2016/09/28

Nâng cao vị trí, vai trò đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế

Vai trò của luật sư trong xã hội

Luật sư là một nghề xuất hiện sớm trong lịch sử, tồn tại gắn liền với luật pháp, tòa án và công lý. Để có được vị trí trong xã hội như hiện nay, nghề luật sư đã trải qua quá trình hình thành, theo sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Quá trình này được khởi đầu bằng việc công nhận sự bình đẳng trong xét xử. Thời Hy Lạp cổ đại, người đứng đầu nhà nước A-ten, Pe-ri-cơ-lét (Pericles 495 - 429) đã tạo ra những tiền đề cần thiết cho quyền bào chữa được hiện hữu trước tòa - một quyền đặc thù của nghề luật sư: “toàn thể những ai tham dự phiên tòa đều có quyền công khai kết tội hoặc bào chữa cho bị can”(1). Đến thời La Mã cổ đại, luật sư bắt đầu được công nhận như một nghề thực hiện quyền bào chữa. Những hình thái xã hội trong lịch sử đã chứng minh vai trò của luật sư trong đời sống. Hiện nay, đó là một nghề không thể thiếu trong xã hội. Luật sư có thể đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau, không chỉ liên quan đến tranh tụng, tư vấn, mà còn trong lĩnh vực hành chính, lập pháp,… Đây là một nghề có tính thích ứng xã hội cao, phục vụ nhu cầu của nhiều chủ thể, như cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và nhà nước. 

So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nghề luật sư xuất hiện tại Việt Nam muộn hơn. Đó là hệ quả trực tiếp do quá trình xâm nhập của nền văn minh phương Tây tạo ra. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của luật sư, Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 46/SL, ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Trong giai đoạn 1954 - 1975, do chiến tranh, cùng với tình trạng kinh tế khó khăn, thiếu môi trường pháp lý,… nghề luật sư không có điều kiện phát triển ở miền Bắc. Năm 1986, từ chủ trương “đổi mới”, những tiền đề cần thiết để nghề luật sư phát triển đã xuất hiện, đó là tiền đề: kinh tế, môi trường pháp lý, và nhu cầu của xã hội. Năm 1987, Nhà nước ban hành Pháp lệnh Tổ chức luật sư, sau đó pháp lệnh này được thay thế bằng Pháp lệnh Luật sư. Năm 2006, Nhà nước ban hành Luật Luật sư và luật này được sửa đổi vào năm 2012. Quá trình xây dựng, sửa đổi, ban hành những quy định pháp luật về luật sư cho thấy, nghề luật sư được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian tới, để phát triển nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII của Đảng xác định: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp”(2).

Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển đội ngũ luật sư

Thuận lợi và cơ hội phát triển 

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, sự phát triển về kinh tế, xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động của luật sư. Việt Nam có dân số đông, khoảng 90 triệu người và hàng trăm nghìn doanh nghiệp, trong đó, riêng khu vực tư nhân có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu của toàn xã hội đối với luật sư là rất lớn, trong nhiều lĩnh vực. Thời gian gần đây, trên lãnh thổ Việt Nam, những mối quan hệ có yếu tố nước ngoài diễn ra ngày càng đa dạng. Những tập đoàn kinh tế, doanh nhân, người nước ngoài đầu tư, kinh doanh, làm việc ở nước ta cũng mang đến nhiều cơ hội cho nghề luật sư. Cùng với đó, hoạt động thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần có sự tham dự của đội ngũ này. Hiện nay, do nhu cầu cá nhân người Việt Nam xuất ngoại nhiều hơn và nhiều người trong số họ cần sự đến trợ giúp pháp lý của luật sư. Thêm vào đó, trình độ văn hóa pháp lý được nâng cao, nên người dân ý thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của luật sư trong đời sống. Những yếu tố kể trên là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nghề luật sư. Phát triển đội ngũ luật sư là một chủ trương đúng đắn trong chiến lược cải cách tư pháp của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, hiện còn một số yếu tố ảnh hưởng, gây ra những trở ngại đối với hoạt động nghề, cũng như sự phát triển của đội ngũ luật sư.



Những vấn đề về số lượng, chất lượng luật sư

Thống kê gần đây cho thấy, số lượng luật sư tính theo tỷ lệ bình quân trên đầu người ở Việt Nam còn thấp, khoảng 1/14.000. Trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526; Xin-ga-po là 1/1.000; Nhật Bản là 1/4.546; và đặc biệt ở Mỹ, tỷ lệ là 1/250 (3). Do đó, khả năng ứng đáp của luật sư Việt Nam với nhu cầu của xã hội còn rất hạn chế. Thông thường, những quốc gia phát triển đều có số lượng luật sư đông đảo. Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ này không là thước đo chính xác tuyệt đối về nhu cầu và vị thế của luật sư trong xã hội. Mỗi quốc gia có nhu cầu nhiều hay ít về luật sư còn do những yếu tố khác chi phối như: văn hóa pháp lý, tâm lý xã hội, điều kiện kinh tế,… và chất lượng cung cấp dịch vụ của đội ngũ luật sư.

