2016/08/09

Không thể rời đi là hết chuyện


Khi người ta phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm thì khi đó mới mong dẹp bỏ được “tư duy nhiệm kỳ, làm gì cũng được, an toàn hạ cánh là xong” vốn đang phổ biến hiện nay.

Chúng tôi tin rằng, phải lấy trách nhiệm nhiệm kỳ để đối chọi lại với tư duy nhiệm kỳ. Một thứ tư duy đang gây rất nhiều hệ lụy ngày càng nghiêm trọng trong hơn một thập kỷ qua.

Trong vài năm gần đây, cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” được nhắc đến khá nhiều. Đã vài lần, nghị trường Quốc hội cũng nóng lên về chuyện này.

Như là một quy luật, đời người có hạn, làm quan thì có nhiệm kỳ, có người chỉ một nhiệm kỳ, có người thì vài nhiệm kỳ. Một bộ phận cán bộ đã nghĩ đến nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình và họ bắt đầu chạy theo lợi ích cục bộ, lo vun vén cá nhân; họ không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm mà chỉ lo giữ ghế an toàn để đến hết nhiệm kỳ, về hưu.

Biểu hiện cụ thể của “tư duy nhiệm kỳ” này chính là một số ông quan bắt đầu tăng cường và tăng tốc tham nhũng, tiêu cực cả trong công trình, dự án và trong công tác nhân sự. 

Hay nói một cách dễ hiểu, đó là họ ra sức vơ vét trước khi không còn chức quyền để làm chuyện đó. Đó là những chuyến công du nước ngoài dưới danh nghĩa “học tập, nghiên cứu”, tất nhiên tất cả đều bằng tiền ngân sách; ký duyệt vội vàng những công trình, dự án mang lại lợi ích cá nhân hàng tỷ hay hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà bất chấp đúng sai, tác hại ra sao;…

Khi đó, những quan chức biến nhiệm kỳ với mục tiêu phục vụ nhân dân, đất nước thành cuộc đua vơ vét bất cứ gì có thể để sau đó hạ cánh một cách đầy túi.

Kế đến, họ tiến hành đề bạt hàng loạt cán bộ, cấp dưới của mình vào những vị trí quan trọng, trước khi mình “hạ cánh”… Thế mới có chuyện nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề bạt tới 60 cán bộ trong cơ quan mình trước lúc “hạ cánh” 2 tháng.

Thậm chí, vào một ngày trước khi hạ cánh đã đề bạt, bổ nhiệm đến 22 cán bộ. Hay ông nguyên giám đốc sở văn hóa - thể thao và du lịch nọ đã đã ký đề bạt, bổ nhiệm tới 30 cán bộ cấp phòng và tương đương trước ngày về hưu.
Minh họa: Hữu Khoa.

Và tất nhiên đó chỉ là hai trường hợp quá “sốc”, sẽ còn rất nhiều trường hợp tương tự như vậy ở mức độ ít hơn nhưng bản chất là như nhau. Đó là cứ đề bạt một cách bừa bải, vô tội vạ vì đó là “trách nhiệm của tập thể”.

Không những thế, với “tư duy nhiệm kỳ”, một bộ phận công chức chỉ suy nghĩ và loay hoay với tầm nhìn rất hạn chế, ngắn hạn là chỉ làm những việc dễ dàng, việc khó thì né tránh hoặc để người của nhiệm kỳ sau giải quyết. Họ chỉ cốt giữ sao cho an toàn cái ghế của mình mà thiếu hẳn những tư duy có tính chất chiến lược, lâu dài để phát triển địa phương, đất nước.

Cũng có chuyện “bình minh nhiệm kỳ” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Đó là trường hợp những quan chức, trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thì tỏ ra rất hăng hái, tận tâm tận lực nhưng đến giữa và cuối nhiệm kỳ thì “tư duy nhiệm kỳ” bắt đầu xuất hiện. Họ có những thay đổi rất lớn trong thái độ đối với công việc như buông xuôi, né tránh va chạm, hay phó mặc cho cấp dưới.

