2016/06/28

CHỐNG CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN THÌ TRÊN PHẢI NGHIÊM, PHẢI SẠCH

VietTimes -- “Chạy” bây giờ mang tính chất phổ biến, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có. Nhất là đến các kỳ Đại hội, chạy nhiều nhất...Chạy chức, chạy quyền là vấn đề hết sức nan giải. Muốn chống được vấn nạn này thì trên phải nghiêm, phải trong sạch” - Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương quả quyết.


Lê Thọ Bình - /Thứ Hai, ngày 27/6/2016 - 07:01

Ông Nguyễn Đình Hương - Nguyên Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng.

Chạy chức, chạy quyền không giảm: Vì sao? 

Ông Nguyễn Đình Hương nói: “Câu chuyện về Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hậu Giang và chuyện “lùm xùm” ở Bộ Công thương về bố con ông Vũ Huy Hoàng - Vũ Quang Hải chỉ là những biểu hiện cụ thể của vấn nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay được hợp pháp hóa bằng cụm từ “đúng quy trình”. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh.

Chạy chức, chạy quyền phải có “ô dù”, có người nâng đỡ, có người đỡ đầu, có đầu mối và có tiền thì mới chạy được. Trịnh Xuân Thanh là trường hợp điển hình nhất. Nếu làm rốt ráo việc này thì sẽ lộ ra rất nhiều chuyện khác nữa. Phải tìm cho ra trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?

Thưa ông, đây không phải là là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta gióng “hồi chuông” cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã chỉ ra rất cụ thể các dạng chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng vì sao cho đến bây giờ nạn chạy chức, chạy quyền không những không giảm mà còn phát triển hơn?

- “Chạy” không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành thảm họa đối với đất nước và Đảng ta. Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại “chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử,chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.

Không chỉ chạy cho bản thân mình mà con chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cánh hẩu của mình nữa. Chính vì vậy mà nhà báo Hữu Thọ mới viết hẳn một cuốn sách về “chạy” để phân tích các loại “chạy”. Ngày nay “chạy” còn mạnh hơn, công khai, trắng trợn hơn. Chạy cả bằng cấp, chạy cả giáo sư, tiến sĩ, chạy vào biên chế… Cái gì cũng phải chạy.

Theo ông thì những đối tượng nào thường hay “chạy” nhất?

- Chỉ có những kẻ bất tài mới chạy thôi. Những người tài họ không cần chạy. Kém mà không chạy thì làm gì có chức. Khi đã có chức rồi thì có quyền, có quyền thì có lợi, có lợi tức có bổng lộc, có phong bì, có nhiều người hầu hạ, nhiều người đút lót. Cho nên đó là một chuỗi “chạy”. “Chạy” bây giờ mang tính chất phổ biến, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có. Nhất là đến các kỳ Đại hội, chạy nhiều nhất. Vì sao? Vì có vào được cấp ủy thì mới có chức, không vào cấp ủy thì không có chức.

Mà muốn chạy được phải có tiền, có mối quan hệ. Vì thế dân người ta mới nói “Nhất hậu duệ, hai tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ”. “Trí tuệ” là thứ sau cùng người ta cần.

Còn cái tư tưởng “nhiệm kỳ” nữa. Nó cũng nguy hiểm lắm. Một ông Bộ trưởng biết là khóa này mình không trúng nữa, mình sẽ hạ cánh, nên cố “vơ vét” bằng mọi cách để có tiền, nên bổ nhiệm “một lô một lốc” cục trưởng, vụ trưởng. Điển hình như là ông Trần Văn Truyền mà dư luận vừa qua đã phê phán dữ dội. Rồi như chuyện nhà ông Vũ Huy Hoàng mà chúng ta vừa nói ở trên.

Vì vậy, công cuộc chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền là hết sức nan giải. Tôi đã có lần nói với anh Trọng (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - NV) là tại sao Đảng ta đã có ba cuộc vận động chỉnh đốn Đảng rồi mà chưa thành công. Đó là cuộc vận động “Ba xây, ba chống” (cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, gọi tắt là “Ba xây - ba chống”, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm 1961-1965 - NV); cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6 (lần 2) Khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.

