2016/09/21

Công bố thông tin về môi trường biển miền Trung

Mõ Làng


Loa Loa Loa

Sáng nay (20/9), ba bộ liên quan đến sự cố cá chết 4 tỉnh miền Trung đã công bố thông tin về môi trường biển và việc sử dụng hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.


Nội dung thì nhiều, tên khoa học khó nhớ, Mõ chỉ tóm rút mấy thứ chủ yếu, dễ nhớ để thông báo đến bà con như sau:

Bộ Nông cho biết, hoạt động nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng thủy hải sản nước mặn, nước lợ bình thường với tất cả các phương thức: nuôi lồng bè, bãi triều, nuôi trong ao, đầm.

Về đánh bắt, người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển. Tuy nhiên, với ba vùng biển nhạy cảm mà hàm lượng độc tố còn cao là Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), khuyến cáo ngư dân chưa khai thác.

Không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như câu đáy, lưới kéo, lặn lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh, trong vùng 20 hải lý trở vào bờ thuộc bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do lo ngại hải sản có thể nhiễm kim loại nặng.

Theo các bác trí thức thì, kim loại nặng thường có tính bền vững rất cao. Do vậy, nó sẽ tồn tại rất lâu trong đất, nước, không khí. Nếu các sinh vật hấp thụ các kim loại nặng này thì chất độc sẽ được tích luỹ và chuyển qua các sinh vật khác qua chuỗi thức ăn. Con người thường là mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn và các kim loại này sẽ đi vào cơ thể qua ăn uống, nguy hiểm. 

Bộ Nông cho biết, sẽ thực hiện giám sát tại cảng cá, bến cá khi tàu của ngư dân cập bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở 4 tỉnh miền Trung. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ . 

Theo kết quả phân tích, tất cả các mẫu hải sản ở miền Trung hiện tại đều không phát hiện có xyanua - một trong hai độc tố gây ra sự cố cá chết miền Trung. Các chỉ số asen, thủy ngân, cadimi, chì, crom, sắt ở cả 7 tỉnh gồm 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng đều nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, hàm lượng phenol, độc tố thứ hai gây ra hiện tượng cá chết lại bất thường ở các hải sản tầng đáy còn cao.

Bộ Y đề nghị không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vùng 20 hải lý đồng thời đề nghị UBND bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiến hành phân loại hải sản theo từng lô. Sở Y tế các tỉnh lấy mẫu theo từng lô và trả kết quả cho đơn vị quản lý được UBND giao nhiệm vụ. Chỉ cho phép lưu hành với sản phẩm đã được xét nghiệm an toàn. Với các lô không an toàn buộc phải tiêu hủy và đền bù theo quy định.

Theo khuyến cáo của Bộ Y, tất cả các hải sản như Cá Ngừ, Cá Chuồn, Cá Bạc Má, Cá Ngân, Cá Trích, Cá Thu, Cá Đao, Cá Nục, Cá Chỉ vàng, Cá Hố, Cá Bò, Cá Cam, Cá Cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn, ăn được.

Còn các loại cá tầng đáy như Cá Hồng, Cá Mú, Cá Kẽm, Cá Đuối, Tôm Mũ Ni, Tôm Hùm, Mưc Nang, Ghẹ, Ốc, Cá Đục, Bạch Tuộc, Cua Đá… ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm, không nên ăn. Đánh bắt được thì nên thả xuống biển.

Bộ Tài - Môi đã công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm môi trường biển ở 1080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với QCVN về chất lượng nước biển cho thấy về cơ bản hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, tắm biển được.

Loa Loa Loa.

No comments:

Post a Comment