2016/06/09

LẠM BÀN VỀ CÁCH LÀM TỪ THIỆN HIỆN NAY

Những tranh cãi lại xoay quanh chương trình "60 phút mở" của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với người dẫn chương trình (MC) Tạ Bích Loan. Sau khi gây tranh cãi với việc bị cho là "đấu tố" MC Phan Anh thì nay chương trình "60 phút mở" lại tiếp tục bị đưa ra mổ xẻ với chủ đề "Người ta làm từ thiện là vì ai? Khách mời của số này là nhóm tình nguyện "Xây trường vùng cao", ca sĩ Thái Thuỳ Linh - Phó Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES). Trong đó, ý kiến của TS Đặng Hoàng Giang đã gây nên nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Đó là, vị TS kết luận, làm từ thiện có thể sẽ tạo ra những mối nguy cho người được nhận. Ví dụ như việc đem quần áo từ dưới xuôi lên vùng cao cho người dân mặc, về lâu dài người ta sẽ không còn mặc loại quần áo thổ cẩm nữa, dần dần làm mất đi bản sắc văn hoá lâu đời của họ. 

Những ý kiến phản đối TS Đặng Hoàng Giang vì cho rằng, trẻ em vùng núi vào mùa rét, cần đủ ấm để chống chọi với nhiệt độ có thể xuống mức âm độ hơn là thứ "bản sắc văn hoá". Để chờ được "bản sắc văn hoá", có thể nhiều trẻ em đã không thể trụ nổi được cơn rét băng giá của mùa đông nếu không có đồ áo quần ấm của các tổ chức từ thiện. Tuy không phải trẻ em vùng cao ở bất cứ nơi nào trên bản đồ cong cong hình chữ S này cũng được nhận quà từ các tổ chức, nhóm từ thiện, chỉ một số vùng. Còn những ý kiến khác thì đồng tình với TS Giang vì hiện nay, từ thiện không đơn thuần là ý thức, là vì cộng đồng mà một số hoạt động đã bị biến tướng, một số cá nhân lợi dụng từ thiện để pr bản thân...

Tôi không tranh luận về vấn đề trên mà có mấy ý về cách làm từ thiện hiện nay, đã "mắt thấy, tai nghe": 

Thứ nhất, còn nhớ bức ảnh những đứa trẻ miền núi mặc phong phanh, thậm chí có đứa còn cởi trần vui vẻ đùa nghịch trong thời tiết rét của mùa đông ở Sapa, đã có những "nhà đạo đức giả" vào bình luận những thứ cao siêu. Đến khi chính người trong cuộc lên tiếng thì cuộc tranh luận mới ngã ngựa. Khí hậu ở các vùng miền núi cao vào mùa đông nhiệt độ thấp hơn nhiều so với đồng bằng. Vì vậy, những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên, rèn luyện trong môi trường ấy từ nhỏ nên đối với chúng, rét đến mức có tuyết rơi là điều hết sức bình thường. Điều này cũng dễ giải thích cho việc, những bức ảnh chụp về những đứa trẻ mặc mong manh, chân không đi giày, dép hoặc đi dép đơn sơ cũng không hẳn là do bố mẹ những đứa trẻ không có quần áo cho chúng mặc. Mà đôi lúc, những đứa trẻ này mặc như vậy đối với chúng lại thoải mái. 
Do không tiền trạm từ trước, ham phong cảnh đẹp, giao thông thuận lợi, địa điểm "hot" nên đã xảy ra nhiều trường hợp, có khu vực trong 1 ngày có liên tiếp 2- 3 đoàn từ thiện đến nhưng có những khu vực khác, họ không hề được nhận quà từ thiện nào (Nguồn: báo Lao Động).

Dưới xuôi, chỉ thấy qua những bức ảnh và mang theo cảm tính, áp đặt rằng, trẻ con vùng cao rất thiếu áo quần ấm. Vì thế, mới có chuyện cười ra nước mắt rằng, có những vùng, cứ vào dịp cuối năm, đoàn từ thiện này ra thì đoàn từ thiện khác vào, nườm nượp áo quần, chăn ga đệm ấm, nhiều đến nỗi, họ không sử dụng hết, đem ra chuồng cho trâu nằm!? Nói như vậy để hiểu rằng, trước khi có hoạt động từ thiện thì phải phân công người tiền trạm, tìm hiểu kỹ vùng nhóm mình muốn đến, tìm hiểu xem người dân ở đó họ đang thiếu những gì, tránh trường hợp chồng chéo nhau giữa các đoàn từ thiện... Và sau đó là lên kế hoạch, xin phép chính quyền địa phương, kêu gọi và mua sắm những thứ thiết yếu cho chuyến hành trình từ thiện...

Từ thiện đúng cách thì mới giúp đỡ được người dân, có ích cho cộng đồng nhưng từ thiện không đúng cách, có những người làm từ thiện vì đánh bóng bản thân, một công đôi việc khi lợi dụng đi từ thiện để "tự sướng", kiếm lợi nhuận thông qua quỹ tài chính (kêu gọi từ thiện), thiếu trách nhiệm, đi theo phong trào...tóm lại là những hoạt động từ thiện biến tướng đang tăng thêm những rủi ro cho xã hội. 