Hiện nay, chất lượng của đội ngũ luật sư là một vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Việt Nam thiếu một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ luật sư còn có những hạn chế về chuyên môn, kỹ năng, giao tiếp… đặc biệt là tình trạng yếu về trình độ Anh ngữ, thiếu kiến thức về pháp luật quốc tế. Không thể sử dụng tiếng Anh, như một ngôn ngữ chính trong công việc, là hiện tượng khá phổ biến đối với luật sư Việt Nam. Tình trạng này làm giảm thiểu đáng kể cơ hội tham gia của họ vào những vụ việc có yếu tố nước ngoài, ở trong và ngoài nước. Trong nhiều vụ tranh chấp pháp lý có yếu tố nước ngoài, cá nhân, doanh nghiệp… buộc phải thuê luật sư quốc tế. Đó là những trở ngại đáng kể đối với luật sư thời hội nhập.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động, vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vẫn tồn tại. Nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, trong quá trình làm việc với người tiến hành tố tụng và khách hàng, một số luật sư bỏ qua những quy tắc nghề nghiệp, thực hiện những hành vi trái quy định của pháp luật.

Vai trò, địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, luật sư là người tham gia tố tụng, trong khi đó, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người tiến hành tố tụng. Thực tiễn cho thấy, phán quyết cuối cùng trong vụ án thuộc về người tiến hành tố tụng. Hệ quả của những quy định này dẫn đến tình trạng: trong tố tụng, vai trò của luật sư được xem như là thứ yếu, bổ trợ, sự xuất hiện của họ nhiều khi chỉ mang tính hình thức. “Mặc dù các quy định của pháp luật về tố tụng đã mở rộng đáng kể quyền của luật sư khi tham gia tố tụng nhưng chưa thực sự bảo đảm cho luật sư được tham gia các giai đoạn tố tụng một cách thực chất…”(4). Những quy định về tố tụng như trên đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng hoạt động của luật sư. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong xét xử. Đồng thời, những quy định chưa hợp lý như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng cung cấp dịch vụ của luật sư. 

Vấn đề về đào tạo luật sư

Luật sư là một nghề có những yêu cầu đặc thù, như năng lực cá nhân, trình độ pháp lý, kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp,… Trước hết, những người theo nghề này phải có trình độ pháp lý. Hơn 70 năm trước, Pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện trở thành luật sư tại Điều 3, khoản 2 Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư là: “Có bằng cử nhân luật”. Sau đó, khi tham gia khóa đào tạo luật sư họ phải vượt qua những yêu cầu cao hơn, rất khắt khe trong quy trình đào tạo. Vì vậy, khi vào nghề, luật sư đều đạt độ chuẩn về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù được quan tâm, nhưng chất lượng đào tạo luật học và đào tạo luật sư của Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định. “Những luật sư thành đạt hiện nay chủ yếu không phải do được đào tạo nghề tốt, mà là do có năng lực “trời phú” kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn mà thành”(5). Hơn nữa, việc đào tạo luật sư hiện nay chỉ do một cơ sở duy nhất tiến hành. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo luật sư vì không có sự cạnh tranh sẽ không có tiêu chí so sánh chất lượng đào tạo. Sự cạnh tranh trong đào tạo nghề luật sư là một yếu tố thúc đẩy việc đổi mới, nâng cao chất lượng của từng cơ sở đào tạo; là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo luật sư ở Việt Nam hiện nay.

Điều kiện kinh tế và tâm lý xã hội đối với nghề luật sư

Sự phát triển của nghề luật sư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như điều kiện kinh tế, trình độ dân trí… và tâm lý của xã hội. Xét về nhu cầu, hầu hết các vụ việc liên quan đến pháp lý đều cần có sự hiện diện của luật sư. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế là yếu tố cơ bản quyết định việc cá nhân, doanh nghiệp… thuê hoặc không thuê luật sư. Những người cần đến sự trợ giúp pháp lý chỉ có thể mời luật sư khi họ có đủ khả năng về tài chính. Trên thực tế, tâm lý xã hội đối với nghề này cũng có sự khác nhau. Tại những quốc gia phát triển, khi xảy ra sự kiện pháp lý, ngay lập tức, người dân cầu viện sự giúp đỡ của luật sư. Đó không chỉ đơn giản là thói quen hành động, mà đó còn thể hiện sự tin tưởng của người dân, của xã hội vào luật pháp, công lý và nghiệp giới này. 

