TP - Trao đổi với Tiền Phong về việc các cá nhân kêu gọi và trực tiếp hỗ trợ từ thiện, ông Đặng Thuận Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, cần phải tháo bỏ các rào cản để hoạt động trên được mở rộng, phát triển hơn nữa. Những quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế cần phải được điều chỉnh và sửa đổi.
Ông nhìn nhận thế nào khi mà gần đây có một số ý kiến băn khoăn rằng, những người làm thiện nguyện vận động ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung có thể phạm luật?
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là trong hoạt động thiện nguyện thì lòng tin của xã hội là yếu tố quyết định. Khi xảy ra các trận lũ lụt, những hoàn cảnh thương tâm do bệnh tật, tai nạn… thì xã hội sẽ xuất hiện hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ cho các gia đình, các nạn nhân vượt qua khó khăn và vơi đi những nỗi đau.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, sự hỗ trợ đó thường đến hoặc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ Thập đỏ… thì ngày nay nó lại xuất hiện bằng nhiều hình thức khác. Nguyên do là hoạt động từ thiện, hỗ trợ của các tổ chức thời gian qua đã tạo ra không ít băn khoăn trong xã hội. Nhiều người băn khoăn rằng, không biết việc đóng góp, hỗ trợ từ thiện của mình thông qua các tổ chức, đơn vị có được đưa đến đúng địa chỉ không? Đồng tiền mà mọi người, xã hội ủng hộ có được sử dụng đúng mục đích, đúng mong muốn không? Chưa kể họ còn lo rằng hàng hóa, tiền bạc khi xuống đến địa phương thì bị chặn lại. Rồi nguyên tắc công bằng đôi lúc không bảo đảm khiến lòng tin của người dân giảm sút đi phần nào.
Chính vì điều đó mà thời gian qua, nhiều người làm thiện nguyện, nhà hảo tâm thay vì thông qua các tổ chức chính trị, xã hội thì người ta lại trực tiếp đem quà về địa phương để cứu trợ. Một số trường hợp thì thông qua các nhóm thiện nguyện, các cá nhân mà họ tin không có sự vụ lợi, không sợ khổ, sẵn sàng lăn xả bản thân vào hoạt động cứu trợ. Nhiều người bằng uy tín cá nhân đã kêu gọi được đông đảo người dân tham gia hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nhân đạo. Đây là một hình ảnh tốt đẹp cần được nhân rộng hơn nữa.
Với thực tế đó, theo ông, các cơ quan quản lý cần ứng xử như thế nào cho phù hợp?
Đối với vấn đề này, tôi nghĩ các cơ quan quản lý không nên ngăn chặn, hạn chế, ngược lại cần mở rộng, nhân rộng ra hơn nữa tinh thần thiện nguyện, tinh thần nhân ái. Nếu chúng ta ngăn chặn và xử lý sẽ làm mất đi tính thiện nguyện của cộng đồng và xã hội. Đây cũng là dịp để các tổ chức chính trị, xã hội nhìn nhận lại hoạt động của mình để mà điều chỉnh, từ đó thu phục được lòng tin của người dân và xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cá nhân kêu gọi và trực tiếp trao quà dễ dẫn đến có người được ủng hộ quá nhiều, có người lại không có gì?
Việc các cá nhân, nhóm thiện nguyện ủng hộ mà dồn vào một gia đình nào đó nhiều quá, thì chính quyền địa phương nên gợi ý cho các nhà hảo tâm từ trước. Bởi khi các cá nhân, các nhóm thiện nguyện làm từ thiện, người ta đều liên hệ với địa phương để tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn cần cứu trợ. Khi đó, địa phương có thể gợi ý rằng, gia đình này, cá nhân này đã được nhiều đơn vị ủng hộ, tài trợ rồi…, các bạn có thể ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh cũng rất thương tâm mà chưa được tài trợ không?
Tôi nghĩ như thế mới là đúng và chắc chắn các nhà hảo tâm, những nhóm thiện nguyện sẽ lắng nghe và ủng hộ gợi ý mà địa phương nêu ra. Làm như thế thì nhân dân càng hoan nghênh, ủng hộ, chứ chính quyền đứng ra thu lại, rồi tự điều tiết thì dễ làm mất niềm tin. Do đó, việc quan trọng của chính quyền là không tạo ra các rào cản để hoạt động thiện nguyện, nhân văn trong xã hội ngày càng phát triển.
Với tất cả những thực tế nêu trên, theo ông có nên rà soát và sửa đổi lại các quy định của pháp luật để vừa đảm bảo minh bạch, rõ ràng, vừa thúc đẩy hoạt động từ thiện trong mỗi cá nhân?
Đúng là như thế. Những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là làm mất đi tính nhân văn, tính thiện nguyện của mỗi con người, của cả xã hội thì cần phải được điều chỉnh, sửa đổi. Chúng ta đang rất cần xã hội hóa, rất cần những tấm lòng thiện nguyện, nên những rào cản ảnh hưởng đến điều đó cần phải được tháo bỏ. Tôi nghĩ Chính phủ nên rà soát và nếu thấy các quy định của pháp luật không còn phù hợp thì sửa đổi. Chúng ta nên ủng hộ và mở rộng các hoạt động thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức, không tạo rào cản trong việc nâng cao tính nhân văn của xã hội.
Cảm ơn ông.
***
Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ
1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ Thập đỏ trong nước và ngoài nước.
3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
(Trích điều 4 chương 2, nghị định 64/2008/NĐ-CP)
***
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Quy về một đầu mối thì không ai ủng hộ
Nghị định 64 có thể hơi cứng nhắc và dần dần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Làm sao để các thủ tục bớt đi, nhưng cũng phải có sự cân bằng. Bỏ bớt rào cản để thông thoáng hơn nhưng vẫn phải đảm bảo ngăn chặn được cái xấu. Trong quá trình làm từ thiện, đặc biệt các chương trình từ thiện trên phạm vi lan tỏa rộng lớn, chúng ta nên liên hệ với các tổ chức, vì ở địa phương họ gần dân nhất. Chúng ta phải tuân thủ pháp luật, không thể vì cái tôi của mình để làm khác được.
Cá nhân tôi trong quá trình đi làm từ thiện từ trước đến nay không gặp bất cứ một rào cản nào, cũng không bao giờ bị bắt buộc phải “quy về một đầu mối”. Không bao giờ có chuyện như vậy. Nếu quy về một đầu mối thì không bao giờ họ ủng hộ mình.
Thành Nam (ghi)
No comments:
Post a Comment