Chiềng Chạ
Khoảng một tuần nay, trên nhiều trang mạng xuất hiện một bản hồi kỳ dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt của Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Viktor Maslov, chồng của Lê Vũ Anh - con gái của cố Tổng bí thư Lê Duẩn (Nguyên bản: tiếng Nga) do Cao Kim Ánh dịch năm 2015, sửa lại tháng 8-2016. Bản hồi kỳ này được trang Đông Tác Giao Lưu đăng tải lần đầu tiên với sự đồng ý của dịch giả và sau này được nhiều trang tin, blog đăng tải lại. Xem toàn bộ Hồi ký tại đây.
Có thể tóm tắt bản hồi kỳ này qua một câu ví von của nhiều người khi đã đọc qua như "mối tình ngang trái Việt Nga", "cuộc hôn nhân đầy sóng gió của Lê Vũ Anh" hay "Mối tình lãng mạn và bi thảm giữa Maslov và Lê Vũ Anh ( con gái của Lê Duẩn ) có thể được ví là Romeo và Juliet thời hiện đại "(mối tình bị cấm đoán). Ngoài ra, trong bản Hồi ký cũng nêu lên một số vấn đề mà dù xét trên bất cứ khía cạnh nào cũng không lấy làm tốt cho gia đình của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Rằng, do không đồng ý việc con gái (bà Lê Vũ Anh, người được Cố tổng bí thư dành rất nhiều tình cảm và sự quan tâm) với viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Viktor Maslov do đây là một người nước ngoài, khác dòng máu; và cũng vì vấn đề này nên một số kẻ đã cho rằng "Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã bán rẻ con gái mình để kết giao, thăng tiến chính trị trong bối cảnh Liên Xô còn rất mạnh". Từ những lí do này nên sau cái chết của vợ khi sinh con trai thứ ba (Anton), hồi ký của Viktor Maslov đã đặt ra câu hỏi: "Lê Vũ Anh, con gái ông Lê Duẩn, bị đầu độc?". Và dù chưa có bất cứ cứ liệu nào để khẳng định về điều này nhưng nó ít nhiều đã làm xấu hình ảnh, danh dự của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn (Nhiều người đã đặt ra nghi ngại có hay không chuyện Lê Duẩn bí mật đầu độc chính con gái của mình để tránh những điều tiếng xấu cho bản thân????).
“Tôi mơ thấy một luồng sáng: người ta đã đầu độc Vũ Anh. Tôi chia sẻ phỏng đoán với các bác sĩ. Họ không loại trừ khả năng ấy, nhưng cho rằng các vết xanh-đỏ trên da có thể xuất hiện trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng. Sau đó nhiều năm, khi nằm điều trị tim tại một bệnh viện tim mạch tôi quan sát thấy người ta đã tiêm geparin cho các bệnh nhân để làm loãng máu, và trên người họ cũng xuất hiện những vết đúng như thế. Theo quan điểm của tôi đã xuất hiện thêm một phương án khả tín: việc chảy máu là do tác động cố ý, bằng cách tiêm thứ thuốc đó. Không phải tự nhiên Vũ Anh đã linh cảm thấy tai họa. Và máu đã chảy cạn … Trong đám tang bà mẹ đau khổ đến mất trí. Bà ấy nói rằng cha của Vũ Anh đã giết con và muốn giúp đỡ tôi – đưa bọn trẻ về Việt Nam”.
Chưa hết, hồi ký của Viktor Maslov cũng đề cập tới mối quan hệ không được tốt giữa chính ông, các con với bà mẹ của bà Lê Vũ Anh sau khi bà Lê Vũ Anh mất và đứa con út của bà Lê Vũ Anh được đưa về Việt Nam nuôi dưỡng (Anton quay về Nga khi mới lên 4 tuổi).
Phản ứng trước điều này mới đây nhất, Hồ Thanh Bình (fb Hồ Thanh Bình), người được biết đến là con trai GSTS Hồ Ngọc Đại và bà Lê Tuyết Hồng (con gái thứ của cố TBT Lê Duẩn với bà vợ đầu bà Lê Thị Sương (25 tháng 12 năm 1910 - 6 tháng 8 năm 2008) đã lên tiếng.
Sau lời đề dẫn: "Mấy ngày qua tôi hay được tag vào bản dịch hồi ký của ông Maslov về mối tình của ông ấy với dì tôi Lê Vũ Anh. Theo nhận thức của tôi lúc còn bé về sự việc, cũng như những câu chuyện của mẹ với các dì và các cậu trong nhà thì sự kiện này không hề li kỳ như trong bản hồi ký của ông Maslov. Có điều ly kỳ duy nhất mà mẹ tôi kể nhiều lần về dì Vũ Anh là: Có lần đang đi trên đường ở Moskva, có 1 bà Gipsy tự nhiên nhìn vào dì và phán: “cô sẽ chết trẻ đấy”. Hết!
