2016/06/14

“GIẢI KỀN KỀN” CỦA DIỄN ĐÀN NHÀ BÁO TRẺ: THẨM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG HAY ĐÁM ĐÔNG ĐẤU TỐ?

Loa Phường
Từ tháng 5 năm 2013, “Diễn đàn Nhà báo Trẻ” – một group Facebook quy tụ hơn 3000 thành viên, nay đã phát triển hơn 12000 thành viên – đã liên tục tổ chức hàng tháng một hoạt động thẩm định mang tên “giải Kền Kền”. Theo ông Mai Phan Lợi – người điều hành diễn đàn và tổ chức trao giải, thì “giải Kền Kền” nhằm bêu danh những bài báo “đại diện cho lối làm báo Giả và Ác”. Theo mô tả của ông Lợi, thì ông và những thành viên nhiệt huyết của Diễn đàn Nhà báo Trẻ giống như những hiệp sĩ bảo vệ sự thật và lẽ phải cho nền báo chí Việt Nam. Tiếc thay, sự thật và lẽ phải chưa chắc đã đứng về phía họ.

 Thẩm định chất lượng báo chí không phải là một hoạt động đơn giản và có thể tiến hành tùy tiện. Ngay cả những cuộc thẩm định sơ sài nhất cũng chỉ có thể được thực hiện khi hội đủ ba điều kiện sau.
 Thứ nhất, là có ít nhất một hệ tiêu chuẩn rõ ràng, cùng thang điểm để đánh giá và xếp hạng các đối tượng theo hệ tiêu chuẩn đó.
 Thứ hai, là một hội đồng thẩm định có đủ công tâm, khách quan, bất vụ lợi, vượt trội về hiểu biết và năng lực chuyên môn.
 Thứ ba, là khả năng thu thập và kiểm chứng thông tin về các đối tượng được thẩm định.
Nếu không hội đủ ba điều kiện trên, thì kết quả thẩm định là vô giá trị, và cuộc thẩm định chỉ nên được coi là một câu chuyện vô thưởng vô phạt khi trà dư tửu hậu.
 Giờ hãy xem “giải Kền Kền” có hội đủ ba điều kiện trên không.
 Trước tiên, các thành viên Diễn đàn Nhà báo Trẻ thẩm định các bài báo theo hệ tiêu chuẩn nào? Theo hệ tiêu chuẩn mà ông Lợi đưa ra, và hơn 3000 thành viên khác chấp nhận một cách không thắc mắc suốt ba năm nay, thì “giải Kền Kền” được trao dựa trên 8 tiêu chí: “Sai, ác, giả, sốc, sến, hại, nhảm, vụ lợi”.
 Chỉ cần đặt vài câu hỏi, những độc giả có não trong đầu cũng sẽ dễ dàng nhận ra đây là một bộ tiêu chí hơi nhảm nhí.
 Chẳng hạn: nếu bản thân thông tin đã gây shock, thì bài báo truyền tải thông tin đó có thể được liệt vào hàng “tin sốc” để bêu xấu hay không? “Ác” là từ chỉ nhân cách của người viết, còn “vụ lợi” thuộc về động cơ, xếp hai tiêu chí này cạnh những tiêu chí về chất lượng bài liệu có khập khiễng? Có khoa học không, khi đưa nhân cách và động cơ của người viết vào danh sách các yếu tố để thẩm định chất lượng bài?
 Rốt cuộc đây là một hệ tiêu chuẩn để thẩm định chất lượng bài báo một cách khách quan, hay một danh mục tội ác để đấu tố? 
Tính chất đấu tố càng bộc lộ rõ hơn khi ta nhìn xem ai là người chấm giải. Trong thực tế, thay vì chấm “giải Kền Kền” bằng một hội đồng thẩm định nghiêm túc, Diễn đàn Nhà báo Trẻ đã chỉ chấm giải bằng đám đông. Bài báo nào bị số đông tham gia “chấm giải” trong số thành viên tham gia diễn đàn ghét nhất, vì vậy được nhiều bầu chọn nhất, thì nghiễm nhiên ẵm “giải Kền Kền”. Cần lưu ý rằng vì 3000 trước đây hay 12.000 thành viên hiện nay này hoàn toàn không vượt trội về chuyên môn và hiểu biết so với các thí sinh, họ không thể được xem là những nhà thẩm định đủ tư cách. Thêm nữa, như chia sẻ của một cựu sáng lập viên trong thư chia tay diễn đàn, toàn bộ số thành viên này đều được đưa vào hoặc loại khỏi nhóm theo ý thích tùy tiện của Mai Phan Lợi, nên không có gì để đảm bảo rằng họ công tâm, khách quan, trung lập. Sự trung lập này càng mong manh hơn nữa khi ta biết rằng từ lâu nay, cựu phóng viên Đoan Trang và hàng trăm các “nhà đấu tranh dân chủ” cực đoan, chống phá được Mai Phan Lợi bổ sung đều đều vào Diễn đàn, trở thành các gương mặt thân thuộc, tích cực bình chọn, chấm các giải.
 Theo mô tả của vị cựu sáng lập viên nêu trên, thì không khí thảo luận trong Diễn đàn Nhà báo Trẻ cũng không lấy gì làm chuẩn mực và trí tuệ. Không gian sinh hoạt đó hiện lên như sau:
 “…Suốt mấy ngày qua có những admin chỉ xuất hiện ý kiến đôi ba câu lấy lệ rồi thôi. Có người thậm chí còn không xuất hiện, để mặc các thành viên có ý đồ xấu tự do tung hoành, tự do lăng mạ, đôi co với các thành viên khác… Thậm chí, khi thấy có vấn đề, một admin cũng chẳng thông báo cho các admin khác để sửa chữa mà lại lập tức tung lên Diễn đàn để mọi người lao vào chỉ trích…”
 “…Một tuần qua, Diễn đàn Nhà báo trẻ như một cái chợ cá lúc tinh mơ: Ỏm tỏi, tung tóe và lộn xộn khiến các thành viên có vấn đề muốn bày tỏ cũng rụt rè quay lưng…
Một tuần qua, mình đã thấm thía thế nào là sự tàn nhẫn của thế giới mạng, thế nào là sự tàn nhẫn của những ngôn từ tưởng chừng như vô tri vô giác, thế nào là cách mà con người ta hành xử với nhau. Trong đó, có những người mà ta từng gọi là bạn.
Công sức một năm của mình đột nhiên bị những con người xa lạ đạp đổ trong một tuần”.