Phải truy đến tận cùng sự việc

Nhưng vì sao lại chưa thành công, thưa ông?

- Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phải nói rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa thực sự đến nơi đến chốn; có không ít đồng chí lãnh đạo chưa gương mẫu, cố đưa con, đưa cháu bằng được vào đảm nhiệm những vị trí công tác vượt quá khả năng của họ. Phải thật sự nghiêm khắc trong vấn đề này. Trung ương chưa nghiêm thì tỉnh sẽ chưa nghiêm, mà tỉnh không nghiêm thì huyện sẽ không nghiêm, đến xã lại càng không nghiêm nữa. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh lần này đã được đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo các cơ quan vào cuộc. Lần này phải làm đến nơi đến chốn để lấy lại lòng tin của dân với Đảng.

Rồi còn vụ Formosa nữa. Vụ ô nhiễm môi trường này ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến du lịch, đến quốc phòng, an ninh... Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc xử lý vấn đề môi trường mà phải truy đến cùng: Ai cho phép Formosa làm những việc vi phạm luật pháp? Đằng sau đó là cái gì?

Rồi thì các “đại công trình” đang “đắp chiếu” mỗi cái lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (8.100 tỉ đồng) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007, nhưng đến nay nhà máy vẫn… “đắp chiếu”; dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (12.000 tỉ đồng) nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (7.000 tỷ đồng) chỉ sau hơn một năm hoạt động, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng phải “đắp chiếu”... và cả những công trình có quy mô cực lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (hơn 1 tỉ USD) được xây dựng từ năm 2005, luôn đe dọa nguy cơ đóng cửa...

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là hàng loạt dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không đồng bộ từ Trung Quốc. Để xảy ra việc này ai phải chịu trách nhiệm? Phải truy đến cùng thì mới chống tham nhũng được!


Thưa ông, thời ông làm công tác tổ chức khi gặp những vấn đề “chạy chức, chạy quyền” ông thường xử lý thế nào?

- Tôi làm ở Ban Tổ chức Trung ương 55 năm, trải qua 8 kỳ Đại hội Đảng, tôi chỉ chứng kiến có một đồng chí là con Ủy viên Bộ Chính trị được vào BCH TƯ. Đó là đồng chí Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Có lần ông Đỗ Mười phê bình chúng tôi là không bồi dưỡng đưa được con em các đồng chí Bộ chính trị vào Trung ương. Tôi bảo: “Thưa bác, TƯ không phải là nơi để cơ cấu con em cán bộ cao cấp. TƯ là uy tín, là linh hồn của toàn Đảng, người nào vào TƯ phải đủ tiêu chuẩn”.

Lúc đó hầu như tất cả các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương… rất nghiêm khắc với con cháu, không ai gợi ý đưa con em mình vào TƯ. Đó là những tấm gương liêm khiết, tận trung với sự nghiệp của nước, của dân. (Ông Hương đi lại cửa sổ phòng khách, chỉ tay ra bên ngoài) Bên trái nhà tôi đây là nhà đồng chí Phạm Văn Đồng, trước nhà tôi là nhà đồng chí Nguyễn Duy Trinh, kia nữa nhà đồng chí Lê Văn Lương, đơn sơ thế, có của cải gì đâu.

(Rồi ông Hương chép miệng) Có những người vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, nhưng người dân người ta chẳng coi ra gì, nhưng có những người chết rồi mà dân vẫn tôn vinh, dựng tượng, bia để thờ. Như đồng chí Kim Ngọc (nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” ở Việt Nam - NV) là một ví dụ. Ông mất đi người dân thương nhớ, lan truyền những câu chuyện đẹp về ông.

Hiện vẫn còn có những ý kiến cho rằng nhiều chuyên gia đang “bi kịch hóa” thực trạng tham nhũng trong đội ngũ CBCC ở nước ta, nhất là cán bộ lãnh đạo; tham nhũng thì chính quyền nước nào mà chả có. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nói như vậy là ngụy biện. Ngay trong báo cáo khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền suy thoái về đạo đức. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”.

