặc biệt là Trung Quốc. Khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng sâu sắc, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Đặc biệt, vấn đề dân chủ nhân quyền lại bất ngờ trở thành vật cản với xã hội Mỹ. Một vấn đề mà xưa nay người Mỹ luôn tự hào rằng họ là một đất nước tự do, độc tôn ở vị trí số 1 về đảm bảo “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, thậm chí cho mình cái quyền đi bảo hộ, tìm kiếm tự do dân chủ nhân quyền cho cả nước khác, thế mà nay họ lại đang đi ngược với những lời nói của mình. Dưới thời của tổng thống Obama, là một tổng thống da màu, nhưng ông không những không ngăn chặn được nạn phân biệt chủng tộc đang hoành hành trên toàn nước Mỹ, mà thậm chí còn làm nó trở nên nghiêm trọng hơn. Hàng loạt những vụ thảm án với động cơ là phân biệt chủng tộc, hàng loạt những vụ cảnh sát lạm dụng quyền hạn của mình để giết những người da màu,... đã trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân Mỹ và toàn thế giới, nhất là trong những năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama.
Dưới thời lãnh đạo của Đảng Dân chủ mà trực tiếp là tổng thống Obama, xã hội Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề còn chưa giải quyết được từ thời tổng thống tiền nhiệm và những vấn đề mới nảy sinh. Điều đó cho thấy, khả năng dẫn dắt nước Mỹ của đảng Dân chủ được người dân đặt một dấu hỏi lớn. Một đất nước không đảm bảo được lợi ích cơ bản của nhân dân mình thì người lãnh đạo sớm muộn sẽ phải rời đi. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa phải là tất cả những nguyên nhân cho sự thất bại của Đảng Dân chủ.
ĐẢNG DÂN CHỦ THẤT BẠI – LỖI DO AI?
Trong chính sách đối ngoại của mình, nước Mỹ lại một lần nữa thất vọng với tổng thống Obama. Ngay từ những ngày đầu tranh cử tổng thống Mỹ, tổng thống Obama đã liên tục hứa hẹn nếu đắc cử tổng thống sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Lời hứa này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang sa lầy vào những cuộc chiến phi nghĩa và không hồi kết ở Trung Đông. Hàng ngàn lính Mỹ đã thiệt mạng, đem lại sự đau đớn cho biết bao gia đình. Tuy phong trào phản đối chiến tranh Trung Đông ở Mỹ không rầm rộ và quyết liệt như ở Việt Nam những năm 1965-1975, nhưng cũng đã tạo ra những bất ổn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ giữa những người thân của các binh sĩ với chính quyền sở tại. Do đó, lời hứa của ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama lúc đó là một điểm nhấn quan trọng quyết định lá phiếu của cử tri Mỹ bầu cho ông năm 2008. Sau 8 năm, đến khi từ chức, về cơ bản ngài tổng thống đã thực hiện được lời hứa của mình, rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, tránh khỏi vũng lầy Afghanistan không có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố trên thế giới bị diệt vong. Bởi chính nước Mỹ đã tạo ra những đứa con quái dị mang tên khủng bố. Những tưởng với sau chiến tích tiêu diệt trùm khủng bố nguy hiểm Osama bin Laden, giáng một đòn hiểm vào tổ chức khủng bố Al Queda, nước Mỹ đã xử lý xong phế phẩm do chính mình tạo ra. Nhưng không , họ lại tạo ra một con quái vật khác, nguy hiểm hơn, tàn ác hơn, đó là tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
IS chính là phế phẩm của “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” Mỹ đã tiến hành trên rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bằng cách tạo ra một đội quân chống chính phủ với mong muốn lật đổ chính phủ cũ và thiết lập nên một hệ thống chính quyền thân Mỹ, các chiến lược gia xứ cờ hoa đã thành công trong việc đánh đổ hàng loạt những chính phủ không cùng quan điểm với mình như: Syria, Lybia,... Cơn bão “bạo loạn lật đổ” cuốn đi kéo theo hàng loạt những hệ lụy xấu, đó là sự chết chóc, là những cuộc nội chiến không hồi kết, và là chủ nghĩa khủng bố lan rộng. Có thể nói, IS là một sự thay thế hoàn hảo của Al Queda, một bản nâng cấp cao hơn, nguy hiểm hơn. Vòi bạch tuộc của IS không chỉ dừng lại ở các nước Trung Đông, cũng không gây ra những cuộc khủng bố đơn độc, mà chúng là cả một tổ chức lớn, có mạng lưới chi nhánh tại tất cả các khu vực trên thế giới. Các nước châu Âu, đồng minh của Mỹ và NATO là những người “thấm” nhất sự nguy hiểm của IS. Hàng loạt những vụ đánh bom tự sát, xả súng, thảm sát,... là câu trả lời rõ ràng cho mối nguy hiểm thường trực mang tên IS, mà trách nhiệm lớn nhất là của Mỹ.
