2016/05/26

Obama, bất ngờ với văn hóa Việt

Kính Chiếu Yêu
                                                              Chùa Ngọc Hoàng

Trong chương trình nghị sự được nhà trắng thông báo chính thức về những hoạt động của TT Obama tại Việt Nam có ghi rõ: Chiều 24/5 TT sẽ bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và ngay lập tức ông OBAMA đến chùa NGỌC HOÀNG là để : “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”. 
Ngay lập tức, một số nhà phân tích, bình luận đã nói "như vậy là không phù hợp bởi chùa NGỌC HOÀNG không thể là truyền thống văn hóa VN được". 
Tuy nhiên, chuyến viếng thăm vẫn diễn ra như dự kiến kéo theo là những phân tích, nhận định rất sâu xa rằng, "Nếu nói cho rõ đó là ngôi chùa của những người Hoa vong quốc. Có điều ngôi chùa của người Hoa vong quốc này lại nằm trên đất Việt. Người Việt có thể bao dung với những người Hoa vong quốc cũng như người Mỹ có thể bao dung những người Việt (VNCH) vong quốc". "Đây là một thông điệp chính trị đa chiều và thâm thuý mà Tổng thống Obama tinh tế, muốn nhấn mạnh thêm sự bao dung “người yêu người” như lời ông phát biểu ở Hà Nội, hơn là những khoảng cách chia rẽ của quốc gia biên giới lãnh thổ".
Do đó, ý nghĩa ám chỉ “phản Thanh phục Minh” mờ đi cùng với ý nghĩa lịch sử nhân vật của ngôi chùa “đặc biệt” này; và nếu có ám chỉ gì về Ngọc Hoàng Thượng Đế thì cũng không hẳn là quyền sinh sát mà hơn cả đó là lòng từ bi khoan dung và tư tưởng Nhân trị.
Lịch sử người Hoa đến Nam Việt Nam là rất mới. Từ đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã mở cõi phương Nam thâu nhận thêm các vùng đất mới từ Chân Lạp. Năm 1679, Dương Ngạn Địch, tổng binh trấn thủ Quảng Tây cùng các phó tướng Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình không chịu thuần phục nhà Thanh, khôi phục nhà Minh đã dẫn 3000 quân, 50 chiến thuyền sang xin làm dân Việt. Chuá Nguyễn nhân muốn khai phá vùng đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho nên đã thuận cho Dương Ngạn Địch vào đó khai khẩn.
Năm 1698 chúa Nguyễn lại sai Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp, vẽ lại bản đồ, chia lập đơn vị hành chính, đưa dân vào khai khẩn. 1708 thu nạp thêm Mạc Cửu một người phản Thanh phục Minh đang trấn giữ Hà Tiên.
Ngôi chùa Ngọc Hoàng Thượng đế vốn là một điện thờ do một người Hoa (người Quảng Đông, Trung Quốc) tên là Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Tương truyền, Lưu Minh là người "ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh. Ông đã xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín".
Năm 1982, điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải Tự" do Hòa thượng Thích Vĩnh Khương trụ trì.
Chùa Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy, v.v... Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng...
CHÙA NGỌC HOÀNG (PHƯỚC HẢI) theo giáo lý PHẬT ĐƯỜNG MINH SƯ ĐẠO , thờ TAM GIÁO : PHẬT, KHỔNG, LÃO; thờ PHẬT, tu TIÊN, sinh hoạt theo NHO.
Hiện nay, Minh Sư đạo có 53 Phật Đường hoạt động ở 18 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Kiên Giang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An) với 300 chức sắc, hơn 1.262 chức việc và trên 11.224 tu sĩ, tín đồ, quá ít so với các nhánh đạo phật khác.
Tổ đình của Minh Sư đạo đặt tại Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ngày 17 tháng 8 năm 2007 và công nhận hoạt động ngày 01 tháng 10 năm 2008 
Chùa Ngọc Hoàng là một trong những ngôi chùa cầu tự (cầu con) nổi tiếng ở Việt Nam. Những cặp vợ chồng hiếm muộn thường thành tâm cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. 
Kim Hoa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian. Bên dưới Kim Hoa Thánh Mẫu là 12 bà mụ, được tạc tượng với các tư thế khác nhau. Bà lo việc nặn đầu đứa trẻ, bà khác lại nặn chân, người nặn mắt, người dạy trẻ tập đi, tập nói…
                                     ***
Một vị Tổng thống Mỹ là tín đồ Tin Lành đến thăm một quốc gia đa tôn giáo, nếu để truyền đi một thông điệp về tôn giáo thì ắt hẳn phải đến tiêp xúc với chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự có tiếng tăm, có lịch sử lâu đời, có tín đồ đông đúc. Chí ít thì cũng đến dự thánh lễ tôn giáo mà mình đang là tín đồ, với ông Obama là Tin Lành. 
Đằng này không phải thế, nơi ông Obama đến là một ngôi chùa nhỏ, lịch sử rất khiêm tốn, thờ tự thì hỗn mang "thờ phật, tu tiên, sinh hoạt theo nho giáo". Người sáng lập ra cơ sở thờ tự lại là một người Trung Quốc chịu ơn nghĩa cưu mang của người Việt, có tư tưởng phản kháng với triều đại nơi chính quốc.
Vậy là đã rõ, cử chỉ này của ông Tổng thống nước Mỹ là một thông điệp về một khía cạnh văn hóa, văn hóa ứng xử (không phải là văn hóa tâm linh) của người Việt. Làm gì có tất cả giá trị văn hóa Việt gói trọn trong một ngôi chùa. Vậy nên, nói ông Obama chọn sai địa chỉ thì thật là thiển cận. Thông điệp khía cạnh văn hóa ở đây là: Sống cạnh một nước lớn, triền miên chịu cảnh chiến tranh, cướp bóc, hà hiếp nhưng vẫn cưu mang "cựu thù" khi họ thất cơ lỡ nghiệp, ấy là văn hóa hòa hiếu của người Việt.

Kẻ đại Hán có còn là trượng phu khi cậy mạnh hiếp yếu, có còn là đáng tin khi "miệng nam mô bụng bồ dao găm".

No comments:

Post a Comment