Và có một kiểu “tư duy nhiệm kỳ” cũng phá hoại không kém đó chính là khi cái ghế quyền lực đi kèm với cái “danh”. Khi “danh” được coi là mục đích thì hành vi, thái độ công tác trong nhiệm kỳ cũng sẽ đi theo mục đích đó. Muốn nổi danh, gây ấn tượng trong nhiệm kỳ của mình thì một số cán bộ lại phô trương, hình thức mà không cần bận tâm đến tốn kém tiền của, công quỹ, thời gian.

Nhắc đến lối tư duy này, chúng ta phải nói ngay đến câu chuyện thời sự vừa qua đó là tình trạng nợ như chúa Chổm tại những cơ quan nhà nước ở địa phương. Lý giải về tình trạng này, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội có đưa ra phân tích rằng: “Nhiều địa phương cho biết, do năm 2015 là năm chẵn, nhiều lễ kỷ niệm nên đó cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng chi”.

Có thể hiểu ngay đó là việc cán bộ quan chức địa phương tổ chức đủ thứ lễ lạt, kỷ niệm tốn kém với các chương trình sân khấu hóa, truyền hình trực tiếp, mặc kệ tình hình tài chính có khó khăn đến đâu. Nó cũng giống như chuyện ở xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) - nơi vừa có chuyện cười ra nước mắt đó là dân đến trụ sở UBND đòi nợ vì cán bộ hát chịu, ăn chịu, có cán bộ hồn nhiên tâm sự với nhà báo: “Dù mấy tháng chậm lương nhưng anh em vẫn hát suốt”!

Theo thống kê, trong năm 2015, không tuần nào không có chương trình tường thuật trực tiếp một cuộc lễ lạt nào đó ở các địa phương trong cả nước. Tăng chi dẫn đến nợ nần vì những chương trình tường thuật trực tiếp các lễ kỷ niệm ở tỉnh, thành, điều này phản ánh lối tư duy bệnh hoạn về quan trường của đội ngũ cán bộ nước ta. Đó là việc một bộ phận cán bộ ngày nay nghĩ rằng, làm cán bộ như làm phong trào, lấy chuyện xướng ca, đàn đúm, lễ lạt làm hoạt động nổi bật của bộ máy chính quyền.

Và tất nhiên, Đồng Thái không phải nơi duy nhất mà trụ sở cơ quan dùng để nuôi những “chúa Chổm” như thế! Năm trước, Thành ủy Bạc Liêu, Cà Mau, cũng là trường hợp tương tự.

Như vậy đủ thấy lâu nay, “tư duy nhiệm kỳ” đã tàn phá khủng khiếp xã hội như thế nào. Tư duy ấy không chỉ làm hại cho dân, thiệt cho nước mà làm suy yếu cả thể chế lẫn chế độ. Với “tư duy nhiệm kỳ”, một số cán bộ đương nhiệm đã “bày ra cả một đống rác” khiến người nhiệm kỳ sau phải ra sức dọn dẹp. Có khi, họ dọn đến hết nhiệm kỳ của mình rồi vẫn chưa thể giải quyết nổi “đóng rác” của người cũ.

Cho nên, có ý kiến rằng, để giải quyết “tư duy nhiệm kỳ”, trước khi trông chờ vào lương tâm, đạo đức của cán bộ thì phải có những quy định chặt chẽ về “trách nhiệm nhiệm kỳ”.

Còn nhớ, đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có lần thẳng thắn đề nghị Thanh tra Chính phủ cần ra những quy định: Trước lúc về hưu 3 tháng hay 6 tháng, cấm những cán bộ có thẩm quyền ký bổ nhiệm, đề bạt.

Đồng thời, ông cũng đề xuất cấm những cán bộ trên không được ký những dự án đầu tư với tiền ngân sách từ 10 tỷ trở lên.

Và quan trọng hơn hết, thiết nghĩ, chúng ta cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa về sự ràng buộc trách nhiệm của cán bộ với những gì mà họ đã làm trong nhiệm kỳ của mình. Nói chính xác hơn, nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực thì dù người đó đã “hạ cánh” khỏi nhiệm kỳ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân.

Bởi chỉ khi người ta phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm thì khi đó mới mong dẹp bỏ được lối “tư duy nhiệm kỳ, làm gì cũng được, an toàn hạ cánh là xong” vốn đang phổ biến hiện nay!
                                                                               Hoàng Lãm

No comments:

Post a Comment