Trong 6 tháng đầu năm nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ít nhất đã có tới 3 lần nhắc lại chuyện này. Làm việc với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư nói hiện nay nhiều cán bộ cư xử với dân như “vua con”.

Vừa qua Tổng Bí thư đã đánh hồi “trống lệnh” đầu tiên rồi. Tuy nhiên một mình Tổng Bí thư quyết tâm thì không được, mà phải cả Bộ Chính trị, cả BCH TƯ, các cơ quan tư pháp, hành pháp phải vào cuộc quyết liệt dưới sự giám sát của nhân dân và báo chí. Muốn chống được tham nhũng thì trên phải trong sạch, phải gương mẫu.

Sự gương mẫu của lãnh đạo cấp cao là hết sức quan trọng

Nhưng làm sao có thể buộc những người có quyền lực “tự nguyện” trong sạch được, khi mà chưa có một cơ chế giám sát quyền lực thực sự hữu hiệu, thưa ông?

- Trong điều kiện một đảng cầm quyền, để thực sự giám sát được quyền lực phải phát huy cho được vai trò giám sát của người dân và quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vai trò gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là hết sức quan trọng.

Thời tôi làm công tác tổ chức tôi chứng kiến cả Bộ Chính trị gương mẫu lắm. Chỉ có Tổng bí thư Lê Duẩn đi xe Volga không có máy lạnh, các đồng chí khác đi xe lada. Nhà Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Đức Thọ mấy năm mới quét vôi một lần, mà phải đợi khi ông ấy đi công tác mới vào quét vôi được, chứ ông ấy ở nhà ông ấy không cho làm đâu. Đấy, trên có gương mẫu như thế mới nói được dưới, chứ trên không nghiêm thì không nói được bên dưới đâu. 

Còn vấn đề cũng hết sức quan trọng là phải dân chủ, công khai và minh bạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Con đường đi như Trịnh Xuân Thanh là con đường lén lút, mờ ám nên phải công khai ra, rõ ràng ra, minh bạch ra.

Thưa ông, 55 năm làm công tác tổ chức, rất nhiều lần chủ trì công tác lựa chọn nhân sự để đề bạt bổ nhiệm. Vậy có bao giờ ông nhận quà cáp của ai chưa?

- Tôi có thể không thẹn với lòng mình mà nói rằng tôi chưa bao giờ nhận tiền hay quà cáp của ai. Những lần được giao xuống các bộ, hay địa phương để chủ trì lựa chọn nhân sự, tôi bảo với anh em ở đó: Các anh lựa chọn thủ trưởng đi, chọn đúng thì được nhờ, chọn sai thì tự chịu hậu quả nhé!

Khi đang là Phó Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, tôi được Bộ Chính trị giao cho xử lý vụ việc ông Nguyễn Hà Phan (từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch QH, nhưng bị phế truất hết các chức vụ năm 1996 vì bị xử lý kỷ luật đảng - NV). Tôi chỉ cần “vứt đi” vài chục trang hồ sơ thì có ngay vài chục “cục gạch” (ý nói bọc tiền - NV) ngay. Nếu tôi muốn gian lận để giàu có, tôi về báo với Bộ Chính trị là không có hồ sơ ấy, có ai biết được đâu.

Chính vì vậy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nói: “…Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”. Chừng nào Đảng chưa khắc phục được những vấn nạn này thì nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng vẫn còn hiện hữu.

Trước khi vụ Vinashin bị khởi tố, tôi có đến nhà một đồng chí nguyên là cấp phó của tôi, tôi hỏi: Cậu có quyết tâm làm cho ra vụ này không? Đồng chí ấy bảo: “Nếu em không làm cho ra thì em không xứng đáng với ngày 27/7 sắp tới”. Ý nói không xứng đáng với vong hồn các anh hùng liệt sĩ. Cuối cùng thì cậu ấy có làm được đâu. Tôi lại đến nhà và hỏi thẳng: “Trong vụ này cậu được bao nhiêu “cục gạch” nói thật cho tôi nghe xem nào?”. Cậu ấy chối đây đẩy. Nhưng tôi biết đằng sau đó là chuyện gì.

Xin cám ơn ông!

No comments:

Post a Comment