2016/06/01

NHỮNG KHÚC QUANH CỦA LỊCH SỬ (Phần 1)

 
 
 
"Tại sao quan sử thời đại HCM lại tôn Mạc Đăng Dung thành Mạc Thái Tổ?" Để trả lời cho câu hỏi này và cũng là để chỉ rõ việc Mạc Đăng Dung không xứng đáng được chính quyền Hà Nội lấy để đặt tên cho một tuyến đường/ việc tại sao không sử dụng danh xưng "Mạc Đăng Dung" mà lại là "Mạc Thái Tổ". Dương Thu Hương, một người Việt hiện lưu vong tại Pháp (trong Video ở trên) đã đưa ra những lí do như sau: 
Chân dung Dương Thu Hương (Nguồn: Internet). 

Thứ nhất, bà Hương cho rằng Mạc Đăng Dung không xứng đáng được vinh danh trong bối cảnh hiện tại bởi trong quá khứ ông là một kẻ "phản thần" và "bán nước". Và để chứng minh cho điều mình nói, bà Hương đã trích một đoạn trong cuốn Việt Nam sử lược của nhà sử học Trần Trọng Kim: "Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước nhà mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần trói mình lại để cầu lấy cái phú quý cho thân mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm, một người như thế thì ai mà kính phục?...một cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được”.

Tiếp đó, để lí giải nguyên nhân "nhà cầm quyền Việt Nam tôn vinh Mạc Đăng Dung" và tại sao người dân Việt Nam không có phản ứng dữ dội để chống lại quyết định đặt tên đường để tôn vinh Mạc Đăng Dung mà Bà cho đó là việc dân tộc này đánh mất sự liêm sỷ, lòng tự trọng và sự tôn trọng lịch sử đánh giặc giữ nước của ông cha. Bà Dương Thu Hương đã đặt ra những giả thuyết kiểu như: Người dân không có óc suy xét, không thuộc lịch sử và cần phải suy xét họ có còn tư cách và khả năng suy nghĩ hay không? Rồi bà cũng cho rằng, đội ngũ trí thức, nhà khoa học chỉ là những tên tôi tớ trá hình, không có khả năng "tối thiểu" để giữ nhân cách và làm việc chỉ để kiếm được đồng lương; họ sẵn sàng đánh mất nhân phẩm và "hãm hiếp lịch sử" (Ám chỉ PGS. TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng  Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với phát biểu đồng tình với việc đặt tên đường lấy tên Mạc Đăng Dung). 

Thứ hai, bà này cũng cho rằng, "trong khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để làm một cuộc cải cách xã hội rất hoành tráng, tận tâm, tận lực muốn thay đổi nước Việt thì Mạc Đăng Dung "cướp ngôi" nhà Lê xong không làm việc gì hết, chỉ để thay đổi "màu cờ sắc áo", thay đổi tự họ Lê sang họ Mạc thôi"; hành động tự trói mình trước quân giặc là nỗi nhục không bao giờ có thể gội rửa nổi. Để rồi sau đó quy kết việc nhà cầm quyền tôn vinh Mạc Đăng Dung là sản phẩm của cái gọi là "tâm trạng bối rối của kẻ bán nước này bào chữa cho kẻ bán nước khác...". 

Xét về mặt logic thì 02 vấn đề được Dương Thu Hương chỉ ra ở trên thực chất chỉ là một vấn đề. Trả lời, làm sáng rõ được vấn đề/ câu hỏi thứ nhất thì vấn đề/ câu hỏi thứ hai dù không lí giải thêm cũng đã sáng rõ! 
PHẦN I: Bối cảnh hình thành và những điều Nhà Mạc đã làm được sau khi đăng quang
Cùng chung số phận với nhiều nhân vật khác trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử các triều đại phong kiến nói riêng. Đã có một thời gian dài những cái tên như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung và sau này là Nguyễn Ánh - Gia Long đã mang những điều tiếng không hay. Về nguyên nhân thì chính bởi cái nhìn nhận lịch sử có phần thiếu toàn diện, không đong đếm giữa công - tội của từng người và nặng về cảm quan cá nhân. Riêng đối với đoạn sử do nhà sử học Trần Trọng Kim viết về Mạc Đăng Dung thì theo nhận xét của CN. Trần Phương (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng): "Có lẽ, Trần Trọng Kim – tác giả sách Việt Nam sử lược là người bình phẩm Mạc Đăng Dung một cách khắt khe, gay gắt nhất". Đó là chưa nói tới việc dù được đánh giá là một nhà sử học tiêu biểu, tài năng nhưng với việc tham chính dưới Chính phủ do Nhật bảo hộ thì Nhà sử học Trần Trọng Kim không xứng đáng để nói ra những điều khó nghe về tiền nhân!

