2016/09/29

CÓ HAY KHÔNG “PHIÊN TÒA BỎ TÚI” XÉT XỬ ANH BA SÀM

Nguyễn Chiến Thắng

Trong ngày 22/9/2016 vừa qua, trên trang Danlambao liên tục cập nhật, đưa tin tức và những hình ảnh liên quan đến phiên tòa xét xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cùng “đồng sự” Nguyễn Thị Minh Thúy với thái độ lên án, chống đối và cho rằng đây là “phiên tòa bỏ túi”.
Nói đến Nguyễn Hữu Vinh, ta được biết trước đây từng là một sĩ quan an ninh, tuy nhiên có thái độ bất mãn, chuyên viết về các vấn đề chính trị xã hội Việt Nam với phong cách bình luận chống đối, đưa ra cái nhìn một chiều phiến diện, gây hoang mang trong quần chúng, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước. Nguyễn Hữu Vinh là người lập ra trang Blog “Dân quyền” và “Chép sử Việt” cùng với Nguyễn Thị Minh Thúy đăng những bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật về những vấn đề “nóng” đang diễn ra, tuyên truyền sai đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trên mạng Internet.
Với những hành vi như trên, ngày 23/3/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” (khoản 2, điều 258, Bộ luật Hình sự năm 2013). Sau đó, Nguyễn Hữu Vinh đã kháng cáo kêu oan, yêu cầu xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm và đòi được trả tự do. Tuy nhiên, vào ngày 22/9/2016, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với cả hai bị cáo.
Trên trang Dân làm báo liên tục đưa những tin tức, hình ảnh nhân dân tụ tập đông người  không được vào khu vực xét xử và cho rằng đây là “phiên tòa bỏ túi”, không dân chủ, là vi phạm pháp luật vì không diễn ra công khai như luật định…
NGUYỄN HỮU VINH
Bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vẫn một mực kêu oan tại tòa phúc thẩm, ảnh: internet
Công khai đúng là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ, nó được xem như một tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và vận hành bộ máy Nhà nước. Đối với hoạt động tư pháp, tư tưởng này cũng được ghi nhận một cách rất cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật tố tụng. Hiến pháp 1992 quy định “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp Luật định” (điều 133), điều này được cụ thể hóa trong điều 18 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2013: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này qui định.Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Như vậy công khai không có nghĩa trong tất cả mọi trường hợp đều phải xét xử công khai, công khai cũng phải có giới hạn, đặc biệt những vụ án cần giữ gìn bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc bí mật của đương sự thì Tòa án được phép xử kín. Ở các quốc gia trên thế giới, nguyên tắc xét xử công khai chưa bao giờ được thực thi một cách không có giới hạn. Có thể lấy ví dụ ở Cộng hòa liên bang Đức, tính công khai của quá trình xét xử được quy định tại Điều 169 Bộ luật về hệ thống tư pháp, khoản 1 quy định trong phiên tòa xét xử, việc đọc bản án và các quyết nghị của hội đồng xét xử được tiến hành công khai, ngoài những bên tham gia với tư cách theo luật định như bị cáo, người bị hại, nhân chứng, phiên dịch,…, những người khác như nhà báo, đại diện tổ chức xã hội, chính trị, thực tập sinh,… phải xin phép chủ tọa phiên tòa từ trước đó.
Ở Việt Nam cũng có những nét tương tự, tuy là xử kín nhưng tuyên án công khai. Xử kín là một chế định đã được quy định ngay từ Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 của nước ta. Việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của xã hội, vì lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới.
Và ngày 22/9 vừa qua, xét thấy không có căn cứ chấp nhận kêu oan của các bị cáo nên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo của Nguyễn Hữu Vinh, tuyên y án sơ thẩm. Bị cáo Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; bị cáo Nguyễn Thị Minh Thúy bị tuyên phạt 3 năm tù vê cùng tội danh.
Do vậy việc những người tự cho mình là “dân oan” hay những “cựu tù nhân lương tâm” lên tiếng bảo vệ Anh Ba sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy cũng như bôi xấu chế độ, coi thường pháp luật, bịa đặt vu khống thực chất là những việc mà họ vẫn thường xuyên làm và việc của chúng ta là không được để những luận điệu đó tác động, lôi kéo.

No comments:

Post a Comment