2016/06/05

Trại giam không phải là nơi để truyền đạo!

Chiềng Chạ

"Linh Mục Lý: ‘Sẵn sàng ở tù thêm 10 lần nữa’" là tên một bài viết chưa rõ tác giả phản ánh về phát ngôn của vị Linh mục này trong buổi sáng đến làm thủ tục để được trả tự do trước "các giới chức công an" tại trại giam Hà Nam. Về lí do khiến ông đưa ra phát ngôn nói trên cũng được nói rất rõ là "nếu còn ba chữ “cấm truyền đạo” trong nội quy" của trại giam. Nghĩa là ông sẽ sẵn sàng ở tù thêm 10 lần nữa nếu trong nội quy của trại giam vẫn còn quy định "cấm truyền đạo" và vì thế phát ngôn này của ông chỉ mang tính chất hướng đến một sự thay đổi hơn là giọng điệu của một kẻ chống đối đến tận cùng. 
Linh mục Nguyễn Văn Lý ở thời điểm hiện tại (Nguồn: Internet). 
Entry này sẽ đi làm rõ hơn về điều được đề cập trong câu Lý trên khía cạnh ai đúng, ai sai xung quanh việc cấm truyền đạo trong các trại giam!
Đối với mọi tôn giáo, không riêng gì đạo Công giáo mà Linh mục Nguyễn Văn Lý đang mang trên mình thì truyền đạo với mục đích gia tăng số lượng tín đồ là một nhu cầu tự thân; đó cũng là cách mà giáo hội mọi tôn giáo hướng đến một sự bền vững, thịnh vượng ngày sau. Và căn cứ vào phẩm trật trong từng tôn giáo thì trách nhiệm đó hàng đầu thuộc về các vị chức sắc, những người đang thay đấng bề trên coi sóc, hướng dẫn các tín hữu thực hiện các nghi lễ, giáo lý, giáo luật. Hiểu như thế để thấy rằng, việc một chức sắc như Linh mục Nguyễn Văn Lý luôn hướng đến bổn phận 'truyền đạo", "mở mang nước Chúa "hoàn toàn là chuyện bình thường. 

Tuy nhiên, có lẽ chẳng ai có thể cản trở hay làm khó Linh mục Lý thực hiện cái bổn phận được Thiên chúa phó thác nếu như ông không dính vào con đường lao lí, bị tù giam cho những sai lầm đã qua. Hay nói cách khác, chính việc bị coi là tội phạm, phạm nhân đã khiến vị Linh mục này phải tạm thời không thể thực hiện bổn phận này!

Một trong những chức năng hàng đầu của Nhà tù là nơi để cho những ai đã từng phạm tội phải "đền tội" và trả giá cho những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm của mình. Với chức năng như thế nên đương nhiên những người có mặt tại đó (trừ những cán bộ trại giam) đều là những người tạm thời bị tước bỏ một số quyền cơ bản công dân, trong đó nổi bật hơn cả là quyền đi lại và họ sẽ không được thực hiện cái việc làm vẫn được xem là nghề nghiệp chính của họ. Theo đó, đối với một người tu hành như Linh mục Lý chính là việc không được phép thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của một Linh mục (trong đó có việc "truyền đạo"). 

Ở đây, chúng ta cần rạch ròi rằng, Nhà chức trách và bản thân các trại giam không cấm đoán các tín đồ theo các tôn giáo được thực hiện một số "sinh hoạt tôn giáo". Và trên thực tế, thể theo nguyện vọng của một số chức sắc và các tín đồ là phạm nhân thì các cơ sở giam giữ đã cho phép các chức sắc được cử hành một số sinh hoạt trong trại giam. Đó cũng là một ví dụ sinh động thể hiện sự cam kết của nhà chức trách tại Việt Nam trong đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện hết mức để các tôn giáo phát triển. Vậy nhưng, điều này hoàn toàn khác với việc Linh mục Lý tổ chức truyền đạo trong trại giam và bị cấm đoán. Việc cấm đoán xuất phát từ sự công bằng cho các phạm nhân trong trại giam. 

Mặt khác, có một thực tế là chúng ta không thể không quan tâm, đó là nếu để Linh mục Lý tự do "truyền đạo" trong trại giam thì thử hỏi rằng, khi đó nhà tù sẽ còn nguyên nghĩa nữa không? Liệu nhà chức trách có phải xây dựng thêm nhà thờ hay nhà nguyện trong trại giam để các tín hữu mới nhập đạo có thể sinh hoạt tôn giáo một cách bình thường giống với những người bình thường khác? Cho nên, đồng ý là việc thực hiện tự do và đảm bảo cho các tôn giáo phát triển là một thứ quyền hiến định nhưng hãy nhớ rằng, những người vào đó là những phạm nhân và nơi mà họ đang sống, lao động là nơi để họ có thể "trả giá" và suy ngẫm những gì mình đã làm để sau này khi ra tù có thể sống tốt hơn. Nó không thể là nơi để cho bất cứ ai được thụ hưởng thêm bất cứ một giá trị nào khác. 

Và với những điều mới được chỉ ra, tôi tin rằng, Linh mục Lý có ở tù đến 10 lần nữa thì nhà chức trách và các trại giam cũng sẽ không bỏ được quy định này trong nội quy của mình!

No comments:

Post a Comment