Ở đây, chúng ta phải công nhận một thực tế là để hình thành nên Nhà Mạc trong 70 năm, Mạc Đăng Dung đã soán ngôi nhà Lê (Thời kỳ Lê mạt) và ông cũng được xem là nhân vật hàng đầu thúc đẩy sự diệt vọng của một triều đại được đánh giá là đem lại không ít thành tựu cho dân tộc Việt Nam thế kỷ 15, 16. Tuy nhiên, liệu gọi việc soán ngôi của Mạc Đăng Dung là hành vi của một tên "nghịch thần" hay có chăng đó chỉ là một sự thay đổi phù hợp với quy luật hưng vong của lịch sử và phải chăng sau khi hình thành nên vương triều của mình thì Mạc Đăng Dung đã "không làm việc gì hết, chỉ để thay đổi "màu cờ sắc áo", thay đổi tự họ Lê sang họ Mạc thôi" như cách đánh giá của Dương Thu Hương? 

Quay trở về thời điểm trước, trong và sau khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê sẽ thấy rất rõ điều này. 

Triều đại nào cũng có lúc thịnh - suy và Nhà Lê cũng không phải là ngoại lệ. Sau một thời gian dài phát triển hưng thịnh và tạo ra được không ít dấu ấn huy hoàng trên nhiều lĩnh vực, sau sự kiện vua Lê Hiến Tông băng hà vào năm 1504, triều đại Nhà Lê dần đi vào con đường rối loạn, suy đồi. Việc các vị vua tiếp sau đó hoặc chết vì bạo bệnh (vua Túc Tông - Hoàng tử Thuần mất lúc đăng quang chưa được 6 tháng), hoặc do non kém về năng lực, hèn kém về nhân cách không màng chuyện triều chính (vua Lê Uy Mục) đã khiến nội bộ nhà Lê xuất hiện, hình thành những mâu thuẫn gay gắt trong cung cấm và ở triều đình; các phe nhóm sẵn sàng thanh trừng lẫn nhau để dành lấy quyền bính về tay mình mà việc vua Uy Mục ngầm giết bà nội (tức Thái Hoàng Thái Hậu Trường Lạc, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lê Hiến Tông) và nhiều tông thất, đại thần là một ví dụ điển hình. 

Trong bối cảnh đó, không chỉ lòng dân chán nản mà nhiều đại thần kiên trung, tận tụy và tài năng cũng đem lòng chán nản, đi kiếm tìm minh quân mới. Việc một số đại thần bí mật về thành Tây Đô ở Thanh Hoá tụ hợp mưu phế bỏ Lê Uy Mục và bài hịch kêu gọi quan lại, tướng sĩ nổi lên đánh Lê Uy Mục của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng càng cho thấy rõ sự thối nát và mất vai trò lịch sử của Nhà Lê. Và những tưởng rằng, sau khi lật đổ triều đại của  vua Lê Uy Mục và với sự lên ngôi thay thế của vua Lê Tương Dực, triều đại Nhà Lê sẽ chấn hưng và lấy lại vị thế của mình. Nhưng dường như đó chỉ là phút huy hoàng cuối cùng rồi chợt tắt bởi dù làm được một số việc có ích trong thời kỳ đầu chấp chính nhưng Vua Lê Tương Dực lại nốt gói vua Lê Uy Mục khi sa vào chơi bời trác táng đến nỗi bị dân chúng gọi là vua Lợn... Nội chiến, chủ nghĩa phe phái vì thế càng có điều kiện để hình thành, phát triển... 

Ở một bối cảnh như thế, quy luật thường thấy của lịch sử cũng đã chứng minh, để ổn định tình hình tất yếu sẽ xuất hiện những nhân vật tiêu biểu mà nhân cách, tài năng của họ đủ tạo ra sự khác biệt. Mạc Đăng Dung là con người như thế. Và có một chi tiết mà không thể không quan tâm chính là việc, tình trạng phe phái, nội chiến trong nước đã tạo điều kiện Mạc Đăng Dung thâu tóm quyền binh và giữ chức Thái sư đứng đầu triều đình. Cũng chính điều này nên nhiều người khi tiếp cận lịch sử đã hiểu lầm rằng chính Mạc Đăng Dung là nhân vật thúc đẩy sự bạc nhược trong triều Lê để tiến tới soán ngôi. Song, như đã nói ở trên, việc che khuất về mặt cứ liệu lịch sử đã khiến ông chịu nhiều oan khuất! Và nói như thế để thấy rằng, không thể xem việc thâu tóm quyền bính, xưng vương của Mạc Đăng Dung là hành vi của một kẻ nghịch thần như sự nhìn nhận của Dương Thu Hương. Đó chỉ có thể là việc một nhân vật lịch sử tiêu biểu ra giúp đời, giúp dân tộc như cách làm của những người khai mở Triều Trần, Triều Hồ và cả Triều Lê sau này! 

