Mổ nhầm chân ở BV: Nỗi khiếp sợ của BS và chuyện ở Mỹ cũng nhầm
BS Trần Văn Phúc - Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội)
"Gia đình vẫn động viên bác sĩ và mong muốn bệnh viện đưa ra hình thức kỉ luật nhẹ nhất có thể để bác sĩ còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp".
Đó là thái độ rất nhân văn của gia đình bệnh nhân Trần Văn Thảo, sau ca phẫu thuật chân bị hỏng.
Anh Thảo đến Bệnh viện Việt Đức để chữa liệt dây thần kinh chày trước chân trái, nhưng bác sĩ đã mổ nhầm sang chân phải; và bây giờ, cả bệnh nhân cũng như bác sĩ đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.
"Sai sót của bác sĩ là sự cố không ai mong muốn" – Thay vì đổ lỗi bác sĩ cẩu thả và bất cẩn, thì chị Nguyễn Thị Thanh (chị dâu bệnh nhân) cùng với chồng, lại có những chia sẻ và thông cảm.
"Gia đình vẫn động viên bác sĩ và mong muốn bệnh viện đưa ra hình thức kỉ luật nhẹ nhất có thể để bác sĩ còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp" – chị Thanh đã trả lời báo chí như vậy.
Trách nhiệm của bác sĩ sẽ không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi, mà cả bệnh viện phải xắn tay vào chăm sóc bệnh nhân với sự công bằng và lòng từ bi nhất có thể, phải tìm cho ra biện pháp ngăn chặn những sai sót tương tự trong tương lai.
Mổ nhầm chân như trường hợp của anh Thảo, thoạt nghe giống như một bộ phim kinh dị, nhưng nó lại xảy ra khá thường xuyên.
Bằng chứng là hàng trăm công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí có uy tín của thế giới, mỗi công trình đưa ra con số thống kê tới vài trăm bệnh nhân với những cơ sở dữ liệu khá thú vị.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Surgery của Hội Y khoa Mỹ, đã ghi nhận 2217 ca bác sĩ mổ sai vị trí trong vòng 13 năm (trung bình 170 ca/ 1năm).
Mổ nhầm bệnh nhân, sai vị trí là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất trong thực hành y khoa, là nỗi sỉ nhục với cả hệ thống, nên không phải bác sĩ nào cũng dám đối mặt với sự thật.
Bởi vậy mà Ủy ban hỗn hợp Lưu trữ Phẫu thuật Mỹ cho rằng, những trường hợp mổ sai vị trí rất ít khi được báo cáo, cơ quan này làm phép nội suy ước tính sẽ có khoảng 1.300 – 2.700 ca xảy ra ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỉ lệ mổ nhầm bên hay gặp nhất là chân, sau đó đến tay, nhầm đốt sống, đa số thuộc lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.
Mổ nhầm mắt, nhầm thận, nhầm bên tinh hoàn hoặc thoát vị bẹn cũng hay gặp theo thứ tự. Những vị trí có thể nhầm khác như phổi, não, nhưng hiếm hơn hẳn.
Tại sao bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lại mổ nhầm chân của anh Thảo? Điểm lại các nghiên cứu cho thấy, câu hỏi kiểu này thực sự là một thách đố và luôn nhận được câu trả lời rất mơ hồ.
Giáo sư Wolff sau khi nghiên cứu 35 trường hợp mổ não sai bán cầu,ông đã cho đăng tải trên tạp chí Journal of Neurosurgery của Mỹ một số nguyên nhân dẫn đến sự việc tồi tệ này.
Theo Wolff, nguyên nhân mổ nhầm có thể do phim Xquang bị đảo lộn, do bác sĩ không đọc hồ sơ bệnh án, do phẫu thuật viên chính đến muộn trong khi cả ê kíp đã vội vã chuẩn bị xong, do bác sĩ bận rộn mổ quá nhiều nên không nhớ được hết bệnh nhân.
Có quá nhiều lí do để bác sĩ mổ sai bệnh nhân, sai vị trí; bởi y học là môn khoa học nhờ vào sự nỗ lực của con người, nhưng con người thì không thể hoàn hảo.
Khi một lỗi mổ sai vị trí xảy ra, nó là bi kịch không chỉ với bệnh nhân, mà còn là gánh nặng cho gia đình, là nỗi khiếp sợ với bác sĩ. Vì thế mà các nghiên cứu cố gắng tìm ra nguyên nhân mổ nhầm để khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có được những câu trả lời thỏa đáng.
Để ngăn chặn lỗi mổ sai bệnh nhân và nhầm vị trí, Ủy ban hỗn hợp thuộc lĩnh vực Quản lí chất lượng bệnh viện Hoa Kỳ đã tiên phong trong việc đưa ra những hướng dẫn xây dựng bộ quy trình kiểm tra các thủ tục phẫu thuật.
Bệnh viện Việt Đức, hay bất cứ bệnh viện nào có chuyên khoa ngoại ở Việt Nam cũng vậy, đều xây dựng một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bệnh nhân lên bàn mổ, để tránh những sai sót. Tuy nhiên, không phải ở mọi nơi, mọi bác sĩ đều nghiêm túc tuân thủ quy trình này.
Nhiều chuyên gia y học nhận thấy rằng, công việc chuẩn bị bệnh nhân mổ cũng phải theo quy chuẩn nghiêm ngặt như ngành hàng không.
Mỗi phi công cũng như cả phi hành đoàn, trước khi cất cánh phải trải qua bước kiểm tra hết sức chặt chẽ, bởi chỉ một sai sót nhỏ, thì tất cả những người ngồi trên máy bay sẽ phải chết.
Qua câu chuyện bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ nhầm chân anh Thảo, sẽ thức tỉnh mỗi bác sĩ trước khi đặt dao mổ; nếu bác sĩ không nghiêm túc thực hiện các quy trình kiểm tra bệnh nhân để hạn chế tối đa sai sót, thì bệnh nhân hoặc là may mắn được mổ đúng, hoặc phải gánh chịu hậu quả mổ sai, nhưng bác sĩ sẽ luôn thuộc về cái ác.
theo Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment