Trung Quốc đang tìm cách “chặn họng”, ngăn cản các quốc gia có ý định đưavấn đề Biển Đông và phán quyết mới đây của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc ra thảo luận tới các diễn đàn quốc tế. Bắc Kinh cũng sẵn sàng “nhảy dựng” lên phê phán bất cứ bình luận của nước nào về vấn đề này mà trái với lập trường của họ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Sau màn “nhất hô bá ứng” tuyên bố và tuyên truyền kêu gọi tẩy chay phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh giờ đây lại đang phải lật đật tìm cách “lobby” (vận động hành lang) để vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tàikhông bị đem ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, bất kể là có hay không có họ tham dự. Sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Trung Quốc giờ lại đang lo đối phó với Hội nghị thượng đỉnh G20.
Theo tờ Times of India, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Ấn Độ 3 ngày bắt đầu từ 12/8. Và trong chuyến thăm này, ông Vương sẽ cố gắng thuyết phục Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không tham gia cùng các nước khác trong việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc tháng 9 tới.
Times of India bình luận: Bắc Kinh đang vô cùng lo lắng rằng một số nước, trong đó có Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại hội nghị, đặc biệt là khi Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc 1982, trên cơ sở đề nghị của Philippines, đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh cũng không hài lòng về phản ứng của Ấn Độ đối với phán quyết trọng tài. New Delhi nhấn mạnh rằng, UNCLOS 1982 cần được thực hiện một các hiệu quả, các bên liên quan cần nỗ lực hợp tác.
Trung Quốc không muốn có một cuộc thảo luận về chủ đề này tại G20, đồng thời mong muốn Ấn Độ không bị “kéo” vào các cuộc thảo luận mà bất kỳ nước nào định khơi ra tại diễn đàn này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẵn sàng “nhảy dựng” lên phê phán bất cứ bình luận của nước nào về vấn đề này mà trái với lập trường của họ. Đối với Singapore, quốc gia Đông Nam Á có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và khá cân bằng trong quan điểm về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh cũng không cho là ngoại lệ.
Báo Straits Times hôm nay (6/8) cho biết, Bắc Kinh đã đề nghị Singapore tôn trọng lập trường của Trung Quốc liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tàivềvụ kiện Philippines – Trung Quốc, cũng như đồng thuận của ASEAN trong hồ sơ này.
Trong thông cáo được công bố hôm qua (5/8), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng Singapore có thể duy trì lập trường khách quan và công bằng, với tư cách là điều phối viên quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Singapore và bang giao lành mạnh, ổn định giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Đây là phát biểu của bà Hoa nhằm trả lời các câu hỏi của truyền thông Trung Quốc về bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc gặp với các quan chức và giới doanh nhân Mỹ, tại Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN ở Washington ngày 2/8 vừa qua.
Trong cuộc gặp này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, Trung Quốc không thay đổi lập trường đối với các đòi hỏi lãnh thổ tại Biển Đông sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài.
Theo lãnh đạo Singapore, có ít quốc gia chấp nhận “lùi bước”, thay đổi lập trường, nhưng có lẽ không một bên tranh chấp nào, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan lại “muốn đi tới cùng”. Các bên liên quan muốn bảo vệ các lợi ích, duy trì các đòi hỏi của mình, nhưng không bên nào lại muốn xảy ra chiến tranh.
Nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục một mình chống lại cả thế giới như thế này, e rằng, thời gian tới, họ sẽ còn phải vất vả dài dài.
No comments:
Post a Comment