Và nói như học giả Lê Văn Hoè trong một bài khảo luận để thân oan cho Mạc Đăng Dung đăng trên tuần báo Đời Mới năm 1951 nhận xét: "Mạc Đăng Dung là anh hùng lập thân trong thời loạn” sau khi cho hay: "Thời bấy giờ là thời thiên hạ đại loạn. Vua chẳng ra vua, tôi không ra tôi. Vua ngờ vực tất cả mọi người chỉ định giết. Tôi thì giết vua, triều thần chẳng ai coi vua ra gì. Sinh vào thời đại loạn như vậy, chỉ có hai con đường: một là lui về nơi sơn lâm để tránh tai vạ; hai là xông ra dẹp loạn an dân, giúp vua giúp nước. Mạc Đăng Dung đã đi vào con đường thứ hai. Đăng Dung phò vua, nhưng vua định giết Đăng Dung. Cuối cùng Đăng Dung mới cướp ngôi vua, vì thấy vua bất lực. Kể ra thì Mạc Đăng Dung cũng không tránh khỏi cái tội giết vua và cướp ngôi. Nhưng trước kia thời Đinh, Lý, Trần…không phải là không có người giết vua cướp ngôi. Và ngay thời Mạc Đăng Dung bấy giờ, cũng có bao nhiêu kẻ hoặc đã giết vua, hoặc lăm le cướp lấy ngôi báu. Đứng vào địa vị của Mạc Đăng Dung bấy giờ, muốn tiến thân không ai làm khác được. Giả sử Mạc Đăng Dung lui về ẩn dật, bỏ mặc việc đời, thì nhà Lê cũng không giữ nổi cơ nghiệp, ngai vàng hoặc đã về họ Trịnh, họ Trần (Trần Cảo), hay họ Nguyễn, họ Hoàng; Mạc Đăng Dung chỉ là một người anh hùng lập thân ở thời loạn mà thôi. Trách Đăng Dung sao không cúc cung tận tuỵ thờ vua Lê thì chẳng khác gì trách Võ, Thang sao không tận trung thờ các vua Kiệt, Trụ!”

Riêng đối với câu hỏi dưới thời Mạc Đăng Dung và các triều đại nhà Mạc sau đó có thành tựu gì nổi bật không hay "không làm được gì" và bị thay thế bởi cách thức tương tự kiểu "gieo nhân nào gặp quả nấy"? Thì xin thưa rằng, với gần 70 năm tồn tại, phát triển, mặc dù không nhiều và huy hoàng như nhiều triều đại trước đó, nhưng nhà Mạc đã kịp để lại nhưng cống hiến tiêu biểu, nhất định cho dân tộc. Ngoài việc chấm dứt tình trạng cát cứ phân tranh xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương, Nhà Mạc đã có nhiều hình thức "khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển công nghệp, thương mại, các ngành nghề thủ công; mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá với nhiều nước châu Á, châu Âu, chăm lo thi cử để tuyển nhân tài. Xã hội Đại Việt thời Mạc đi dần vào thế ổn định…" (Theo CN. Trần Phương (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng). 

Như thế, dù rất ngắn ngủi để một thành tựu có thể trở nên rõ nét nhưng chúng ta không thể không ghi nhận công lao của triều đại Nhà Mạc nói chung, cá nhân Mạc Đăng Dung nói riêng trong công cuộc ổn định xã hội, khôi phục và đem lại sự ấm no cho cuộc sống nhân dân sau những biến động tiêu cực của lịch sử. Và xét trên khía cạnh này thật dễ hiểu khi Mạc Đăng Dung được vinh danh trên 02 khía cạnh: (1) Chấm dứt một triều đại suy đồi, mất vai trò lịch sử; (2) Thiết lập sự ảnh hưởng của triều đại do mình lãnh đạo! Thiết nghĩ rằng, với 02 vai trò không ai thay thế được thì việc được hậu thế tôn vinh bằng việc lấy tên đặt tên đường và việc xây dựng Di tích Khu Tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Cổ Trai - Kiến Thuỵ - Hải Phòng trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội là lẽ tất yếu! 

Xin được quay lại với Phần II và kết thúc ở các bài viết tiếp theo! 

An Chiến

No comments:

Post a Comment