2016/05/27

"Chả ai cho không cái gì cả"

Mẹ Đốp
Tổng thống B.OBama thăm Việt Nam vừa qua trong bối cảnh chỉ còn một năm nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 và cuộc đua vào Nhà Trắng hứa hẹn nước Mỹ sẽ có một tân Tổng thống mới với đường lối đối ngoại và đối nội hoàn toàn mới. Đây cũng là lí do khiến nhiều người cho rằng, tổng thể các nội dung thỏa thuận, hợp tác mà 02 bên đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ rất khó để có thể thành hiện thực hoặc nếu có thì cũng rất khiêm tốn! 

Chưa hết, có người còn cho rằng, chính vì sắp mãn khóa, chợ chiều nên chuyên thăm của Tổng thống B. Obama đơn thuần chỉ là chuyến công du "chơi là chính" và chúng ta (Việt Nam) chả cần gì phải cảnh giác hay có một thái độ dè dặt kiểu "hợp tác trong khuôn khổ cho phép". Song những lí giải sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn liệu có phải việc sắp hết nhiệm kỳ khiến cho chuyến thăm của Tổng thống B. Obama trở nên không như thường lệ hay với người Mỹ thì Tổng thống chỉ là một diễn viên trong vai chính khách và họ sẽ phải thực hiện những gì đã được vạch sẵn cho dù đã đến phút bù giờ cuối cùng! 
***
Ngay khi Obama lên đường thăm Việt Nam thì phía Trung Quốc đã có những động thái thể hiện. Tờ Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu thời báo lên tiếng "Việt Nam chơi với Mĩ cần cẩn thận", rất dễ dàng nhận thấy ẩn ý sau câu nói này. Những tranh chấp trên biển Đông, sự chuyển hướng trục Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ có quyết định như thế nào trong chuyến viếng thăm này.

Đối với Việt Nam, quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và toàn vẹn lãnh thổ cùng với việc mở rộng đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế để tạo lập một vị thế vững chắc trong những lợi ích đan xen trên trường quốc tế là hướng đi đúng đắn. Nhất là khi quan điểm của Việt Nam là không trở thành đồng minh quân sự của bất cứ quốc gia nào. Do đó cuộc viếng thăm của Obama là một quả cân đối trọng trong tình hình hiện nay. Điều thực sự cần chú ý trong chuyến thăm lần này thì trọng điểm vẫn là dỡ bỏ cấm vận mua bán vũ khí sát thương. Đây là một cánh cửa mở ra cho Việt Nam để tăng cường sức mạnh an ninh quốc phòng. Mỹ là một trong những quốc gia sản xuất vũ khí lớn nhất nhì thế giới, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ thì Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn bên cạnh thị trường vũ khí truyền thống từ trước đến nay là Nga. Bên cạnh đó, khả năng nâng cấp các vũ khí trang bị của Mỹ mà Việt Nam thu được sau 1975 là hoàn toàn có thể thực hiện. 
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ Mỹ luôn là một tên lái súng quốc tế. Đừng vội mừng, bởi tình hình khu vực càng căng thẳng thì nhu cầu mua sắm vũ khí càng cao, nói cách khác Mỹ luôn là kẻ tạo ra vũng nước đục để bắt cá. Dỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương đồng thời mở ra một thị trường mua bán vũ khí cho Mỹ, đó cũng chính là mong muốn của những tài phiệt chuyên buôn bán vũ khí phía bên kia bán cầu. Hơn nữa, khi Việt Nam không muốn trở thành đồng minh quân sự, nhưng Mỹ lại rất muốn có một sự "kìm hãm" đối với Trung Quốc, nếu xét toàn diện trong khu vực thì phía nam chỉ có Việt Nam là có đủ yếu tố để đảm nhiệm vai trò đó, đặc biệt khi tranh chấp trên biển Đông ngày càng ẩn chứa những biến động khó lường. Và tất nhiên, cái Việt Nam đang cần đó chính là vũ khí để nâng cao sức mạnh quân sự. Phía sau tất cả còn có một mục tiêu khác đó là giảm bớt ảnh hưởng của Nga đối với Việt Nam về vấn đề an ninh quốc phòng. 
Như vậy, chỉ một chuyến thăm cuối nhiệm kì, Obama hi vọng thành công đem lại cho Mỹ các mục tiêu: tạo ấn tượng và tăng cường mối quan hệ Việt - Mỹ, mở ra một thị trường vũ khí mới, tìm được "người" kìm hãm sự "trỗi dậy" của Trung quốc ở khu vực Đông Nam Á, giảm bớt ảnh hưởng của Nga đến Việt Nam trong vấn đề an ninh quốc phòng. 
Đối với Việt Nam, vẫn luôn giữ vững quan điểm và thái độ nhất quán của mình, sẵn sàng bắt tay hợp tác trên mọi lĩnh vực trên cơ sở bảo đảm lợi ích của cả hai bên. Đồng thời vẫn luôn nêu cao cảnh giác, duy trì và tăng cường vị thế trên trường quốc tế, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. 
Đối với nhân dân, phải luôn tỉnh táo trước mọi vấn đề đã và đang xảy ra. Phải nhìn rõ sự việc để luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Và phải luôn nhớ trong nhân dân có câu "Chả ai cho không cái gì cả". Thế cho nên Obama có sang thăm cũng là một điều hiển nhiên, bởi ông chủ thực sự của nước Mỹ chính là giới tài phiệt, những ông trùm tư bản, những tay lái súng quốc tế ở phía sau giật dây mà thôi. Điều mà họ quan tâm chính là lợi ích của họ chứ không phải là lợi ích của nhân dân Việt Nam.

No comments:

Post a Comment