Dường như Diễn đàn Nhà báo Trẻ giống một phiên đấu tố ầm ĩ hơn là một hội đồng thẩm định đảm bảo tính khách quan và trí tuệ. Thay vì chấm điểm để đánh giá các bài viết theo một thang bảng tiêu chí có tính chuyên môn, đám đông trong diễn đàn chỉ bu vào bỏ phiếu để khai tử những bài viết, cây bút và tờ báo mà họ không ưa. Đây là chuyện dễ hiểu, vì nếu họ kháo nhau chấm xem bài viết này, nhà báo kia đạt bao nhiêu điểm “ác”, thì sự lố bịch của họ đã thành ra quá lộ liễu mất rồi.
 Cuối cùng, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng khi chấm “giải Kền Kền”, đám đông giám khảo đã không hề có lấy một cố gắng nhỏ nhoi để thu thập và kiểm chứng thông tin xoay quanh các bài báo được chấm giải. Người ta ghét bài nào thì ném một hòn đá lên bài đó, vậy thôi. Tóm lại, “giải Kền Kền” hoàn toàn bắt nguồn từ sự phán xét theo cảm tính của một đám đông không trung lập, thiếu cả tư cách lẫn năng lực chuyên môn. Giá trị thẩm định của nó không cao hơn một cuộc chửi đổng ở quán nước. Thật nguy hiểm khi trên website của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), giải thưởng này lại được tường thuật hằng tháng như một hoạt động thẩm định nghiêm túc, khách quan và có giá trị. Tôi không nghĩ cộng đồng sẽ phát triển lành mạnh nếu ta để các thế lực truyền thông “giáo dục” nó theo những cách thức vô học như trên.
 Tất nhiên “giải Kền Kền” đã giúp cộng đồng xác định nhiều bài báo có vấn đề. Nhưng nếu chỉ có kền kền chấm điểm kền kền thôi, thì xã hội của chúng ta sẽ vẫn bị danh tiếng và luật chơi của lũ kền kền thông tin chi phối. Lấy gì để đảm bảo rằng thế lực truyền thông đứng sau Diễn đàn Nhà báo Trẻ không dùng giải thưởng này để dắt mũi dư luận, nhằm thực hiện các mưu đồ chính trị của phe phái dài hơi, đồng thời loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và chiếm thế độc quyền trong lĩnh vực ngôn luận?
 Bởi vậy, phải xác định rõ người chịu trách nhiệm, tiến hành nghiêm túc hoạt động quản lý, và tạo điều kiện cho sự ra đời của những hoạt động thẩm định báo chí đảm bảo chất lượng và sự khách quan.
  LINK LIÊN QUAN:
 http://mec.org.vn/vi/giai-ken-ken-c11.htm

No comments:

Post a Comment