2016/09/28

NHỮNG CON SÂU LÀM RẦU NGHỀ BÁO

NNT

Báo chí gánh vác vai trò quan trọng trong dẫn dắt dư luận tới những giá trị chân thực phản ánh muôn màu cuộc sống, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhanh chóng tới người dân góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cùng với nhiều nhà báo tâm huyết, có tài có tâm xứng đáng với danh dự truyền thống ngành báo thì hiện nay trong chính ngành này cũng còn không ít những con sâu- làm mất đi hình ảnh của người làm báo trong mắt người dân.



Các nhà báo hẳn đã rất đau lòng khi lướt báo Người Lao động ngày 28/8/2015 khi mà: "Bộ TT-TT đã ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của 1 nhà báo làm việc Tạp chí Công Thương và xử phạt hành chính 2 báo Tuổi trẻ Thủ đô và báo điện tử Người đưa tin". Nguyên do là khai gian khi cấp thẻ nhà báo, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng nội dung được cấp phép, đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Rồi gần đây hơn, tháng 5/2016, lại một phóng viên báo chí của VTV cố tình dựng cảnh, làm sai quy trình tác nghiệp trong vụ "cây chổi quét rau", khiến cho người trồng rau tại chính địa phương được làm phóng sự bức xúc, yêu cầu bồi thường thiệt hại do tung tin thất thiệt.

Bàn về những vết nhơ này, một chuyên gia giảng dạy báo chí đã từng chia sẻ:
"Trong phóng sự điều tra (truyền hình), khoảnh khắc quan trọng nhất là quay được cảnh “đinh” mà bài điều tra muốn nói đến. Phóng sự “CSGT ăn hối lộ” nhất thiết phải có cảnh các anh CSGT nhận tiền từ tài xế rồi cho xe đi mà không lập biên bản xử phạt. Cảnh phá rừng phải là những thước phim quay tận tay lâm tặc đang đốn từng cây gỗ quý. Điều tra về học sinh hút shisa, phải là những clip trực tiếp các em còn mặc đồng phục trường học phì phèo rồi nhả khói shisa…"

Tuy nhiên vì nhiều lý do sự thật này chưa được các phóng viên báo chí coi trọng. Có thể phóng viên đã tận mắt chứng kiến cảnh học sinh hút shisa nhưng không thể quay được, sau đó về nhờ mấy em khác “diễn” lại để đưa vào bài điều tra. Có thể nhóm điều tra vụ phá rừng từng chứng kiến có người cưa gỗ quý thật nhưng thời điểm đó không thể quay lại được nên đã “thuê” 3 người cưa một cây gỗ đã hạ sẵn để thực hiện “điều tra”? Và khi điều này xảy ra, ngay cả khi phóng sự về nạn phá rừng của VTV là đúng hết nhưng chỉ một chi tiết dàn dựng (nếu có) này thôi, công sức và tâm huyết của nhóm điều tra đều đổ sông đổ biển.

Cách đây có vài tiếng dư luận lại phải thi nhau mổ xẻ chuyện đúng - sai về việc phóng viên Tuổi Trẻ đã chấp hành pháp luật về bảo vệ hiện trường vụ án và chấp hành quy trình làm phóng sự hay chưa? Khi mà trên cầu Nhật Tân có vụ án người chết đang được cơ quan công an điều tra. Anh ta chả giúp gì được cơ quan chức năng ngoài việc bằng mọi giá phải được việc của mình.

Vậy vì sao lại có những con sâu như thế?

Có phải nhà báo được ưu ái dư luận ban tặng cho quỳên lực thứ 4 nên nhiều trường hợp tự cao thích làm gì thì làm.

Có phải vì miếng cơm manh áo ai cũng cần hàng ngày nên nhiều nhà báo cho mình cái dễ dãi cứ có bài đăng là được, không cần biết đúng sai, thật giả ra sao?

Có phải muốn có tin nhanh, nóng hổi, giật gân thì các phóng viên, nhà báo muốn tiếp cận hiện trường nào cũng được, kể cả đó là hiện trường vụ án hình sự?

Có phải nhiều phóng viên nhà báo thiếu trình độ nghiệp vụ, non yếu pháp luật, suy thoái đạo đức vẫn được tiến hành công tác báo chí như bình thường... 

Trả lời những câu hỏi này hẳn chúng ta sẽ góp phần phát hiện, loại bỏ những con sâu của ngành báo, từ đó trả lại cho ngành báo sự trong sạch, vững mạnh, trả cho dư luận những sự thật khách quan mà họ xứng đáng được khi mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp phải bỏ tiền ra để được tiếp cận những thông tin đó.

No comments:

Post a Comment