2016/07/26

VỀ "KÝ SỰ SYRIA: GÓC NHÌN TỪ PHÍA TRONG CUỘC CHIẾN" CỦA NỮ NHÀ BÁO LÊ BÌNH


"Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" là bộ phim tài liệu phát sóng trong khung giờ VTV đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam, do ê-kíp phim của Trung tâm Tin tức VTV24 gồm nhà báo Lê Bình, quay phim Ngọc Phức và hai phóng viên Vân Anh, Phương My thực hiện. Phóng sự được phát vào tối 23/7 đã thu hút sự chú ý, tranh cãi của cộng đồng, có nhiều ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thì gay gắt cho rằng, ekip VTV24 đang "pr thái quá", còn luồng ý kiến khác thì cho rằng, phóng sự này là một sản phẩm báo chí "đáng nể" vì có sự dấn thân vào nguy hiểm - vùng rốn của chiến tranh Syria. 

Những ý kiến gay gắt khi cho rằng, ekip của VTV24, trong đó có nhà báo Lê Bình đang "pr thái quá", trang phục chưa phù hợp, "diễn" hơi nhiều... Vietnamngayvexin có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, chiến sự tại Syria không còn xa lạ gì đối với công chúng Việt Nam khi mà ở đây, ngày đêm vẫn không ngớt tiếng đạn bom, tiếng kêu cứu, tuyệt vọng của những con số thương vong, tội ác của IS... Trong ekip VTV24 đến Syria thực hiện phóng sự trên chỉ duy nhất người quay phim là con trai, còn 3 phóng viên còn lại là nữ. Tuy nhiên, những ý kiến đang soi mói, phán xét và "cười mỉa" nội dung và hình ảnh của phóng sự này thì ít mà tập trung bới móc vào nhà báo Lê Bình - dẫn chương trình và là Giám đốc của VTV24. Phóng sự dài hơn 30 phút, ghi nhận về hậu quả của 05 năm nội chiến tại Syria, khói đạn chiến tranh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng vô tội, tàn phá các thành phố - trước đây vô cùng trù phú và xinh đẹp, có lịch sử ngàn năm... Nguy hiểm, thiếu thốn và tạm bợ...là những gì người dân Syria đã, đang và sẽ trải qua - đó là những gì mà ekip chương trình đã thể hiện sinh động và chân thực nhất trong bộ phim tài liệu đặc biệt này. 
Nữ nhà báo Lê Bình cùng nhóm làm phim tại Syria (Nguồn: VTV24)

Khi trực tiếp chứng kiến những đau thương, mất mát, những cảnh tượng rùng rợn, vô nhân đạo của IS qua lời kể của người dân địa phương thì việc không ngăn được những giọt nước mắt cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, đã là "Ký sự Syria" thì phản ánh chân thực nhất những gì đang xảy ra nơi đây. Nếu nói nhà báo Lê Bình khóc trong khi đang phỏng vấn nhân vật là "diễn" thì thử hỏi rằng, trong các loại hình như báo in, báo mạng điện tử...khi viết về những đề tài như các hoàn cảnh khó khăn...thì phải dùng câu chữ để diễn tả được sự khó khăn như thế nào của nhân vật, để lấy sự thương cảm, nước mắt của bạn đọc, để đạt được mục đích đó là: Được nhiều Mạnh Thường Quân giúp đỡ các mảnh đời khó khăn, mà ở đây là nhân vật trong bài viết của phóng viên. Ví dụ như: "Tôi đau xót khi thấy mẹ con cô A. đang vật lộn sau song sắt với ánh nhìn hoang hoải..."

"Tôi đau xót" trong các loại hình như báo in, báo mạng...là cách thể hiện chủ quan trong bài viết, còn truyền hình thì dễ dàng hơn, ngoài thể hiện câu chữ qua lời nói thì chủ yếu là qua hình ảnh. Vậy nên, việc nhà báo Lê Bình khóc khi đang phỏng vấn nhân vật là điều bình thường, chứ không phải là "diễn". Công chúng hãy cứ đặt mình vào vị trí của Lê Bình khi ấy, liệu có cầm nổi nước mắt hay đứng vững để tiếp tục nghe câu chuyện đầy bi thương của nhân vật hay không? Không phủ nhận rằng, nhà báo thì phải "có quả đầu nóng và trái tim lạnh", tuy nhiên, trước khi làm nhà báo thì Lê Bình là con người bình thường như bao người khác, đặc biệt là nữ giới thì việc rơi nước mắt khi phỏng vấn nhân vật là điều tự nhiên.

