Đại hội XI của Đảng nhận định: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”(1). Đại hội XII chỉ rõ: “... phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao”(2), “trong khi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội”(3). Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng nêu trên có thể khái quát: do hạn chế về trình độ hiểu biết, năng lực trí tuệ, năng lực thực tiễn. Do sự thoái hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Do chủ nghĩa cá nhân gây nên mất đoàn kết nội bộ, làm xuất hiện những cá nhân, những nhóm người mâu thuẫn nhau về địa vị, quyền lợi. Nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng là nhiệm vụ trọng tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đại hội XII đã xác định rõ quan điểm: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(4). Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt, kịp thời, đem lại kết quả cụ thể. Sau đây là một số giải pháp cơ bản:
Thực hiện tốt các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng
Đảng ta được tổ chức và xây dựng theo những nguyên tắc mang tính khoa học và cách mạng của chính đảng kiểu mới theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong tình hình mới.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc này được ví như xương sống làm cho Đảng luôn vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; bảo đảm thống nhất ý chí và hành động. Đây là tiêu chí để phân biệt chính đảng cách mạng với các đảng cơ hội khác. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung và dân chủ thống nhất với nhau, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ đi đôi với tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, đồng thời tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy. Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Nếu thực hành dân chủ tốt, sẽ phát huy được trí tuệ, tiềm năng, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi đảng viên, tổ chức đảng, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Bởi vậy, trong tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, phải thực hiện sự thống nhất chặt chẽ dân chủ với tập trung, không được tuyệt đối hóa hay coi nhẹ mặt nào. Nếu tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ thì sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Trước hết, phải nhận thức đúng mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng và toàn bộ hệ thống chính trị thấy và sửa chữa những khuyết điểm, làm cho tốt hơn, đúng hơn; để mọi người học ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Thực hiện tự phê bình và phê bình phải gắn với các nội dung liên quan đến tư cách của người đảng viên, gắn với trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, đơn vị, địa phương mình phụ trách; chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng là biện pháp khắc phục triệt để những khuyết điểm của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc phê bình của quần chúng đối với Đảng là cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết cho tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu phải gương mẫu tự phê bình và khuyến khích người khác phê bình mình. Người đứng đầu phải luôn lắng nghe ý kiến góp ý cho mình một cách chân thành, cởi mở và nếu có khuyết điểm thì phải nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa. Người đứng đầu phải kiểm điểm nội dung về mối quan hệ với quần chúng, lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của nhân dân.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề cập việc đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, góp phần thiết thực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, quản lý. Để thực hiện mục tiêu đó, cần có những giải pháp: Rà soát, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo nguyên tắc: các quy định đều có chế tài xử lý vi phạm (nếu có) đối với cả tập thể và cá nhân tương ứng với mức độ vi phạm; áp dụng rộng rãi cơ chế thi tuyển chức danh quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để thật sự tìm được người có đủ đức và tài, khắc phục vấn nạn chạy chức hiện nay; xử lý nghiêm trách nhiệm người giới thiệu, người thẩm định, người bổ nhiệm, đề cử cán bộ trong bầu cử, giới thiệu ứng cử khi cán bộ được bổ nhiệm, bầu cử bị xử lý kỷ luật đảng và pháp luật; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Người không đủ tín nhiệm hai năm liền phải thay ngay và nói chung chỉ bố trí ở cương vị thấp hơn chức vụ hiện tại, hoặc cho thôi giữ chức vụ; thu hẹp diện cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng kiểm tra, xác minh chính xác độ trung thực của việc kê khai; yêu cầu giải trình rõ nguồn gốc tài sản, tài chính lớn; xử lý nghiêm những cán bộ kê khai, giải trình không trung thực.
Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Nghiên cứu, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận; tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết; thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong Đảng. Gắn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm pháp lý của đảng viên. Đối với cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước các cấp, cần kiểm điểm, đánh giá về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nghĩa vụ công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm trước nhân dân.
Cụ thể hóa nội dung xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị, trọng tâm là đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là của người đứng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-06-2012, của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên và thực hiện nghiêm minh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Đảng viên phải tự giác đặt mình vào trong tổ chức, chịu sự quản lý của tổ chức, chấp hành các chế độ, quy định trong sinh hoạt đảng. Khắc phục các hiện tượng ngại sinh hoạt, bỏ sinh hoạt dưới bất kỳ hình thức nào hoặc coi sinh hoạt chỉ là hình thức. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức, kỷ luật, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên một cách toàn diện, kể cả các quan hệ xã hội, các nguồn thu nhập, lối sống. Tăng cường chế độ trách nhiệm trong Đảng, quán triệt và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tiến hành tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò của cơ quan, Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cơ quan báo chí, quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật Đảng theo Điều lệ đã ban hành; kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, những tổ chức đảng yếu kém làm trong sạch nội bộ Đảng.