Còn chuyện tình của bà với ông viện sĩ Nga kia là chuyện tình đẹp và cảm động. Nhưng nó sẽ thật sự là chuyện tình đẹp nếu mọi người biết về sự thật vốn có của nó". Bình đã trích lại nguyên vẹn bài ghi chép của Thảo Nguyên (báo ANTG) trong cuộc trao đổi với TS Lê Kiên Thành (cậu ruột của Hồ Thanh Bình) như một minh chứng cho thấy những nội dung được chuyển tải trong Hồi ký của Viktor Maslov là không đúng sự thật. Đồng thời, đoạn chia sẻ của TS Lê Kiên Thành cũng đã chia sẻ thêm cho những ai quan tâm về một nhân cách người cha ngời sáng trong con người của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn:
"CHUYỆN TÌNH CỦA CON GÁI TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN VỚI VIỆN SĨ KHOA HỌC NGA.
1. Khi còn bé, tôi và em trai không bao giờ thực sự hiểu được lý do mình phải xa mẹ. Trong trí óc non nớt của mình, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng tôi phải sống với ba vì mẹ đi công tác xa. Nhưng chị tôi Lê Vũ Anh thì sớm hiểu hết tất cả những điều đó. Vì nhạy cảm, chị cũng rất dễ tổn thương nếu có ai đó nhắc đến nối đau riêng của mình. Ba tôi yêu chị Vũ Anh bằng một tình yêu rất đặc biệt.
Ông yêu đứa con gái đã sớm cảm nhận được nối đau gia đình. Trong khi tôi thường bị mắng và đòn roi mỗi khi mắc lỗi thì ba tôi luôn cư xử với chị Vũ Anh rất đối dịu dàng. Khác với tôi, không biết phải nói gì với ba mỗi khi ngồi cũng nhau, chị Vũ Anh có thể ngồi trò chuyện với ba nhiều tiếng đồng hồ không chán. Và ba tôi cũng luôn lắng nghe chị một cách kiên nhẫn và say sưa.
Ba tôi dành rât nhiều kỳ vọng cho chị Vũ Anh. Ông luôn tin chị tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao sau này. Chị tôi là học sinh giỏi văn miền Bắc và được kết nạp Đảng từ năm lớp 10. Tôi nhớ mãi một lần, khi đón chị em tôi trở về từ nới sơ tán, phút đầu gặp gỡ ba tôi ôm chầm lấy chị Vũ Anh đầy trìu mến và thốt lên: “Chào người đồng chí của tôi”. Nhưng sau khi học xong chị VŨ Anh lại xin phép ba tôi vào miền nam chiến đấu. Điều đó khiến ông giận dữ vô cùng. Ông nói: “Chiến trường gian khổ thế nào con biết không? Đường vào chiến trường vất vả thế nào con biết không? Ba chỉ sợ con sẽ làm vướng chân người khác ngày khi bắt đầu hành quân. Con hãy đi học và đem những kiến thức con học được về đây cống hiến cho đât nước này”.
Chị tôi chỉ nặng hơn 30kg khi đó. Và lần đầu tiên trong đời ba tôi từ chối chị Vũ Anh một điều gì đó. Chiều hôm đó, tôi thấy chị Vũ Anh chạy khỏi phòng làm việc của ba trong nước mắt. Đó là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến chị bị ba mắng. Và rồi chị sang Liên Xô học, nơi chị gặp, yêu và kết hôn với Victor Maslov, trong câu chuyện đầy bi kịch sau này.
2. Maslov hơn chị tôi 20 tuổi, là một nhà khoa học thiên tài với trí tuệ siêu việt nhưng cũng hết sức lập dị. Từ nhiều năm trước, khi Liên Xô còn là một cường quốc khiến nhiều quốc gia phương Tây nể sợ, Maslov đã dùng những thuật toán về bất cân bằng để chứng minh với tôi, rồi xã hội này sẽ khủng hoảng và sụp đổ trong nay mai. Phải sau này, khi chứng kiến dòng chảy lịch sử xảy ra đúng như thế, tôi mới hiểu Maslov là một thiên tài. Còn khi đó, tôi chỉ nghĩ ông ta là một kẻ phản động.