Thứ hai, về trang phục của nhà báo Lê Bình khi dẫn tại hiện trường Syria. Nhiều ý kiến cho rằng, phóng viên chiến trường phải có trang phục bảo hộ kỹ càng để tránh đạn, bảo vệ tính mạng vì chiến trường là vùng nguy hiểm, các bên sẽ không phân biệt được nếu phóng viên không có gì khác biệt để phân biệt. Và những ý kiến này lấy những tên tuổi phóng viên chiến trường các nước Mỹ, Anh, Pháp...ra để so sánh. Tuy nhiên, có lẽ đang có sự hiểu nhầm ở đây. Ekip của nhà báo Lê Bình đến hiện trường Syria để làm "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến", những địa điểm mà ekip đặt chân không phải là nơi đang xảy ra giao tranh, các cuộc đấu súng đang nổ ra. 

Những cảnh quay về các cuộc đấu súng, chết chóc, trên màn ảnh tivi đều gắn chữ"tư liệu", vì vậy, về việc trang phục của Lê Bình cùng ekip không đáng để bàn vì ekip này không thực hiện Ký sự ngay tại cuộc chiến đang xảy ra. Không phủ nhận trang phục của ekip VTV24 đang đơn giản quá, không mặc đồ bảo hộ - thứ mà mỗi phóng viên chiến trường nên có để tránh bom đạn của các bên tham chiến, nhưng dù sao nỗ lực, sự dũng cảm của họ cũng nên được trân trọng, bởi hiểm có thấy phóng sự nào của VTV được thực hiện từ vùng chiến sự như vậy. 

Thứ ba, những ý kiến mỉa mai Lê Bình cùng ekip VTV24 rằng, ngay tại Việt Nam đang đầy rẫy những điểm nóng, những vấn đề gây "bức xúc", "nhức nhối"...thì tại sao không làm, lại tốn kém tiền bạc sang Syria để "diễn" như vậy?! Về ý kiến này, tôi xin phép dùng cụm từ "thiểu năng trí tuệ" cho những ý kiến nào nói như vậy. Tại sao?

Có lẽ, những ý kiến này không bao giờ theo dõi truyền hình. Ví dụ điển hình, cụ thể, đó là chương trình như "Nói không với thực phẩm bẩn" được phát trên VTV1 vào buổi tối hàng ngày thực sự đã gây tiếng vang, giúp những chị em nội trợ trong gia đình nói riêng và mọi người nói chung nhận biết được các loại thực phẩm bẩn, tránh mua phải nó, gián tiếp giúp các gian thương tiêu thụ sản phẩm bẩn. Mỗi ngày một phóng sự về những địa điểm làm thực phẩm bẩn, những chủ lò mổ...đều được các phóng viên VTV24 không quản ngại nguy hiểm tới tính mạng và tài sản (vì nếu bị phát hiện sẽ bị các chủ lò mổ...đập phá tài sản để huỷ hoại bằng chứng, đánh phóng viên vì đã can thiệp, gây ảnh hưởng tới việc buôn bán hái ra tiền của họ), phản ánh những hình ảnh chân thực nhất tới công chúng. Rồi những phóng sự điều tra lao vào hang ổ của lâm tặc khi thực hiện phóng sự "Lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng tại Đắc Lắk"; Vạch mặt bản chất đa cấp của Liên kết Việt...

Đưa tin, hình ảnh chân thực nhất ở Syria để công chúng ngoài đọc báo qua các bài dịch theo các trang tin nước ngoài thì nay, được xem để hiểu hơn, sâu sắc hơn hậu quả của cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đau thương, mất mát, hoang tàn...là những nỗi đau không chỉ người đã khuất mà những người ở lại cũng không bao giờ nguôi. Để chúng ta biết quý hơn, trân trọng hơn những giây phút, bầu trời trong lành, hoà bình của đất nước cong cong hình chữ S mang tên Việt Nam này. Để đám người luôn núp bóng dưới danh nghĩa "dân chủ" dành thời gian để dằn vặt, tự vấn bản thân về những hành động chống phá chính trị, sự an yên của đất nước này chỉ vì những đồng tiền Đôla bẩn thỉu của các tổ chức phản động, các thế lực thù địch kích động. 

