Cụ chánh
Sáng cụ ra gốc đa ngồi thuốc lào vặt ngắm lúa vàng, tiện thể đong mấy em gái làng về chợ. Cụ chỉ tay ra dãy núi xa xa bảo cậu Cả, anh nhìn đây, đây là đường biên giới với Thanh Hoá kéo từ Hoà Bình về đến Kim Sơn. Đấy là phòng tuyến chiến lược nghe chửa?
Cậu Cả bảo phòng tuyến chiến lược chống lại xứ Thanh hử thầy? Cụ mới chửi tiên sư anh, chỉ giỏi xỏ lá. Chống Tàu. Xưa các vua toàn chạy vào đấy rồi tụt quần lêu lêu, bắc loa hò thách đánh. Địa hình hiểm trở chỉ có vài lối sạn đạo đi vào nên Tàu có húng hoắng mấy cũng chả ăn thua. Có đèo Tam Điệp vào Hà Trung, Rịa lên Thạch Thành và cái đường Hồ Chí Minh từ Nho Quan vào Ngọc Lặc.
Chính bởi cái sự phân chia kì vĩ ấy của tự nhiên mà châu Hoan, châu Ái ngàn năm tách biệt khỏi kinh đô lại thêm dãy Hoành Sơn trấn giữ miền biên ải phía Nam nên như thể hình thành nên tiểu quốc. Dân Thanh, Nghệ bây giờ vẫn đặc trưng tính cách vùng miền, cục bộ và thích làm cách mạng. Lê Hoàn lật đổ vua Đinh, Hồ Quý Ly lật đổ vua Trần, Lê Lợi dấy binh giành lại đất nước từ tay giặc Minh phương Bắc và gần nhất là một cụ họ Lê cũng chân mệnh thiên tử trị vì giai đoạn Y2K chối từ các thái thượng hoàng nhiếp chính.
Đổi lại triều đình Thăng Long tuy an toàn có một tiền đồn ngăn phương Nam kiêm hậu phương chống phương Bắc nhưng cứ loanh quanh thân phận tiểu quốc bó hẹp nơi châu thổ sông Hồng. Một vương quốc định hình bởi những thanh niên Nho học vừa cày ruộng vừa đánh dậm cua vừa dãi thẻ ngâm thơ lúc nông nhàn vêu vao bụng đói. Phía Bắc bởi địa hình hiểm trở cũng ngăn chặn thành công sự thôn tính và đồng hoá bởi người Kinh. Suốt tới mùa ông Cụ kháng chiến thành công, nơi này vẫn thanh khiết hoa ban, hoa mận của châu Mai, châu Mộc. Xa hơn vẳng tiếng kèn lá lả lơi đi trỉa ngô trên vách đá tai mèo. Đấy chính là vương quốc của người Mèo, người Thái, người Mông. Những vương quốc bé mọn và xơ xác không còn vai trò gì với lịch sử hiện đại. Giống như Thuỷ Xá, Hoả Xá xứ Tây Nguyên. Những vương quốc đã bị mất dấu khỏi bản đồ sau những tiếng hát con tàu đưa dân đi kinh tế mới.
Có một thanh niên sa cơ lỡ vận đã buộc phải lui về bờ Nam sông Thu Bồn. Chàng nhượng lại cả châu Ô, châu Lý cho triều đình Đại Việt để đổi lấy một nàng công chúa mà sau rốt rồi cũng bỏ trốn về Bắc theo giai. Cú xuôi Nam ấy đánh dấu sự diệt vong của Chăm Pa dù giãy dụa đôi lần rồi chạy qua đèo Cù Mông vào Phú Yên, Khánh Hoà lập thành nước chư hầu dưới triều Lê Thánh Tông.
Hơn một trăm năm sau cũng có một thanh niên thất thế khác là Nguyễn Hoàng xách gươm nhằm phương Nam chạy tót qua đèo Ngang theo lời dạy của trạng Trình: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Chuyến phượt này đã gây dựng ra triều Nguyễn với 9 chúa, 13 vua lấy Phú Xuân làm kinh đô. Từ đèo Ngang tới đèo Bạch Mã tạo thành một khu vực bố phòng quân sự tuyệt hảo. Dân vùng này nghiễm nhiên thành dân quân khu thủ đô của tiểu quốc thứ 3.
Sau cú đánh phá đẩy Chăm Pa bắn sang bên kia đèo Cả, vùng Nam, Ngãi trở thành vùng đệm kiêm hậu phương giống Thanh, Nghệ. Thế là hình thành nên một tiểu quốc thứ 4 cục bộ địa phương, nghèo xác nghèo xơ nhưng hiếu học và rặt trò chơi chữ bố láo.
Riết rồi Chăm Pa cũng diệt vong còn anh em Nguyễn Huệ thì lợi dụng đèo An Khê để làm loạn. Đấm đá toé loe khắp cả ba miền để rồi hình thành ba tiểu quốc mới của cả ba ông. Kèm theo đó là Nguyễn Ánh lang bạt kì hồ khắp Nam Kì và những hòn đá nổi mưu chí phục thù. Sự nghiệp giả thù thành công, giang sơn thu liền một mối. Sài Gòn - Gia Định vốn nơi đóng vương phủ của Nguyễn Lữ giờ thành một đô thị của người Hoa. Vô cùng hưng vượng và khác biệt. Tiểu quốc thứ 5.
Cùng với sự tiến về phía ấy, mảnh đất cực Nam được khai khẩn để thành miền Tây trù phú. Cư dân hào sảng, vui vẻ và có phần hơi thụ hưởng thiên nhiên. Cũng phải thôi, cắm xuống đất là lên xanh, thò xuống nước là đầy tôm cá thì nghĩ nhiều làm gì cho mệt. Cho đến khi mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông, người khôn của khó, dân miền này bỗng thành bê tha. Các em gái quen được nâng niu nay đói quá dạt đi muôn phương làm dịch vụ từ địa đầu Móng Cái đến tận mũi Cà Mau. Buồn như câu dạ cổ hoài lang và u ám như đời anh Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.
Cực Nam ấy có một dãy núi thiêng gọi là Thất Sơn. Nơi này có bao kì nhân, dị sĩ lên tu tập từ tinh thần cho tới thể xác. Một xứ đầy mộng mơ và thăng hoa như kiểu sống ở ngọn dừa. Dẫu gì, nó cũng góp phần hình thành nên một trung tâm tư tưởng. Một thứ thoát xác khỏi ưu phiền của tiểu quốc thứ 6.
Việt Nam hiện đại, đang được chi phối bởi tính cách 6 tiểu quốc trên và hình thành nên một bức tranh 63 tỉnh thành trong một nền kinh tế mũi nhọn mô hình quả mít. Kể ra, cứ nhằm địa hình, sông núi mà phân chia thành tám chín bang thì nhẽ lại hay ho.
P/S: cụ phê thuốc lào rồi bình loạn thế sự vậy chứ bao năm toàn ngồi ở đình làng có biết thiên hạ ra sao đâu nên đọc xong rồi thì quên mẹ đi cho nó đỡ lộn xộn.
No comments:
Post a Comment