2016/05/30

Nên chăng cần có một ủy ban bảo vệ lịch sử Việt Nam?

Với Đại hội VI (1986-1990) cực kỳ gian nan, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ đổi mới, tạo mũi đột phá quan trọng, thoát khỏi tư duy bảo thủ trì trệ, tháo gỡ được một số bế tắc, mang lại cơm no áo ấm thiết thực cho người dân khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên cuộc sống vận động theo quy luật riêng của nó mà người lãnh đạo luôn bị bất ngờ. Trên cơ sở nghị quyết của Đại hội VI, về cơ bản chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Song hậu quả tiêu cực của nó lại có xu hướng làm khuất lấp đi những thành quả tích cực mà nó đã tạo ra. Cổ phần hóa trong công nghiệp và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp, người người lao động ở thành thị và nông thôn lại trắng tay! Bằng những mối liên minh ma quỷ, một lớp người giàu mới hình thành đồng thời với khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh cách biệt, làm mối quan hệ xã hội trở nên căng thẳng. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Cụ thể là tới trước Đại hội XI, uy tín của Đảng cầm quyền đã tới mức báo động.

Phải thừa nhận một thực tế rằng trong nhiệm kỳ 2011-2015, Ban lãnh đạo Đảng đã cố gắng rất nhiều, đưa nền kinh tế nước ta bước đầu hội nhập với kinh tế thế giới, chỉ đạo đấu tranh kiên trì giữ vững môi trường hòa bình ổn định trong tình thế khu vực vô cùng gay go căng thẳng. Đặc biệt giữa nhiệm kỳ, tổ chức hội nghị phê bình và tự phê bình những người lãnh đạo cấp cao, đã có tác dụng răn đe tệ thao túng và lợi ích nhóm; và cuối khóa chuẩn bị cho Đại hội XII kế tiếp tiến hành tương đối xuôi xả giữa tình thế trong và ngoài nước diễn biến vô cùng phức tạp. Trước những chuyển động bất ngờ không lường trước được của một thế giới đang bất ổn với sự biến động nội sinh đa chiều, đa dạng mà sự ứng phó của lãnh đạo các cấp còn tỏ ra bị động lúng túng thì chưa thể vội vã nói đến một sự lạc quan với tiền đồ đất nước. Dù sao có được kết quả trước mắt là điều đáng mừng. Trên cơ sở đó, bộ máy lãnh đạo mới của Đảng có thể tận dụng thời cơ, hoạch định những bước đi vững chắc cho tương lai đất nước. Một thực tế khắc nghiệt là chúng ta xây dựng đất nước trong tình thế nửa hòa bình và nửa chiến tranh. Tất nhiên về mặt quân sự, giới lãnh đạo đã dự kiến mọi tình huống tới khả năng xấu nhất. Đặc biệt trong tình thế mới, cuộc chiến tinh thần tăng tốc về tính đa dạng và cường độ, có vai trò không nhỏ trong việc dọn đường cho một cuộc đảo chính dưới dạng “cách mạng màu” hoặc một cuộc chiến tranh vũ trang chớp nhoáng nhằm kết thúc mưu đồ chiến lược thâm sâu. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị và phản ứng quyết liệt của nhà nước ta và mối liên minh quốc tế của cả hai bên.

Cuộc chiến tinh thần đó chính là cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng và văn hóa mà ngay từ buổi đầu giành được độc lập chủ quyền cho tổ quốc và dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và ra sức tăng cường củng cố nó trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên cuộc chiến đó luôn biến thiên với các hình thức đa dạng và đa chiều của nó. Từ những hình thức sơ đẳng là bịa đặt, vu khống đến những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn như khai thác những sai sót trong quá trình chỉ đạo thực hành các chủ trương chính sách tới sự sụp đổ của hệ thống XHCN và những sự bất ổn trong mối quan hệ truyền thống gần xa, các thế lực đối lập ra sức xuyên tạc lịch sử, tô đen thành trắng, bôi lọ hình ảnh các lãnh tụ và anh hùng nghĩa sỹ đã thành biểu tượng đáng tự hào, dựng dậy những thây ma chính trị, sơn phết thành những biểu tượng văn hóa, thậm chí biến hình ảnh của đội quân tay sai chống lại lợi ích của dân tộc ngang hàng với đội quân yêu nước chiến đấu vì sự tồn vinh của tổ quốc Việt Nam. Đáng buồn là vì nhận thức thiếu chiều sâu chín chắn hoặc vì những động cơ cá nhân bất chính mà không ít người mang danh học giả, kể cả những người chức sắc đã a tòng với thế lực chống đối nhà nước ta, nói và làm những điều bất nhẫn với anh linh các anh hùng liệt sỹ đã quên mình vì nghĩa cả, làm lẫn lộn chính tà. Họ bất chấp sự thật là chính những người cầm đầu chính quyền ấy, đội quân ấy, đã công khai thừa nhận việc họ làm là phi nghĩa. Như ông Ngô Đình Diệm từng tuyên bố: “Phải giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản” – nghĩa là họ không có chính nghĩa! Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong giờ phút hấp hối của đội quân do ông ta làm Tổng tư lệnh tối cao, đã bộc lộ ra bản chất: “Viện trợ nhiều thì đánh nhiều. Viện trợ ít thì đánh ít. Không viện trợ nữa thì bỏ cuộc”! Đúng như ông Nguyễn Cao Kỳ là người chống cộng tới giờ phút chót, sau này nhiều lần về thăm tổ quốc, ông đã không vì tự ái cá nhân mà nói lên sự thật: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ mà chúng tôi là những kẻ đánh thuê”! Ông Đặng Ngọc Tùng chớ coi thường lời cảnh báo của một cháu thế hệ 9X về sự tôn vinh lộn xòng trên cái đài tưởng niệm mà ông nhân danh giai cấp công nhân Việt Nam dựng lên trên đảo Lý Sơn.
Ông Đặng Ngọc Tùng kêu gọi "tưởng niệm" "tấm gương hi sinh" của lính VNCH ở Hoàng Sa.

