2016/08/01

QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ CHÀO THÁNG TÁM


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến đã chủ động trả xe, trả phòng làm việc dù đến 1-10 mới chính thức nghỉ hưu và chuyện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm gương không mua xe mới, đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ tận tụy làm việc, không đánh trống bỏ dùi, không đánh bóng cá nhân…là những tin tức mới đây nhất từ chính trường Việt Nam trong ngày hôm nay. 

Điểm gặp gỡ giữa hai hành động có vẻ như không qúa mới ấy là nó đều được thực hiện ngay trong ngày đầu tiên của tháng Tám (01/8/2016), tức là có thể xem đó là báo hiệu một tháng làm việc với những điều tích cực từ hai cơ quan lập pháp (Quốc hội) và hành pháp (Chính phủ) của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, cảm nhận riêng từ người viết thì nó không dừng lại ở đó. Xin được chia sẻ cảm xúc cũng như suy nghĩ của người viết xung quanh những câu chuyện khai mở tháng Tám này! 
Chuyện của Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Trên thực tế một khi Quốc hội khóa XIV đi vào hoạt động chính thức thì những đại biểu Quốc hội của khóa trước đó *(dù chưa về hưu) như ông Lê Như Tiến cũng đã hết vai trò của mình; họ cũng không còn là đại biểu Quốc hội bởi cái nền tảng công nhận họ đã bị một nền tảng khác phủ nhận, thay thế. Nhìn ở góc cạnh này thì hành động của ông Tiến bỗng trở nên bình thường, thậm chí ông sẽ ngay lập tức bị mang tiếng là tham lam, là  cố gắng "kéo dài thêm chút thời gian hoàng hôn nhiệm kỳ để hưởng đặc lợi". Nghĩa là câu chuyện ngay lập tức không còn quá hót, giá trị của nó cũng giảm sút đi nhiều. 
Ông Lê Như Tiến. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Đối chiếu hành động của ông Tiến đối với những đại biểu Quốc hội khóa XIII khác cùng được hưởng chế độ chính sách tương tự (có phòng làm việc riêng, có xe đưa đón) thì mới hiểu hết giá trị của nó. 

Chắc chắn có Đại biểu (khóa XIII) sẽ cho ông Tiến là hâm, là dở người bởi nếu có làm thì ông làm một cách thầm kín, bí mật chứ việc gì phải công khai để đến nỗi ảnh hưởng tới người khác. Cũng có người cho ông là đánh bóng tên tuổi trước khi rời nhiệm sở (?)... Song, đúng như trần tình của ông Tiến với Báo Tuổi trẻ về hành động này, đồng ý rằng, đến thời điểm về hưu thì cá nhân đó mới bàn giao tất cả những gì họ đã được thụ hưởng nhưng thử hỏi những người kế cận, những người mới được giao trách nhiệm cho cá nhân đó để lại sẽ lấy phòng đâu để làm việc, xe đâu để phục vụ đi lại? Điều này vô tình cũng sẽ làm khó Văn phòng Quốc hội khi những đại biểu sẽ hối thúc chế độ của họ. 

Cho nên, cái lí lẽ khiến ông Tiến bàn giao phòng làm việc, xe đưa đón trước thời điểm nghỉ hưu có thể đơn thuần xuất phát từ suy nghĩ mình giữ thì người khác sẽ không có nhưng chính cái sự tiên phong của Tiến sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ, phải tự vấn chính mình. Và tôi tin chắc sau ông Tiến sẽ có nhiều đại biểu khác (khóa XIII) trả xe, trả phòng làm việc trước thời điểm 01/10/2016 và kết thúc Quốc hội khóa XIV cũng sẽ có nhiều người hành động như thế! 

Quốc hội khóa XIII kết thúc với những cung bậc cảm xúc khác nhau và bên cạnh những việc đã làm được, hoàn thành vẫn còn đó không ít những lời hứa mà những ông nghị, bà nghị vẫn chưa thực hiện được! Câu chuyện lời hứa vì thế là một vấn đề mà Quốc hội khóa XIV, các khóa tiếp theo sẽ phải trả lời. Vì thế, từ góc độ cá nhân tôi cho hành động của ông Tiến rất đỗi cầu thị, thế hệ mình chưa làm được thì nên chăng cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ tiếp theo thực hiện. Thiết nghĩ rằng, đó cũng là điều mà những người khác như ông Tiến nên làm để thấy rằng, mình còn có chút tự trọng! 
Chuyện của Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tôi gọi ông Phúc là "Tân Thủ tướng" bởi dù ông đảm nhiệm cương vị này cách đây hơn 2 tháng nhưng cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa qua, cùng với tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và người đứng đầu Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Phúc đã chính thức tuyên thệ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

Cũng như hành động của ông Lê Như Tiến, việc làm gương không mua xe mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thoạt nhìn không có gì là quá lạ. Trước khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phúc đã từng là Phó Thủ tướng Chính phủ. Chuyện xe cộ giữa Thủ tướng và Phó thủ tướng vì thế không có quá nhiều sự khác biệt. Song thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển tải qua hành động của mình lại không nhỏ một chút nào khi mà vấn nạn mua bán, sử dụng xe công một cách tràn lan theo cơ chế xin cho vẫn chưa thực sự có một giải pháp căn cơ, triệt để. Câu chuyện của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh gắn biển xe công vào xe riêng đã, đang là bài học quá mới cho thực tế này.

Có thể sau cái hành động này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan siết chặt hơn vấn đề mua bán, sử dụng xe công. Trong đó ngoài việc thu hẹp diện được sử dụng xe công thì việc mua xe mới khi được đề bạt, bổ nhiệm cũng sẽ được siết chặt. Và xin thưa rằng, khi mà Thủ tướng Chính phủ từ chối mua xe mới thì không hà cớ gì các chức danh thấp hơn lại mua xe!

An Chiến

No comments:

Post a Comment