2016/08/26

Câu nói hay của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Mõ Làng


Tại cuộc họp triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TPHCM hôm 24/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nói một câu nói hay với lãnh đạo 32 tỉnh và thành phố khu vực phía Nam: “Cán bộ công chức nhũng nhiễu mà xem xét kỷ luật theo đúng quy trình thì lâu lắm, vì thế trước khi nói đến việc xem xét kỷ luật thì tốt nhất là cho nghỉ việc và thay thế, chuyển cán bộ nhũng nhiễu đi làm việc khác rồi cho ngồi đó mà suy nghĩ về cái ghế của mình”.
Chân dung Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Nguồn: Internet). 

Bấy lâu nay cụm từ “đúng quy trình” đã trở thành thành ngữ trong tiếng Việt khi ai đó phải trả lời những nghi vấn sai phạm hoặc để nhạo báng đội ngũ công bộc của dân đang lấp liếm sai phạm khó chối cãi. Quy trình là nơi bấu víu như là một cứu cánh.

Quả thật, bấu víu vào “quy trình” đã giúp nhiều quan chức thoát hiểm ngoạn mục. Chí ít thì để câu giờ, để tìm ra chỗ sai của quy trình thì phải có thời gian. “Lâu thì phân trâu hóa bùn”, dư luận lắng xuống, sự kiện khác nóng hơn lấn át sự chú ý, lợi ích nhóm chi phối, vậy là đâu lại vào đấy.

Ở xứ ta “quy trình” nhiều lắm, cái nọ chồng lên cái kia, đôi khi triệt tiêu nhau khiến công lý không có lối đi. Phát biểu cay đắng của tướng Minh Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh về chuyện không được điều tra đảng viên là một ví dụ điển hình về lực cản của “quy trình”. Nếu phát hiện đảng viên có dấu hiệu phạm pháp thì “quy trình” điều tra là phải báo cáo với Đảng về sai phạn để Đảng kiểm tra, kỷ luật về đảng trước rồi mới khởi tố!

Khối anh công bộc của dân đã thoát hiểm ngoạn mục nhờ biết trước thông tin mà chạy, mà lách luật, mà đối phó làm khó khăn cho công tác điều tra. Trả lời chất vấn tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói, chống tham nhũng mà nóng vội, công khai là nó chạy.

Sự thật là rất nhiều lĩnh vực hoạt động của bộ máy chính quyền đã và đang bộc lộ những nhũng nhiễu bị báo chí và dư luận lên án song, nước chảy bèo trôi, đá ném ao bèo cứ lặp đi lặp lại khiến dân chúng mất niềm tin. Chuyện Hải quan nhũng nhiễu khách hàng, “bóng dáng” Hải Quan phía sau những đường dây buôn lậu; Chuyện Kiểm Lâm nối giáo cho lâm tặc; Chuyện Cảnh sát Giao thông mãi lộ; Chuyện Thuế vụ ăn chia với thương gia; Chuyện chính quyền sở tại chối bay trách nhiệm quản lý địa bàn… vẫn như căn bệnh nan y vô phương cứu chữa là nhờ cái khiên “quy trình”.

Hãy nhìn vào một vụ cụ thể của ông Trịnh Xuân Thanh để đủ thấy lực cản của “quy trình” ghê gớm đến mức nào. Từ khi bị phanh phui đến nay đã hơn 3 tháng rồi nhưng vẫn u u minh minh. Đến cả cái hình thức kỷ luật về đảng đối với ông Thanh vẫn chưa có thì các bước tiếp theo của “quy trình” sẽ đến bao giờ?

Vậy nên, ông Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rất trúng, đừng chờ “quy trình” mà hãy dùng quyền lực quản lý mà xử lý rốt ráo vấn đề: “tốt nhất là cho nghỉ việc và thay thế, chuyển cán bộ nhũng nhiễu đi làm việc khác” cái đã, chuyện “quy trình” tính sau. Nếu thực hành như vậy thì giá trị giáo dục, răn đe sẽ rất tốt mà được việc, được lòng dân. Được lòng cả ai đó khi đề cao tính thận trọng, khách quan trong xử lý cán bộ.

Phó Thủ tướng cũng đã gợi ý với lãnh đạo 32 tỉnh thành phía Nam rằng: “Ở Chính phủ, Thủ tướng thành lập Tổ giám sát kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng và công bố công khai hàng tháng, để khắc phục tình trạng trên bảo dưới không nghe, vì vậy các tỉnh và thành phố cũng nên làm như vậy”.

“Vua không nói chơi”, nguyên thủ quốc gia đã cho “ý chỉ” mà các đầu lĩnh nghành, địa phương không thực hiện thì đấy là “trên bảo dưới không nghe”. Chuyện hôm qua là trong lĩnh vực đầu tư nhưng nó cũng là vấn đề nóng của phong cách cán bộ. Hy vọng, cung cách quản lý mới sẽ chuyển động.

No comments:

Post a Comment