Những cơ quan lãnh đạo của Đảng có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sử dụng đắc lực vai trò của ủy ban kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của Đảng thì nhất định sẽ đấu tranh hiệu quả với quan liêu, tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.
Cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Theo quy định hiện tại, tất cả các quyết định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đều là các quyết định tập thể của cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền; trên cơ sở quyết định của tập thể, phân công cá nhân tổ chức thực hiện. Tập trung kiểm tra người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là đứng đầu các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị kinh tế nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với người đứng đầu, cần tăng cường kiểm tra trách nhiệm chính trị trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.
Đẩy mạnh việc tự tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên thiết thực, hiệu quả
Trong cuộc sống thường ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải giải quyết nhiều mối quan hệ xã hội, trong đó mối quan hệ giữa lợi ích của tập thể - lợi ích cá nhân là yếu tố cơ bản tác động chi phối đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức lối sống, nếu mỗi cá nhân thiếu bản lĩnh chính trị, không tự giải quyết hài hòa mối quan hệ này sẽ dễ dàng bị lôi cuốn vào vòng xoáy của tham vọng quyền lực, vun vén lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng.
Tính tự giác rèn luyện của người cán bộ, đảng viên được thể hiện ở tinh thần cầu thị tiến bộ; tinh thần ham học tập ở mọi lúc, mọi nơi; có ý thức kiên trì rèn luyện thói quen, phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, cụ thể, tỷ mỷ từ việc nhỏ đến việc lớn, từ những hành vi đơn giản đến phức tạp, “việc thiện thì nhỏ mấy, khó mấy cũng nên làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh”. Biết tự đánh giá bản thân để lựa chọn con đường, biện pháp rèn luyện phù hợp; có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, cấp trên, cấp dưới và đồng cấp về bản thân mình. Tích cực chủ động phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để không ngừng tự hoàn thiện bản thân…
Để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thì cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tổ chức các cấp cần phải thường xuyên coi trọng rèn luyện cán bộ, đảng viên; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền lợi của mỗi cá nhân trên từng cương vị công tác, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên bộc lộ, phát huy tối đa năng lực của bản thân; lấy kết quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt; tạo dư luận lên án và kịp thời xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị công tác nào.
Ở đâu người cán bộ, đảng viên cũng phải là người tiêu biểu về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Hơn ai hết, người cán bộ, đảng viên phải hiểu và hành động đúng theo kỷ cương, phép nước. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu phải thật sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ là cán bộ cấp trên làm gương cho cấp dưới, cấp trên có trong sáng về đạo đức mới có thể giáo dục, kiểm tra được đạo đức của cấp dưới.
Quan tâm đến đời sống và lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên
Hiện nay, trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên là cán bộ, công chức nhà nước có điều kiện chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Do đó, khi đời sống được bảo đảm, quyền lợi vật chất chính đáng được bảo vệ, chính là điều kiện để mỗi người gắn bó với công việc; yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Bảo đảm thu nhập, tiền lương tương xứng với sự đóng góp, phù hợp với công sức, trí tuệ của mỗi người đã cống hiến; thực hiện “đẩy mạnh cải cách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng”(5); công bằng giữa các khu vực, nhất là khu vực hành chính sự nghiệp, với khu vực doanh nghiệp nhà nước là nguyện vọng chính đáng của đảng viên, công chức, viên chức.
Tình trạng thu nhập bất bình đẳng, thậm chí chênh lệch đến mức phi lý giữa một bộ phận đảng viên là cán bộ, công chức tôn sùng vật chất, đồng tiền, coi thường đạo lý, kỷ cương, không giữ được tư cách đạo đức của một đảng viên với một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức có đời sống vất vả từ lương và thu nhập công khai nên dễ dẫn đến tâm trạng bi quan, dễ bị kích động, lợi dụng,... không thể tạo nên những ứng xử bình đẳng và làm phát sinh nhiều vấn đề trong tư tưởng của đảng viên. Có lúc, có nơi chính vấn đề thu nhập không thỏa đáng, nhất là hiện tượng giàu lên nhanh chóng, bất minh của một bộ phận đảng viên là cán bộ, công chức đã trở thành vấn đề nổi cộm, dẫn đến những bức xúc có tính xã hội và chuyển hóa thành vấn đề chính trị.
Để đời sống vật chất và tinh thần của đảng viên được bảo đảm, ngoài việc phát huy yếu tố chủ quan của bản thân mỗi đảng viên thì trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp phải thật sự quan tâm đến điều kiện làm việc, thu nhập và cuộc sống của họ. Chống đặc quyền, đặc lợi, có những chính sách, quy định chế độ vật chất và tinh thần, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng và chính đáng giữa các cấp cán bộ và giữa cán bộ, công chức với nhân dân./.
---------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 185
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 193
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.195
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.201
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.213
No comments:
Post a Comment