LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội (Nguồn: Internet).
Trả
lời BBC về câu chuyện "quy trình bổ nhiệm" anh Vũ Quang Hải, con trai
của Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và hiện tượng cha - con
cùng đương chức trong giới chính trị Việt Nam, LS Trần Quốc Thuận,
nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội cho hay: "Việc
bổ nhiệm con cán bộ là hình thức phong kiến mới"; “Những trường hợp này
thường thì sau khi công luận ồn ào thì không thấy làm gì rốt ráo. Tôi
hy vọng là lần này họ điều tra và xử lý tới nơi tới chốn, từ trên xuống
dưới”.
“Ở
Việt Nam thì dễ xảy ra tình trạng đánh trống bỏ dùi lắm, người dân đang
chờ, nếu đưa ra mà không xử lý thì mất lòng tin của người dân vào chế
độ”.
Và
khi được hỏi về giải pháp để cải thiện tình trạng ở thời điểm hiện tại,
vị LS này từng nhiều năm làm công tác lập pháp tại cơ quan quyền lực
cao nhất (Quốc hội) đã trả lời: "Muốn xử con quan phải thay đổi cơ chế".
Đây
không phải là lần đầu tiên ông Thuận đặt vấn đề thay đổi cơ chế khi
được hỏi về những vấn để nổi lên và tương đối nhạy cảm. Trước đó, khi
đánh giá về kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử Đại biểu
hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Thuận cũng đã nêu
vấn đề đổi mới cơ chế để khắc phục những tình trạng mà theo ông là hướng
đến một Quốc hội trong đó có đại diện của nhân dân nhiều hơn, đại diện thật sự hơn.
Ở đây người viết không bàn về phát biểu của ông Thuận về đợt bầu cử Quốc
hội, Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua. Chỉ xin được nói về câu chuyện
đang thu hút sự chú ý của dư luận trong tương quan với giải pháp được
ông Thuận nêu ra: Thay đổi cơ chế để tránh tình trạng bổ nhiệm có yếu tố
gia đình trong công tác cán bộ.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có quyết định cuối cùng, chính thức về
trường hợp ông Vũ Quang Hải có phải bổ nhiệm sai quy trình hay có yếu tố
tình thân trong quá trình bổ nhiệm không? Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là
nếu trường hợp bổ nhiệm anh Vũ Quang Hải có sai phạm thì trước đó đã có
tiền lệ chưa và quá trình xử lý như thế nào? Thì xin thưa rằng, đã có
nhưng hầu hết quá trình thanh tra, đánh giá đều cho thấy quá trình bổ
nhiệm là hoàn toàn hợp lệ và phù hợp với quy định pháp luật cũng như
không có dấu hiệu bất minh hoặc có yếu tố tình thân chi phối.
Có thể liệt kê ra hàng loạt trường hợp cán bộ được bổ nhiệm lãnh đạo như
ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang và Nguyễn Minh Triết
(con trai của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), ông Nguyễn Xuân Anh -
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng (Con trai của nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Văn Chi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Con trai của
nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương) .... Bằng chứng sinh động nhất là
họ đều làm tốt các cương vị được giao và đảm trách chứ không cho thấy sự
yếu kém hoặc chưa xứng đáng với cương vị hiện tại!
Đến đây, chúng ta lại đặt ra tiếp một câu hỏi là liệu đối với một vấn đề/ trường hợp không phải quá phổ biến và quá nhiều (như trường hợp của Anh Vũ Quang Hải) thì phải chăng vấn đề cơ chế vẫn được đặt ra?
Trên thực tế, vấn đề cơ chế, đổi mới cơ chế chỉ thực sự đặt ra khi vấn
đề/ trường hợp đó đã trở nên phổ biến và sự thay đổi về mặt cơ chế đồng
nghĩa với việc triệt tiêu toàn bộ cái hiện tượng không nên có trong đời
sống xã hội đó! Đối chiếu với các quy định hiện hành liên quan công tác
cán bộ (bao hàm việc quy hoạch, bổ nhiệm) và cơ chế xử lý đi kèm nếu xảy
ra sai phạm thì các cơ quan hữu trách đủ sức để xử lý hiện tượng bổ
nhiệm sai quy trình và có yếu tố tình thân. Hay nói cách khác, yếu tố cơ
chế trong trường hợp này không cần được đặt ra mà có chăng vấn đề cần
lưu tâm là làm thế nào để cơ chế đó được thực hiện một cách triệt để và
kịp thời. Chính vì vậy, yếu tố đặt ra để thay đổi chỉ là một yếu tố, bộ
phận rất nhỏ của phạm trù cơ chế.
Nhân đây, cũng xin nói thêm với những ai quan tâm rằng, cơ chế vốn dĩ là
một phạm trù có tính ổn định gắn liền với từng mô hình nhà nước, chế độ
chính trị. Việc thay đổi, đổi mới cơ chế không phải là vấn đề mà bất cứ
ai đó cũng tuỳ tiện, tuỳ hứng mà đặt ra. Và như đã nói ở trên, cùng với
tính phổ biến của hiện tượng, sự việc thì nó phải gây nên những hệ luỵ
xấu cũng như chính nó sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới sự bền vững, niềm tin
của người dân vào chế độ thì lúc đó vấn đề cơ chế mới đặt ra. Cách hiểu
của LS Trần Quốc Thuận vì thế mới chỉ là một nửa của vấn đề và đương
nhiên, câu chuyện đổi mới cơ chế ở đây vẫn chưa nên được đặt ra và không
cần thiết đặt ra lúc này!
An Chiến
No comments:
Post a Comment