Nhân dân ta đang đứng trước họa xâm lăng cận kề mà không phân biệt thế nào là đội quân chiến đấu vì chính nghĩa, thế nào là đội quân đánh thuê phi nghĩa thì làm sao “nâng cao sức chiến đấu” của đội quân yêu nước đã từng làm nên kỳ tích phi thường, bảo vệ được bờ cõi, thống nhất giang sơn mà cả nhân loại tiến bộ đều ngưỡng mộ?! Không nên lẫn lộn ý nghĩa tế độ chúng sinh trong lễ xá tội vong nhân dịp Rằm tháng Bảy hàng năm của nhà Phật với sự tôn vinh các anh hùng liệt sỹ vị quốc vong thân mà bất kỳ nhà nước nào cũng luôn coi trọng. Một đằng xuất phát từ lòng nhân ái xót thương những thân phận sống khổ thác oan mà mở lòng từ bi quảng độ giải oan cứu khổ. Một đằng là cả xã hội có trách nhiệm phải trân trọng ghi nhớ công ơn trước vong linh những con người dũng cảm quên mình vì nghĩa cả. Anh linh của họ như những vị thần thiêng hộ mệnh muôn đời cho dân cho nước.

Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, chưa bao giờ các thế lực đối kháng với nhà nước Việt Nam độc lập lợi dụng thời cơ hội nhập và quyền tự do dân chủ, ra đòn tấn công kết hợp cả trong và ngoài nước, đòi xét lại đủ thứ từ lịch sử truyền thống đến các vấn đề văn hóa xã hội với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi thâm độc như lúc này. Trong khi ở Nga, trước khuynh hướng phủ định sạch trơn những thành tựu hiển nhiên của thời Liên bang xô viết vẫn len lỏi vào mọi địa hạt của đời sống văn hóa, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Do ngày càng ít những người còn sống trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến cuộc chiến tranh vệ quốc (1941-1945) nên càng có nhiều cách lý giải và quan điểm gây tranh cãi đến cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thậm chí người ta cố tình đưa ra những quan điểm trái chiều về cuộc chiến tranh này. Nhằm chống lại những âm mưu thâm độc và trắng trơn xuyên tạc và bôi nhọ lịch sử Nga. Dẫu rằng không được nhắm mắt làm ngơ trước sự thật khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng mặt khác cũng không cho phép bất kỳ ai nghi ngờ về chiến công vĩ đại của nhân dân Liên xô trong cuộc chiến tranh đó. Ngày 19/5/2009, Tổng Thống Nga Medvedev ra sắc lệnh thành lập “Ủy ban bảo vệ lịch sử” trực thuộc Phủ Tổng Thống, vì bảo vệ chân lý lịch sử luôn là nhiệm vụ của mọi công dân trong một quốc gia tiến bộ văn minh.

Ở Việt Nam cũng đang xảy ra tình trạng đó mà phản ứng của các cơ quan có trách nhiệm lại tỏ ra quá yếu ớt nếu không nói là làm ngơ trong khi các phương tiện truyền thông ta hoàn toàn chủ động. Thậm chí vài tờ báo còn có thái độ tiếp tay như xen đăng bài viết của một vài nhân vật cơ hội muốn khuynh đảo dư luận. Tuy nhiên nhiều bạn đọc trong đó có không ít các bạn trẻ đã thể hiện tinh thần bảo vệ chân lý lịch sử, được dư luận rất quan tâm. Dù sao thì với những người viết không chuyên nên tính thuyết phục chưa cao, chưa có tác động sâu xa trong xã hội. Thiết nghĩ để bảo vệ và phát huy thắng lợi của Đại hội XII đầy kỳ vọng này, nhà nước ta nên chính thức thành lập một “Ủy ban bảo vệ lịch sử Việt Nam”, tập hợp rộng rãi những người viết sử chuyên và không chuyên có tâm huyết, có trình độ cùng chung sức chung lòng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, hướng công luận trở về quỹ đạo tự nhiên, góp phần thiết thực cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời, mau chóng sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực và theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại tiến bộ, đúng như tinh thần của đại chí sỹ Nguyễn Công Trứ: “Có giang sơn thì sỹ mới có tên”.

Nguyễn Văn Thịnh
Thành phố Hô Chí Minh
ngày 28 tháng 01 năm 2016

No comments:

Post a Comment