Quan điểm của Nga trong vấn đề Biển Đông và vụ kiện Philippines – Trung Quốc một lần nữa lại nổi lên như một đề tài gây tranh cãi, qua tuyên bố gây “sốc” của Tổng thống Putin tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5/9.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Toàn văn phát ngôn của ông Putin về Biển Đông được Đài Sputnik (Nga) dẫn lại như sau:
“Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã phát triển sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ rất thân thiện. Nhưng ông không bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, không bao giờ tiếp cận tôi với yêu cầu bằng cách nào đó hãy bình luận, bằng cách nào đó hãy can thiệp vào vấn đề này.
Chúng tôi tất nhiên có ý kiến của riêng mình về vấn đề này. Đó là, trước hết chúng tôi không can thiệp vào và chúng tôi tin rằng, bất kỳ sự can thiệp của một sức mạnh không phải từ khu vực chỉ gây thiệt hại cho việc giải quyết những vấn đề này. Sự can thiệp của bên thứ ba không nằm trong khu vực, theo ý kiến của tôi, là có hại và phản tác dụng.
Chúng ta hãy đoàn kết và hỗ trợ lập trường của Trung Quốc về vấn đề này - không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài.
Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý. Nó có liên quan đến một thực tế rằng, bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi các tòa trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.
Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở La Haye và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những quyết định này là công bằng?
Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc về những vấn đề này”.
Chuyện Nga nói không ủng hộ sự can thiệp của bất kỳ bên thứ 3 nào vào vấn đề Biển Đông không phải là mới. Nó đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrop khẳng định tới 2 lần trong mấy tháng gần đây.
Nhưng chuyện ông Putin công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc thì chắc chắn đã khiến nhiều người sửng sốt, bất ngờ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính sách đối ngoại và an ninh Đông Nam Á, Việt Nam và Nga Anton Tsvetov ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (Nga), nếu đọc kỹ nội dung phát biểu của ông, sẽ thấy ông Putin chỉ ủng hộ Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa, khi mà bản thân họ không tham gia và đã từ chối sử dụng cơ chế trọng tài ngay từ khi Philippines khởi xướng (Ở đây, ông Putin đã “lờ” đi chuyện Bắc Kinh đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 về Luật Biển, thì phải tôn trọng cách giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài quốc tế được quy định trong Công ước. Toàn bộ tiến trình tố tụng, kể từ khi Philippines khởi kiện, Trung Quốc đều được thông báo và được phép tham gia, ngay cả khi họ bác bỏ vụ kiện, tòa vẫn cho họ cơ hội để trình bày quan điểm, lập luận của mình, nhưng vấn đề là Bắc Kinh vẫn ngoan cố không chịu tham gia).
Và ông Putin vẫn nói Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Ông Putin cũng không nói “ai đúng, ai sai”.
Sự khôn khéo của ông Putin nằm ở chỗ đó.
Tín hiệu lẫn lộn của điện Kremlin xung quanh vấn đề Biển Đông cũng nằm ở điều đó.
Chắc chắn, một nhà lãnh đạo đã khiến mấy đời Tổng thống Mỹ bối rối vì không thể đánh giá và không biết phải đánh giá thế nào cho đúng, một nhà lãnh đạo đã làm điên đảo giới truyền thông phương Tây gần hai chục năm qua, như ông Putin, không dễ dàng nói điều gì ảnh hưởng lợi ích và vị thế quốc gia của Nga.
Lợi ích quốc gia của Nga có thể hiểu là, Moskva cần phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế - chính trị với Bắc Kinh - đối tác ngày càng thân thiết và quan trọng của Nga trong bối cảnh bị phương Tây cô lập, trừng phạt. Nhưng Nga cũng cần cân bằng quan hệ Nga - Trung và quan hệ riêng của Nga với các đối tác chiến lược khác ở Đông Nam Á.
Nhưng có lẽ, quan trọng hơn, ông Putin muốn qua sự ủng hộ Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa trọng tài này, để chứng tỏ rằng, Nga mãi mãi không chịu sự phán xét của bất kỳ bên thứ 3 nào trong câu chuyện sáp nhập Crimea - lý do chính khiến Nga bị phương Tây trừng phạt. Và câu chuyện đó vẫn sẽ là câu chuyện của lịch sử, đúng hay sai, hợp pháp hay bất hợp pháp vẫn nằm trong sự phán xét của từng người, từng quốc gia… nhưng không ảnh hưởng gì đến Nga.
Tóm lại, ông Putin dù có nói vài lời làm “đẹp lòng” Trung Quốc nhưng ông cũng đã không cho Bắc Kinh có cơ hội mượn “oai” của ông để mà “khoe” rằng, lãnh đạo Nga ủng hộ yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, trừ khi họ muốn “bóp méo” lời ông.
No comments:
Post a Comment