Điều đáng nói ở đây, đám đông đang tập trung vào bới móc, phán xét vào ekip VTV24 thì ít mà tập trung vào nhà báo Lê Bình thì nhiều, thậm chí, họ còn lôi ra lỗi của nữ nhà báo này khi đang làm MC cho chương trình "Bản tin tài chính" ra để mỉa mai, chủ yếu là đàn ông, các phóng viên "phái mạnh". Những phóng viên nam, thường được các Toà soạn ưu tiên khi tuyển dụng vì họ có sức khoẻ, sự dẻo dai để không ngại xông pha vào hiểm nguy để có những bài viết hay, chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của bạn đọc. Tuy nhiên, có lẽ, quan điểm này không bao gồm đám đông phóng viên nam đang tập trung bới móc nhà báo Lê Bình trong vụ Ký sự Syria vừa qua.

Thật xấu hổ thay, trong khi một nữ nhà báo như Lê Bình không quản khó khăn, thậm chí đến tính mạng của mình để đến chiến trường Syria, để có những bức hình, ký sự chân thực nhất phục vụ công chúng thì đám phóng viên nam này lại ngồi phì phèo điếu thuốc lá bên tách cà phê trong một quán cà phê với bản nhạc du dương nào đó hay trong phòng lạnh của Toà soạn để biên ra những bài theo thông tin trên mạng xã hội facebook hoặc lấy nguồn từ các trang tin, báo chí nước ngoài. Những bài viết, được gọi là "bài báo" với tít câu view, nội dung cướp, giết, hiếp...ra đời từ đó. Ngày qua ngày như vậy, cũng được gọi  với danh xưng phóng viên, nhà báo! Những nam phóng viên, nhà báo này vì đỡ "tốn kém" thì tại sao không xông pha vào thực tế để có những phóng sự, phóng sự điều tra về những vấn đề gây "bức xúc", "nhức nhối" ngay tại đất nước mình thay vì ngồi phòng lạnh phán xét các tác nghiệp của đồng nghiệp?

Khi đồng nghiệp của mình trực tiếp đến vùng rốn chiến tranh Syria để tác nghiệp, khi Ký sự thành công thì bị những phóng viên, nhà báo ngồi phòng lạnh, uống cà phê bới móc, "vạch lá tìm sâu" hòng dìm nữ đồng nghiệp của mình để cho "ngang bằng" hoặc phải thấp hơn mình mới hả hê. Đó là tính cách số đông người Việt: Ghen tỵ, khi thấy người khác hơn mình thì tỏ ra ganh ghét, cố dùng các chiêu trò để hạ thấp uy tín, tiếng tăm của người khác xuống, như thế mới hả hê, vui sướng.

Nhìn cách lên đồng tập thể của đám đông, đặc biệt là đồng nghiệp của nữ nhà báo Lê Bình soi mói, bới móc ekip và nội dung Ký sự, tôi cảm thấy ở trong đó không hề có thái độ xây dựng với đồng nghiệp. Nếu góp ý, phê bình cho một sản phẩm truyền hình trên tinh thần xây dựng thì không bao giờ có kiểu lôi cả cuộc đời, nhân phẩm của ekip mà đặc biệt là riêng nhà báo Lê Bình. Tại sao đám đông này không góp ý thật xây dựng trên tinh thần chuyên nghiệp? Vì ít ra, nhà báo Lê Bình cùng ekip của mình cũng đã trực tiếp đến Syria - nơi có thể đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là cái chết đến bất cứ lúc nào. May mắn là cả ekip đều an toàn trở về và họ làm nhiệm vụ của một phóng viên, nhà báo khi dựng lại những hình ảnh, câu chữ phản ánh chiến trường Syria như thế nào qua sản phẩm truyền hình mà thôi...

Đứng trước những luồng ý kiến của dư luận, đặc biệt là sự ganh tị của những nam đồng nghiệp, nữ nhà báo Lê Bình tỏ ra sự bình thản, vững vàng, bản lĩnh của một nhà báo dày dặn kinh nghiệm. Trên facebook, nữ nhà báo viết: "Ít nhất tôi cũng đã thành công trong việc lôi kéo mọi người vào xem, những người yêu quý xem thì bày tỏ tình cảm, xúc động, căm phẫn, sợ hãi và khen ngợi, những người không thích tôi thì cũng xem, thậm chí xem kỹ, thật kỹ dể moi móc...Họ sẽ có nhiều ý kiến chê bai, khuyên nhủ, chửi mắng, yêu cầu, tôi thì kệ họ, ít ra họ cũng đã có công xem"
An Chiến

No comments:

Post a Comment