2016/07/25

CHUYỆN CẤP PHÉP CHO FORMOSA

Khoai@

Thực tình mình không hiểu tại sao dư luận (báo chí) cứ nhằm vào anh Võ Kim Cự để truy việc cấp phép cho Formosa với thời hạn 70 năm, dù biết rằng, anh không có thẩm quyền ấy.

Trong buổi trả lời phỏng vấn VnExpress, anh Cự cũng nói: Cấp phép cho Formosa là đúng trình tự, và mặc dù không có gì sai nhưng anh vẫn nói mình có phần trách nhiệm trước sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Xem ra, lỗi đâu chỉ một mình anh Cự?

Dưới đây là đoạn phỏng vẫn của PV VnExpress với anh Cự:

Chiều 24/7, VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh - người trực tiếp liên quan cấp phép đầu tư 70 năm cho Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa.

- Theo quy định trước năm 2014, cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất trong 50 năm, nhưng Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê 70 năm. Ông giải thích việc này như thế nào?

- Đây là một dự án lớn. Hồi đó chúng tôi đã làm nghiêm túc, căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan cũng như quyết định của cấp có thẩm quyền. Cụ thể như quyết định Khu kinh tế Vũng Áng là vùng đặc biệt khó khăn, được hưởng ưu đãi về chính sách của Chính phủ. Nghị định 108 của Chính phủ cũng nêu rõ đối tượng, phạm vi, thời gian ưu đãi, loại nào thì khuyến khích đầu tư tối đa, loại nào thì mức độ.

Các quy định pháp luật liên quan nêu thời gian cho thuê đất các dự án nói chung không quá 50 năm, nhưng với dự án có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và ở những vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì được phép kéo dài thời gian không quá 70 năm.

- Vậy vì sao Thanh tra Chính phủ xác định Hà Tĩnh cấp phép chưa đúng thẩm quyền?

- Ở đây là một quá trình, trước hết cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư, sau đó các bộ ngành cho ý kiến, rồi địa phương làm các bước theo quy định pháp luật, trong đó có bước hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề, cấp có thẩm quyền đã họp có sự tham gia của các bộ ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm và ý kiến này được cấp có thẩm quyền đồng ý.

- Trong 3 tập đoàn mong muốn đầu tư vào Hà Tĩnh, có tập đoàn Tata, vì sao Formosa được chọn?

- Phải nói tới bối cảnh lịch sử, hồi đó đang có chủ trương kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thép, điện, cảng biển. Lúc bấy giờ có 3 tập đoàn lớn của nước ngoài muốn vào Hà Tĩnh, nhưng 2 tập đoàn không làm cảng biển, có tập đoàn yêu cầu được cấp giấy phép khai thác mỏ sắt Thạch Khê, riêng Formosa cam kết sẽ làm luyện thép, cảng biển, đầu tư nhà máy điện.

Với chúng tôi, đây là một cuộc cân não và đã quyết định giữ mỏ sắt để sau này cho con cháu làm. Nghĩa là chấm điểm 3 nhà đầu tư nước ngoài thì Formosa được điểm cao nhất, đạt các tiêu chí để hưởng ưu đãi, trong đó có một tiêu chí là sử dụng trên 5.000 lao động. Chúng tôi cũng phải xin ý kiến Trung ương, chứ không phải địa phương tự quyết.

- Hà Tĩnh nhận dự án của Formosa là để phát triển, tuy nhiên đến nay sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại lớn và còn nhiều hệ luỵ khác, đánh giá của ông?

- Đây là sự cố ngoài ý muốn. Đến nay Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý. Khi Formosa chưa cam kết đền bù thì Chính phủ đã ra văn bản hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 4 tỉnh, các bộ ngành đều vào cuộc. Vấn đề hiện nay là sớm ổn định tình hình, nếu cá nhân, tổ chức nào có vi phạm thì xử lý nghiêm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Điều quan trọng là rút ra bài học để chấn chỉnh trong thời gian tới.

Bài học này không riêng địa phương nào hay nước nào. Đó là một chuỗi vấn đề từ hoạch định chính sách, cơ chế, cho đến tổ chức đầu tư, quản lý đầu tư của tất cả các cấp, sao cho các tiêu chí chuẩn mực hơn. Không chấp nhận phát triển bằng mọi giá, lấy yếu tố chủ thể là con người và môi trường sống của con người làm trọng tâm.

- Với bài học này, trước đây lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà từng từ chối dự án thép tỷ đô của Posco, ông nghĩ sao?

- Đây là hai việc khác nhau, không thể so sánh. Ở đây là do dự án thép của Posco không đạt các tiêu chí, mặt khác khi xét thấy các điều kiện không khả thi thì từ chối.

- Formosa không chỉ gây ra sự cố môi trường biển mà còn chôn chất thải nhiều nơi trên đất liền. Hà Tĩnh tính toán gì với khâu xử lý chất thải của Formosa?

- Formosa có một khu đất để xử lý chất thải nằm trong diện tích đất được cấp, bắt buộc phải xử lý trong đó để chịu trách nhiệm. Bản thân tôi nghe chuyện này cũng không đồng tình, đó là vi phạm, phải xử nghiêm.

Việc Formosa đổ thải ra ngoài có nhiều lý do, có thể do người phụ trách xử lý chất thải của Formosa, nhưng cũng có thể do tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn. Nếu không có người chấp nhận chở chất thải, chứa chất thải thì làm sao có vi phạm. Do vậy cần làm rõ để xử lý nghiêm các bên liên quan.

- Bên cạnh yêu cầu Formosa khắc phục triệt để các tồn tại, hoàn thiện công nghệ, không để tái diễn vi phạm… cũng có ý kiến cho rằng hệ lụy do Formosa gây ra quá lớn phải xem xét lại, quan điểm của ông?

- Việc này tuỳ cơ quan chức năng, tôi không có thẩm quyền. Quan điểm của tôi, dù phương án nào cũng phải chốt tiêu chí là đảm bảo môi trường cho cả trước mắt và lâu dài, không chỉ Vũng Áng, không chỉ Hà Tĩnh mà cả vùng phụ cận.

Công nghệ như thế nào là do Formosa, nhưng dứt khoát phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại, nếu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì kiên quyết đóng cửa nhà máy.

- Là lãnh đạo Hà Tĩnh trong giai đoạn Formosa đầu tư, đến nay ông thấy trách nhiệm gì của mình như thế nào?

- Với bối cảnh như tôi nói ở trên, căn cứ vào quy định pháp luật, về phần thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép thì tôi đã làm nghiêm túc, đầy đủ quy trình một cách chặt chẽ, không có gì sai. Điều băn khoăn, trăn trở là vì Formosa vi phạm, gây sự cố môi trưởng ảnh hưởng đến đời sống bà con, trong đó có những người thân của mình. Tất nhiên, tôi thấy có phần trách nhiệm của mình, nói là đứng ngoài cuộc thì không phải.

Cá nhân tôi đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cũng như liên hệ với các tổ chức để tìm những giải pháp hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Theo tôi, đừng vì sự cố này mà dẫn đến kìm hãm động lực phát triển, làm ảnh hưởng những vấn đề khác. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có việc đã xử lý, có việc đang tiếp tục kiểm tra để xử lý theo một cách minh bạch, công bằng.

No comments:

Post a Comment