Maslov cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi ở Nga được thằng từ tiến sĩ lên viện sĩ (bỏ quan chức danh viên sĩ thông tấn). Nhưng Maslov cũng rất “điên” Maslov có cách nghĩ và hành vi rât khác với người thường. Thay vì cho con cái của mình đến trường để chúng thích nghi với xã hội và có điều kiện giao tiếp, ông ta chỉ để con quanh quẩn ở khu nhà ngoại ô và mời các gia sư về dạy. Maslov cũng luôn bị ám ảnh một điều: Luôn có âm mưu nào đó từ Việt Nam đe dọa sự an nguy của ông ta và các con. Nên có lần, khi chúng tôi đến thăm các cháu, Maslov đã dùng máy dò phóng xã để kiểm tra chúng tôi , đề phòng bị hãm hại.
Nhưng có lẽ, chính cái vẻ vừa thiên tài, vừa lập dị đó của Maslov đã lôi cuốn chị Vũ Anh và khiến chị mê đắm. Chị Vũ Anh cũng là người mà trong sâu thẳm, luôn cất giấu sự nổi loạn ngấm ngầm. Chị tôi hiểu hoàn canh của mình, hiểu xuất thân của mình, nên đã tìm mọi cách để cưỡng lại tình yêu đó, thậm chí kể cả việc kêt hôn với người bạn học mà chị không yêu. Nhưng cuối cùng chị tôi đi theo tiếng gọi của trái tim. Chị li dị với người chồng đầu tiên một cách bí mật, bí mật có con, bí mật đăng ký kết hôn với Maslov rồi mới báo tin cho ba tôi biết.
Tất nhiên ba tôi giận dữ và phản đối cuộc hôn nhân đó. Thực ra, khác với với nhiều gia đình lãnh đạo khác ở Hà Nội, ba tôi chưa bao giờ yêu cầu hay chỉ định con cái mình phải kết hôn với người này, người kia. Ông cũng chưa bao giờ đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối. … Khi chị Muội (Lê Thị Muội) kết hôn với với một người mà gia đình xuất thân là quan lại triều Nguyễn, cơ quan nơi chị công tác đã phản đối cuộc hôn nhân đó, lại là ba tôi đã phải gặp rât nhiều người để xin cho chị được kết hôn với người mình yêu.
Nhưng cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh là chuyện hoàn toàn khác. Ba tôi chưa từng hình dung sẽ có một người con rể nước ngoài, và sẽ có những đứa cháu có dòng máu chỉ có một nửa Việt Nam. Tôi nhớ có lần, nhìn con tôi và con chị VŨ ANh chơi với nhau, tôi chợt nghe ông nói một mình: “Người Việt Nam đẹp thật”. Tôi hiểu ông, và thấy nhói đau một tình yêu với ông và cả với chị mình. Nhưng ông cũng không vì thế mà dung quyền lực của mình để ngáng trở tình yêu của chị tôi. Điều duy nhất ông làm là chấp nhận sự lựa chọn của con gái mình.
Và sau này, mỗi khi ông sang Moskva, ông vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc mỗi lần được gặp chị tôi và các cháu. Tôi vẫn nhớ năm 1977, tôi gặp ba khi ở trở về từ Moskva sau khi chị VŨ ANh thông báo kết hôn, ông chỉ nói: “Có lẽ phải 5-10 năm nữa, người ta mới chấp nhận cuộc hôn nhân của chị con”. Đó cũng là năm mà quan hệ Việt Nam –Trung Quốc trở nên căng thẳng. Mỗi khi gặp ba, tôi luôn cảm nhận được những gánh nặng khủng khiếp đang đè nặng lên vai ông.
Và cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh với Maslov, vào đúng thời điểm đó, cũng gây cho ba tôi nhiều khó khăn và áp lực. Một số người có suy nghĩ không tốt đã nói rằng: Ông Lê Duẩn vì muốn kết thân với Liên Xô đã bán con gái mình…
Thú thật, tôi đã từng rât giận chị Vũ Anh mỗi khi nhìn ba. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao chị tôi làm thế, tại sao lại là đúng lúc này, khi ba tôi phải đối diện với ngần đó khó khăn? Nhưng ba tôi quá mạnh mẽ và vững vàng để ai đó có thể gây áp lực hay khiến ông suy sụp chỉ vì cuộc hôn nhân của chị tôi. Cho nên, sẽ thật phi lý nếu ai đó nghĩ rằng chị tôi đã chết vì một âm mưu chính trị nào đó. Sẽ thật nực cười và ngu ngốc khi có ai đó nghĩ rằng, ba tôi hi sinh tính mạng của con gái mình vì lợi ích chính trị của ông. Sẽ thật bất công nếu ai đó nghĩ rằng một người cha có thể làm điều gì ảnh hưởng đến sự an nguy của con mình, dù là vì lý do gì chăng nữa
Sự thật rât đỗi đơn giản: Chị tôi đã qua đời vì băng huyết, ngay khi sinh người con thứ 3 Anton. Chị tôi qua đời, vì không một bác sĩ nào ở bệnh viện khi đó dám mạo hiểm quyết định việc phẫu thuật cho chị, bởi họ biết chị tôi là con gái của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam. Lúc đó chị tôi rơi vào tình trạng hiểm nghèo, người ta đã gọi các bác sĩ đầu ngành đến bệnh viện nơi chị tôi đang nằm cấp cứu sau sinh để hội chẩn. Nhưng chị Vũ Anh đã qua đời trước khi họ kịp đến. Chị tôi qua đời vì sự cẩn trọng thái quá của những người biết chị tôi là ai, chứ không phải vì bất cứ âm mưu chính trị nào đằng sau đó.
3. Sau khi chị Vũ Anh mất, Maslov một mình nuôi ba đứa con nhỏ. Anton đứa con út của chị, chỉ vừa mới lọt lòng đã mồ côi mẹ. Mẹ tôi sang Moskva đưa bình tro của chị Vũ Anh về Việt Nam. Bà đến thăm Maslov cũng các cháu ngoại và gần như khóc nghẹn khi chứng kiến Maslov nuôi ba đứa cháu ngoại của bà. Bà không thể có niềm tin vào việc một người đàn ông làm khoa học, sống cẩu thả và có phần điên rồ có thể nuôi được 3 đứa trẻ mà đứa lớn thứ nhất chưa đầy 4 tuổi. Và bà đã tha thiết được nuôi đứa cháu nhỏ nhất cho đến khi nó cứng cáp. Đó là lý do Anton được mẹ tôi đưa về Việt Nam nuôi.
Tôi không biết vì sao Maslov viết trong hồi ký rằng ông đã bị cướp mất đứa con của mình và đã phải tính đến đến chuyện tạo ra cả scandal chính trị để giành lại Anton. Trong khi sự thật là mối quan hệ của chúng tôi vẫn bình thường và tốt đẹp hơn nhiều so với những gì mà nhiều ngừơi đọc được. Sau khi Anton về sống với chúng tôi ở Việt Nam, có lần tôi qua lại Moskva và đến thăm Maslov, ông ta đã nói với tôi rằng: “ Thành, có lẽ cũng là may mắn khi mẹ giúp chúng tôi nuôi Anton. Vì quả thật tôi không biết phải xoay sở thế nào với 3 đứa trẻ”.
Cũng như bao nhiêu người khác luôn thương nhớ con mình, Maslov thường hỏi: “Bao giờ mẹ sẽ đưa Anton quay lại với chúng tôi?”. Và khi về Việt Nam tôi đã nói với mẹ: “Mẹ sẽ già đi và mẹ không thể giữ đứa bé mãi, nó phải sống bên cạnh cha và các chị nó, những người ruột thịt nhất của nó”. Bà yêu Anton vô cùng và không rời cháu ngoại của mình nửa bước từ khi bà đón thằng bé về Việt Nam. Và vào năm Anton 4 tuổi, bà đồng ý đưa Anton sang Liên Xô với Maslov chỉ với một điều kiện mà bà bắt Maslov phải tuân thủ: Anton nhất định phải được đưa đi nhà trẻ, chứ không sống cô lập trong ngôi nhà ngoại ô. Mẹ tôi, đã cùng Maslov và Anton chụp chung 01 bức ảnh mà đến giờ bà vẫn còn giữ. Họ thực sự không hề ghét bỏ nhau.
Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì số phận đã sắp đặt chúng tôi là một gia đình, và người gắn kết không ai khác chính là chị tôi Lê Vũ Anh. Vì tình yêu với chị Vũ Anh, chúng tôi vẫn phải yêu thương nhau và cùng nhau dành những gì tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ".
Bên cạnh việc đoạn ghi chép đã thể hiện gần như toàn bộ những gì cần nói, cần thanh minh của gia đình cố Tổng bí thư Lê Duẩn với những gì đã được nói ra trong hồi ký của Viktor Maslov thì tôi thực sự bị ám ảnh bởi câu cuối cùng được TS Lê Kiên Thành nói ra: "Đoạn hồi ký trên mạng lưu truyền trong những ngày qua đã chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của gia đình tôi. Nhưng tôi coi đây cũng là dịp để một lần duy nhất chúng tôi nói về những điều riêng tư mà chúng tôi chưa từng nói". Đấy có thể xem là lí do tại sao không phải ai trong gia đình cố Tổng bí thư Lê Duẩn lên tiếng về bà Lê Vũ Anh mà họ chỉ nói ra, chia sẻ khi sự thật bị méo mó, hiểu nhầm!
No comments:
Post a Comment