Nguyễn Đăng Ninh
Đèn tín hiệu giao thông (Kỳ 1)
Tiền thân của chiếc đèn tín hiệu giao thông được cho là phát minh của người Anh thần thánh vào năm 1800. Ban đầu, nó chỉ là tấm biển viết chữ GO và STOP do các thầy cẩm giơ lên để điều tiết đám xe ngựa và người đi bộ. Đến năm 1868 thì những chiếc biển này được thay bằng đèn thắp bằng khí ga có hai mầu xanh và đỏ. Chiếc đầu tiên được lắp ở giao lộ George Street và Bridge street gần tòa nhà quốc hội ở London. Cấu tạo hệ thống đèn này chỉ gồm một tay đòn sắt treo 2 cái đèn và vươn ra giữa ngã tư. Tín hiệu đèn được các thầy cẩm điều khiển bằng tay. Trước khi thay đổi tín hiệu, các thầy sẽ rướn cổ thổi ba hồi còi để cảnh báo. Luật giao thông của nước Anh thần thánh hồi đó qui định rõ như sau:
Đèn xanh là được đi, đỏ là cấm đi, và khi nghe thấy hiệu còi toe toe toe thì những phương tiện ngoài khu vực ngã tư là phải dừng lại trước vạch dừng. Những phương tiện đã nằm trong khu vực ngã tư thì được đi tiếp.
Hệ thống đèn giao thông của người anh thần thánh tỏ ra không an toàn cho người điều khiển. Năm 1869, một cột đèn bị rò khí ga và phát nổ khiến hai thầy cẩm phải nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Và lúc này, các thầy cẩm người Mỹ bắt đầu lên tiếng.
Tại Mỹ năm 1912 viên cảnh sát Lester Wire đã cải tiến hệ thống đèn giao thông đầu tiên chạy bằng điện với hai mầu đèn: màu đỏ và màu xanh lá cây. Hệ thống đèn giao thông điện đầu tiên này được lắp đặt ở Cleveland. Và để cảnh báo sự thay đổi giữa hai mầu đèn, các nhân viên cảnh sát vẫn phải gân cổ lên để thổi ba hồi còi dõng dạc. Rắc rối xảy đã ra khi các phương tiện cơ giới tăng vọt, tiếng còi của cảnh sát thường lot thỏm trong tiếng động cơ xe cộ và do vậy chiếc đèn vàng ra đời như một sự tất yếu.Chiếc đèn vàng này cũng là phát minh của một thầy cẩm Mỹ.
Vào năm 1920, William Potts một sĩ quan cảnh sát Mỹ ở Detroit đã quyết định cải tiến và chế tạo ra hệ thống đèn giao thông với ba mầu là đỏ, vàng và xanh lá cây. Hệ thống đèn mới này lần đầu tiên được lắp đặt trên giao lộ giữa Avenues Woodward và Michigan tại Detroit. Một vài năm sau, loại đèn tín hiệu này đã lan ra toàn thế giới.
Ở Việt nam mặc dù luật giao thông và đèn tín hiệu cũng chả khác gì Anh hay Mỹ, chỉ khác là có những con người quí trọng từng giây. Họ quí đến nỗi nhiều khi hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy vài giây ngắn ngủi. Đối với họ,chiếc đèn vàng chỉ đơn giản là tín hiệu tăng ga. Và để đối phó với tình trạng tăng ga này, các thầy cẩm Việt nam gần đây đã quyết định tăng giá phạt.
Điều bất cập duy nhất ở đây là sự mập mờ giữa việc phương tiện nằm trong ngã tư và ngoài ngã tư ( căn cứ để phạt). Sẽ rất khó cho thầy Cẩm dưới cái nóng lóa mắt và ngã tư đông đặc nhận ra phương tiện nào cần phải phạt vì lỗi vượt đèn vàng và phương tiện nào được chạy tiếp. Chắc chắn sẽ có những vụ tranh cãi nảy lửa giữa các thầy Cẩm và người bị phạt kèm theo đó là vài clip minh họa.
Sự bất cập này sẽ được giải quyết khi toàn bộ những chiếc đèn giao thông 3 mầu kiểu 100 năm trước được thay dần bằng đèn kiểu mới chỉ 2 mầu xanh đỏ kèm đồng hồ đếm ngược. Với những chiếc đèn kiểu mới này người tham gia giao thông sẽ dễ dàng hơn khi nhận biết tín hiệu thay đổi.
Và cho tới lúc đó, khi nhìn thấy đèn vàng, bạn nên liếc gương chiếu hậu để kiểm tra trước khi đạp phanh dừng lại.
Ảnh: Potsdamer Platz in Berlin, Germany, in 1925 with the traffic light tower in the centre.Hulton Archive
No comments:
Post a Comment