Tôi không nhớ rõ tác giả nhưng vẫn luôn thích câu nói của vị này, đại khái như sau: "Khúc xương ném cho con chó không phải là từ thiện, từ thiện là khúc xương được chia sẻ cho con chó khi cả 2 đều đói như nhau." Tôi tin rằng ở một đất nước mà chính phủ phải năn nỉ gãy lưỡi, đưa chính sách ưu đãi đến tận mồm mà vẫn không kiếm đủ giáo viên hay cán bộ cắm bản vùng cao, thì cái chúng ta thiếu không phải từ thiện, mà là tinh thần vì cộng đồng.

Thứ hai, có luồng ý kiến lên tiếng chỉ trích việc làm của phía chính quyền khi không tạo điều kiện cho đoàn từ thiện vào với người dân - nơi đoàn từ thiện lên kế hoạch diễn ra phân phát quà. Cũng xin thưa rằng, các tổ chức, đoàn, nhóm nào muốn từ thiện ở bất cứ thôn, bản, xã, huyện thuộc tỉnh nào cũng đều phải thông qua và được sự đồng ý, xác nhận của chính quyền địa phương thì mới được triển khai kế hoạch từ thiện ở địa phương đó. Tổ chức WTO khi triển khai các hoạt động như khám chữa bệnh, phát thuốc men hay đi phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh ở quốc gia nào cũng đều phải xin phép chính quyền sở tại và kết hợp với các cơ sở y tế địa phương để thuận tiện hơn cho các chương trình của mình. 

Việc xin phép chính quyền địa phương, ngoài việc tôn trọng chính quyền, đúng luật thì việc được sự hậu thuẫn, giúp đỡ, phối hợp từ bên trong, nhẹ nhàng hơn cho công tác từ thiện thì khi chính quyền địa phương thông qua đồng nghĩa với việc, phía chính quyền cũng sẽ cùng chịu trách nhiệm và quản lý về chuyến từ thiện của tổ chức/đoàn/hội/nhóm nào đó. Ví dụ những trường hợp như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, xả rác bừa bãi hay có một số đối tượng xấu, tội phạm trà trộn đi cùng đoàn thực hiện các hành động vi phạm trái luật... mà xảy ra, liệu đoàn từ thiện mà không phối hợp với chính quyền địa phương thì liệu cá nhân hay tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm?

Vừa qua, trên các báo xuất hiện nhiều cái tên "từ thiện" bị bóc mẽ vì lợi dụng từ thiện để ăn chặn tiền quyên góp của các Mạnh Thường Quân và chủ yếu là "tự sướng", đánh bóng tên tuổi. Cô gái Đàm Lan Anh đã bị báo Dân trí bóc mẽ bản chất lợi dụng lòng tốt của những người khác để kêu gọi quyên góp tiền, tài chính mập mờ khi đến với những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng, cũng có những gương làm từ thiện xuất phát từ tâm, từ tấm lòng hướng thiện, hướng về cộng đồng như nhà báo Trần Đăng Tuấn với chương trình "Cơm có thịt", nhà báo Mai Thanh Hải với chương trình "Áo ấm biên cương", anh Đặng Như Quỳnh với chiến dịch giải cứu hàng trăm tấn dưa hấu Quảng Bình...

Làm từ thiện là hành động nhân văn cao cả nhưng làm như thế nào mới là hoàn chỉnh cho hành động nhân văn ấy. Không phải ném cho người ta ít tiền hay bộ quần áo mới/cũ, ít đồ gia dụng...thì đã cảm thấy như vậy đã là "từ thiện". Có câu: "Của cho không bằng cách cho", thiết nghĩ, các hội/nhóm/tổ chức thực hiện các kế hoạch từ thiện thì nên chăng dù nhỏ nhưng cũng phải nghiêm túc, có trách nhiệm và ý thức với cộng đồng hơn là "quẳng cho xong". Chính quyền, các cá nhân Mạnh Thường Quân, các tổ chức từ thiện nên chung tay với nhau để có những hoạt động "từ thiện" khác mang tính lâu dài chứ không phải là gói mỳ tôm hay tấm vải, bộ quần áo - giải quyết vấn đề nhất thời, phần ngọn của vấn đề, tránh sự ỷ lại của bà con vùng được từ thiện. 
***
“Một số tổ chức, cá nhân giờ rất thích đi tình nguyện, nhưng phải đến nơi có phong cảnh đẹp và nhiều đặc sản. Cũng vì thế nên có những em bé qua một mùa đông mang chăn ra cho trâu đắp không hết”, anh Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái cho biết. 

“Chúng tôi rất trân trọng những hoạt động tình nguyện vì đồng bào vùng cao, nhưng phải có kế hoạch, liên lạc từ trước một cách cụ thể. Nếu lo liệu được kinh phí di chuyển, ăn nghỉ hãy đi tình nguyện, còn nếu mang hàng hóa trị giá khoảng chục triệu đồng lên tặng bà con mà chúng tôi phải chi ra vài chục triệu để đón tiếp thì chúng tôi không cần”, anh Vừ A Bằng, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên nói. Cũng theo anh Bằng, một số đội, nhóm đi tình nguyện như đi du lịch, sau đó, về báo cáo thành tích với cấp trên. Để tiết kiệm, hãy chuyển lên để chúng tôi trao cho đồng bào.


An Chiến

No comments:

Post a Comment