2016/08/23

Đã đến lúc cần điều chỉnh sự biến tướng của tổ chức Công đoàn!

Mẹ Đốp

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Kim Yến trả lời về vấn đề đình công - Ảnh: Báo Tuổi trẻ. 

“Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?”. Đó là câu hỏi được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đặt ra trong quá trình chất vất chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM tại buổi làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận sáng 23-8/2016. 

Trước câu hỏi hết sức bất ngờ của Bí thư Đinh La Thăng, bà Trần Kim Yến, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đã thẳng thắn trả lời: "Chưa bao giờ!”. 
Cũng xin thông tin thêm là sở dĩ Bí thư Đinh La Thăng đặt ra câu hỏi này với người đứng đầu Liên đoàn Lao động TP.HCM bởi đây là cuộc làm việc giải quyết một vấn đề trọng tâm bấy lâu nay đang diễn ra ở nhiều khu công nghiệp, chế xuất có mặt trên địa bàn TP là vấn đề nhà ở và đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống của công nhân. Và để giải quyết bài toán này, bên cạnh sự cố gắng của chính bản thân công nhân, người lao động, sự hỗ trợ về mặt chính sách của chính quyền thì vai trò của Liên đoàn Lao động TP.HCM có một ý nghĩa then chốt và quan trọng. 

Câu hỏi đặt ra và đã được cụ thể hóa qua câu hỏi của Bí thư Đinh La Thăng chính là việc liên đoàn Lao động đã thực hiện hết chức trách của mình chưa? Họ đã tổ chức cho công nhân đình công, phản đối chủ các doanh nghiệp chưa khi điều kiện lao động, thu nhập chưa tương xứng với công lao động họ đặt ra? 

Có lẽ phải thừa nhận luôn, đây là một vấn đề không quá mới trong bối cảnh làn sóng đầu tư bên ngoài vào Việt Nam tương đối nhiều; chủ doanh nghiệp các nước tư bản quan tâm nhiều về lợi nhuận mà không coi trọng vấn đề chăm lo đời sống của công nhân, người lao động. Và để buộc doanh nghiệp phải thực thi các cam kết như đã hứa trước khi vào đầu tư, ký kết hợp đồng tuyển dụng, vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn lao động là rất lớn. Tuy nhiên, câu hỏi của Bí thư Đinh La Thăng và câu hỏi của bà Chủ tịch liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh một lần nữa cho thấy họ chưa thực sự mạnh dạn thực hành chức trách của mình mặc cho đây là một vấn đề được pháp luật bảo hộ!

Trên thực tế, đã có những cuộc đình công trên quy mô tương đối lớn, kéo dài trong nhiều ngày. Đa phần các cuộc đình công này cũng được hình thành trên cơ sở tự phát, nhưng đặc điểm lớn nhất chúng ta có thể thấy là phần lớn những yêu cầu sau khi tổ chức đình công đã được chủ doanh nghiệp giải quyết. Vậy thì liệu tổ chức Công đoàn đang gặp khó khi sợ hoạt động đình công biến tướng, sinh ra nhiều hệ lụy dẫn tới việc chưa mạnh dạn hay có lí do nào khác?

Lí giải điều này, một số ý kiến đã cho rằng, Công đoàn mặc dù là một tổ chức đại diện cho công nhân, người lao động nhưng họ lại được chủ doanh nghiệp trả lương để hoạt động. Việc bị ràng buộc về mặt quyền lợi cũng như tâm lý "ăn cây nào rào cây ấy" đã khiến họ vô tình lãng quên mất chức năng của mình, thậm chí thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động thì họ lại quay sang gỡ rối, đứng về phía giới chủ doanh nghiệp mỗi khi có đình công.

Căn cứ vào lí giải này thì đã đến lúc tổ chức Công đoàn hiện tại cần được thay thế bởi một hình thức mới với những cơ chế không quá phụ thuộc vào doanh nghiệp và giới chủ. Họ cần được hưởng lương và chịu giám sát của công nhân, người lao động, thực thi nhiệm vụ trên cơ sở quy định của pháp luật! Điều chỉnh sự biến tướng của tổ chức Công đoàn vì thế là một yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đất nước đang tiến lên Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

No comments:

Post a Comment