Chiềng Chạ
Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2011-2016 trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp HĐND thành phố khóa XIV (Nguồn: Zing.vn).
Nghỉ hưu không có nghĩa đã hết trách nhiệm!Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam chưa bao giờ quyết liệt và sốt sắng đến thế. Đó là nhận định của nhiều người khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo về Kỳ họp thứ IV và thứ V của Ủy ban vào chiều ngày 11/07/2016. Theo đó, không chỉ cán bộ lãnh đạo đương chức có sai phạm bị kỷ luật (trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016) mà kể cả những cán bộ đã nghỉ hưu cũng bị xem xét trách nhiệm và chịu các hình thức kỷ luật thích đáng. Tất nhiên, đây không phải là một cái gì đó mới trong quy định về kỷ luật đảng cũng như các quy định của pháp luật đối với công tác chống tham nhũng. Nhưng nó phần nào cho thấy mức độ quyết liệt trong công tác chống tham nhũng đang gia tăng về quy mô, diện xem xét.
Điển hình cho điều này là việc "Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tiến hành quy trình xem xét xử lý kỷ luật đối với nguyên Bí thư Hải Phòng Dương Anh Điền".
Theo đó, dù không còn đảm nhận chức vụ lãnh đạo TP Hải Phòng (Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng) nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn yêu cầu xem xét, xử lý kỷ luật đối với nguyên Bí thư TP Hải Phòng Dương Anh Điền với tư cách cá nhân trong thời kỳ ông này là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2010-2015. Lí do được Ủy ban này đưa ra là: "Ban cán sự Đảng UBND Hải Phòng nhiệm kỳ 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về chủ trương nghiên cứu phương án bố trí các đài phun nước, kết hợp ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật (Dự án nhạc nước), thực hiện không đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với Dự án".
Sai phạm của ông Điền được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ trong kết luận (cùng với các cá nhân khác: ông Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP; Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP): "Vi phạm Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/4/2007 của Ban Bí thư khóa X, Quy chế làm việc của Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc quyết định phê duyệt đầu tư Dự án nhạc nước.
Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu".
Sự việc xảy ra đối với nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền cũng cho thấy việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra sai phạm không còn là khẩu hiệu hay lời nói. Và cùng với việc xem xét các cá nhân, thành viên liên quan thì cá nhân người đứng đầu sẽ bị xem xét đầu tiên và đấy cũng là một trong những tình tiết xem xét để tăng nặng hình thức xử lý khi chứng minh được các sai phạm của cá nhân người đứng đầu!
Về trường hợp của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì cá nhân ông Thanh không chỉ có sai phạm trong thời gian ông này đảm nhiệm cương Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với hành vi "dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó của đồng chí là thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.” Ông Thanh còn có sai phạm trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Cụ thể, theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương: "Mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng đồng chí Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
Ngoài ra, xung quanh các sai phạm của ông Thanh, Ủy ban Kiểm tra cũng đã xem xét trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan vì để xảy ra tình trạng: Ông Thanh có sai phạm ở Tổng Công ty PVC, "không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI" nhưng vẫn được "các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang".
Như vậy, trong trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh có thể thấy việc xử lý cán bộ có dấu hiệu sai phạm, lạm quyền không chỉ dừng lại ở những sai phạm đã bị phát giác và được làm căn cứ để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xem xét. Việc mở rộng quy mô, diện điều tra ra các giai đoạn trước đó, trên các cương vị trước đó cho thấy công tác xử lý cán bộ, đảng viên có dấu hiệu sai phạm đã được thực hiện một cách triệt để.
Đồng thời, quá trình xử lý sai phạm của cá nhân đó cũng không quên xem xét trách nhiệm liên đới của cá nhân, tổ chức liên quan. Việc Ủy ban kiểm tra Trung ương đề cập và cho rằng "trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ" có thể xem là một ví dụ.
***
Có thể mọi so sánh đều khập khiễng và khó tránh khỏi những yếu tố bất hợp lý của nó. Tuy nhiên, cách đây 03 năm cũng bằng những bước đi có tính nguyên tắc và thận trọng như thế, Đảng, Nhà nước Trung Quốc dưới thời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch mà truyền thông nước này và quốc tế quen gọi là "chiến dịch đả hổ diệt ruồi". Và mặc dù đây là Kết luận có sức thu hút lớn nhất của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 12/2015 vừa qua, nhưng với những nội dung đã được chuyển tải, như đã được phân tích thì đấy có thể xem là một tín hiệu cho thấy Việt Nam cũng đang khởi động cho một chiến dịch làm trong sạch bộ máy để lấy lại niềm tin yêu của nhân dân và tránh được những nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong, vững mạnh của Đảng!
No comments:
Post a Comment