Tại Việt Nam, do những định kiến từ thời phong kiến nên kiện tụng là một việc người dân thường né tránh. Do sự bất công của chế độ phong kiến, sự tùy tiện, cửa quyền của giới quan lại, nên người dân khó có thể tìm thấy công lý ở chốn công đường. Đó cũng là tình trạng phổ biến trong xã hội từ thời cổ đại: “Người ta đánh đập họ không chút thương tiếc… Và nếu họ có đi thưa kiện thì họ cũng không tìm đâu ra công lý”(6). Hơn nữa, mỗi khi kiện tụng, hai bên trong vụ kiện đều có thể bị tổn hại về kinh tế, vì muốn thắng kiện, họ thường phải bỏ tiền hối lộ cho quan lại. Đời sống vốn đã khốn khó, mỗi khi theo kiện, hầu kiện, người dân còn có thể lâm vào tình cảnh bần cùng hơn nữa. Cho nên, họ thường cố chịu đựng, bỏ qua những tranh chấp để tránh tình trạng: “Vô phúc đáo tụng đình”. Bên cạnh đó, khi không may gặp phải rắc rối về pháp lý, nhiều người lại chọn những cách giải quyết khác, như nhờ cậy người có thế lực, quyền lực để chi phối vụ việc. Đến nay, tâm lý và cách ứng xử này vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội. Hơn nữa, văn hóa pháp lý chưa trở thành những giá trị phổ biến, lan tỏa, ăn sâu vào đời sống cộng đồng. Những yếu tố này hạn chế và làm ảnh hưởng nhiều đến cơ hội hoạt động nghề của luật sư.

Phát triển đội ngũ luật sư trong cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế

Trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, nghề luật sư luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Nâng cao vị thế của luật sư trong tố tụng là yếu tố góp phần làm cho hoạt động tố tụng trở nên minh bạch hơn và giảm bớt những hạn chế, bất cập trong hoạt động tư pháp. Theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp; Hiến pháp năm 2013; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, và yêu cầu của hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần có những định hướng phát triển đội ngũ luật sư như sau: 

- Phát triển đội ngũ luật sư theo phương hướng, nhiệm vụ của tiến trình cải cách tư pháp, cũng như quá trình cải cách hoạt động của từng cơ quan tư pháp; nâng cao vai trò của luật sư trong tố tụng và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. 

- Nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, đáp ứng những yêu cầu khách quan của quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; lấy chất lượng cung cấp dịch vụ làm thước đo chất lượng luật sư. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong mối tương quan với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp.

- Chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa nghề luật sư về quy mô, tổ chức, khả năng cung cấp dịch vụ… theo tiêu chí chung về hoạt động của luật sư trong khu vực và thế giới; mở rộng phạm vi hoạt động; thúc đẩy năng lực cạnh tranh của luật sư Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý trong nước, từng bước tham gia, giải quyết những vụ việc pháp lý ở nước ngoài.

Những cố gắng nỗ lực của Nhà nước, Liên đoàn luật sư Việt Nam và sự mong mỏi của xã hội đang tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện đội ngũ luật sư. Để nâng cao vai trò, vị trí trong xã hội, đội ngũ này cần có sự hợp lý về số lượng và sự bảo đảm về chất lượng. Với những mục tiêu đó, chủ trương, quan điểm về cải cách tư pháp cần được quán triệt và triển khai thực hiện, theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “ Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa…”. Đồng thời, dưới góc độ pháp lý, cần thiết lập cơ chế thực hiện “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, theo quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Trên tinh thần cải cách tư pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập kinh tế quốc tế, để xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về tố tụng theo hướng bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tạo lập sự bình đẳng cần có giữa người tiến hành tố tụng và luật sư trong các giai đoạn tố tụng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật nhằm tạo nguồn chuẩn đầu vào cho đào tạo luật sư; phát triển, thành lập một số trường đào tạo luật sư, từ đó tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo luật sư; mở rộng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kỹ năng nghề, Anh ngữ, pháp luật quốc tế… cho đội ngũ luật sư.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam với những liên đoàn luật sư quốc tế nhằm tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ luật sư. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng về thương mại quốc tế.

Thứ tư, ban hành quy định nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Đồng thời, Nhà nước cần tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư và có biện pháp bảo vệ hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư là nghề đặc thù - một nghề sống bằng danh. Đặc điểm này cũng phù hợp với quan niệm truyền thống về giá trị của người Việt Nam: “Tốt danh hơn lành áo”. Nghề luật sư được xã hội tôn vinh vì: để bảo vệ công bằng, lẽ phải, luật sư phải đương đầu với khó khăn, phức tạp, rủi ro. Danh tiếng của luật sư do chính luật sư tạo dựng từ trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp… 

Như vậy, việc phát triển nghề luật sư, nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư, trong cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, cần có những chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của xã hội, Liên đoàn luật sư Việt Nam và những đóng góp, nỗ lực của chính đội ngũ luật sư./.

--------------------------------------------
Chú thích:
(1) Lương Ninh (chủ biên): Lịch sử thế giới cổ đại. Nxb. Giáo Dục, H, 1998, tr. 223
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 179
(3) Xem: Quyết định 1072/QĐ-TTg: Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ
(4) Xem: Quyết định 1072/QĐ-TTg: Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ
(5) TSKH. Lê Cảm - TS.Nguyễn Ngọc Chí (đồng chủ biên): Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền. Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H, 2004, tr. 153
(6) Lương Ninh (chủ biên): Lịch sử thế giới cổ đại, Sđd, tr. 56 
Nguyễn Văn TiếpHọc viện Chính trị khu vực I /Tạp chí Cộng sản

No comments:

Post a Comment