IS dùng vũ khí của Mỹ |
Không chỉ làm chủ nghĩa khủng bố phát triển thêm, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng làm cho những nỗ lực của thế giới trong việc xoa dịu những điểm nóng trên quả địa cầu cũng trở nên khó khăn. Tưởng chừng như Mỹ đã rút ra bài học ở Afghanistan nhưng không. Họ vẫn ồ ạt đưa quân vào Syria với danh nghĩa là “chống khủng bố”. Chưa biết hiệu quả của chiến dịch chống IS ở Syria đến đâu, nhưng hàng loạt các cuộc không kích “nhầm”, đồng thời ngăn cản các nước như Nga cộng tác tham chiến, thêm vào đó là việc hàng loạt các vũ khí của IS đều được nhận định là xuất sứ ở... Mỹ, đã làm cho tình hình ở Syria vốn đã nóng nay càng trở nên căng thẳng và đi vào bế tắc. Chưa hết, Mỹ còn thực hiện cả diễn biến hòa bình ở Ukraine, gây nên cuộc nội chiến kéo dài ở đất nước Đông Âu này. Ngay tại Việt Nam, trong thời gian từ năm 2008 đến nay, chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ được tiến hành ráo riết với nhiều thủ đoạn và âm mưu tinh vi hơn trước. Hàng loạt các đối tượng âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân đã bị phát hiện và xử lý, và ngay lập tức đều có sự can thiệp bảo hộ chính trị của Mỹ với lý do Việt Nam vi phạm tự do dân chủ nhân quyền.
Chính sách đối ngoại sai lầm đã làm giảm uy tín của Mỹ trên chính trường quốc tế, cũng làm những danh hiệu như giải “Nobel Hòa Bình” của tổng thống Obama trở nên vô nghĩa với chính những người đã bầu cho ông. Đây chính là lý do mà người ta không còn tin vào Đảng Dân chủ, nhất là bà Clinton, một người đã chịu quá nhiều ảnh hưởng của chính sách ngoại giao của ông Obama kể từ thời bà này còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là việc các bang vốn là “lãnh địa” của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử đã không bầu cho đảng này nữa, cộng thêm việc thất bại ở các bang tranh chấp khiến cho Đảng Dân chủ thất bại hoàn toàn, cả ở cuộc bầu cử tổng thống lẫn bầu hạ viện và thượng viện. Thất bại của Đảng Dân chủ có một phần lỗi của ông Obama vì chính ông đã đánh mất niềm tin của những người dân Mỹ, vốn đã chán ghét chiến tranh và chỉ mong có một cuộc sống bình đẳng và hòa bình như chính hiến pháp Mỹ đã tuyên bố hàng trăm năm qua.
Một nhiệm kỳ tổng thống mới lại bắt đầu. Chưa biết ông Donald Trump, một nhà tài phiệt nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị, sẽ điều hành đất nước này đi đến đâu. Nhưng chắc chắn một điều, người dân Mỹ sẽ không bầu cho những người chỉ biết dùng lời nói để mị dân, mà bản chất hiếu chiến và muốn thôn tính vẫn còn hiện hữu. Mong rằng ông Donald Trump sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình, đưa nước Mỹ khẳng định lại vị trí số 1 về kinh tế của mình, chứ không phải vì những trò bẩn chính trị như những người tiền nhiệm của ông đã từng làm.
No comments:
Post a Comment