2016/04/26

TẢN MẠN VỤ QUÁN XIN CHÁO - BÀI DÀI VÊ LỜ NHƯNG HAY

Huỳnh Minh Mẫn


Tản mạn về vụ Quán Xin Chào

CHẬM ĐĂNG KÝ KINH DOANH. 

Tất cả các báo đưa tin đều đặt tựa với cụm từ “chậm đăng ký kinh doanh bị khởi tố”. Tôi cho rằng điều này không chính xác bởi các lý do sau:

1. Tại thời điểm bị kiểm tra lần đầu, Ông Tấn đã không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vậy Ông Tấn đã kinh doanh mà KHÔNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH.

2. Trong HS vụ án, căn cứ để CA Huyện Bình Chánh khởi tố Ông Tấn cũng không hề nêu hành vi CHẬM ĐĂNG KÝ KINH DOANH. Hành vi mà CQCSĐT CA Huyện BC cho rằng “tái phạm” là không có GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM (GCN VSATTP). Trong cả 2 biên bản vi phạm hành chính đối với Ông Tấn đều có hành vi này. Quan điểm của CQCSĐT CA H. BC cho rằng GCN VSATTP là một loại giấy phép riêng nên đã khởi tố Ông Tấn tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS 1999. 
Việc đặt tựa bài báo (cũng như nội dung bài viết) không chính xác làm cho độc giả hiểu sai bản chất của vấn đề.

Nếu CQCSĐT CA H. BC khởi tố Ông Tấn liên quan đến “Đăng ký kinh doanh” thì hành vi phạm tội là KHÔNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH chứ không phải CHẬM ĐĂNG KÝ KINH DOANH. Nếu với cách hiểu đó thì CSGT lâu nay chỉ xử phạt người tham gia giao thông hành vi CHẬM ĐỘI MŨ BẢO HIỂM chứ không phải là KHÔNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM. Kinh doanh rồi mới ĐKKD cũng giống như tham gia giao thông rồi mới đội mũ bảo hiểm vậy.

NGƯỜI NGHÈO 

Có bài báo khi đưa tin có đề cập rằng Ông Tấn nghèo. Trong buổi họp báo có chi tiết các nhà báo và Tướng Minh “đôi co” việc Ông Tấn nghèo hay không nghèo. Tôi nghĩ rằng yếu tố này không liên quan đến bản chất vấn đề. Pháp luật hình sự không phân biệt giàu nghèo. Nếu Ông Tấn giàu thì việc khởi tố đó là đúng hay sao? 

Chưa nói đến hình ảnh minh hoạ cho bài viết là thông tin làm cho giới trong nghề café đưa ra phán đoán rằng quán có quy mô khá lớn, với vốn đầu tư không nhỏ. 

Những việc không liên đến vấn đề (vụ án) đôi khi làm giảm tính khách quan của bài báo.

Trong một diễn biến khác, Ông Bỉ, chủ đất cho Ông Tấn thuê đất cũng được cho là người nghèo. Tại cái huyện ngoại thành Sài Gòn, người sở hữu 4.000 m2 đất mặt tiền đối diện trụ sở CA huyện mà thuộc hộ nghèo sao? 

Trước đó, dư luận và báo chí cũng đưa tin về trường hợp anh CSKV quật ngã anh bán hàng rong. Một lần nữa, từ khoá người nghèo lại xuất hiện dày đặc. Tự bao giờ người ta cho người nghèo cái quyền được miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm pháp luật.

THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN

Sau khi phỏng vấn các luật sư, nhà báo thường biên tập lại. Do vội vàng nên đôi khi các nhà báo không tránh được sai sót, nhất là thuật ngữ chuyên môn. Những từ hay nhầm lẫn là khởi tố và truy tố, bị can và bị cáo, cải tạo không giam giữ và án treo….

TỘI KINH DOANH TRÁI PHÉP

Đây không phải là vụ án “kinh doanh trái phép” đầu tiên mà dư luận tỏ ra không đồng tình. Vào những ngày này hai năm trước (4/2014), VKSNDTC cũng truy tố Bầu Kiên tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS 1999. Hành vi mà bị cho là phạm tội của Bầu Kiên là góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp khác. Bản án đã có hiệu lực pháp luật nên tôi không bàn đến việc đúng sai. Tôi nghĩ luật sư nào cũng dễ dàng đưa ra luận cứ để bào chữa rằng Bầu Kiên không phạm tội với tội danh này. Với hơn 15 năm hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục đăng ký kinh doanh, chúng tôi đã có hơn ngàn lần làm hồ sơ góp vốn, mua cổ phần cho doanh nghiệp. 

Tại thời điểm đó, mọi cố gắng của báo chí cùng với sự phản ứng của các luật sư đã không làm nên sự thay đổi giống như trường hợp của Quán Xin Chào. Mặc dù, cả hai trường hợp đều áp dụng cùng một bộ luật. Có sự khác biệt nào ở đây? 

- Do Bầu Kiên giàu? 

- Do vụ án được điều tra bởi Bộ Công An chứ không phải CA huyện? 

- Bí thư thành uỷ Hà Nội không đủ thẩm quyền chỉ đạo Bộ Công An?

- Lúc đó, Thủ tướng không phải là Ông Nguyễn Xuân Phúc? 

- Lúc đó, Viện trưởng VKSNDTC không phải là Ông Lê Minh Trí? 

- Mạng xã hội chưa phát triển? 

- Báo chí ngại va chạm ?

- Luật sư không nhiệt tình?

Thật ra, pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị. Vấn đề ở đây là ý chí của của giai cấp thống trị đã thay đổi. Ý chí của giai cấp thống trị thể hiện ở cách áp dụng pháp luật chứ không phải chỉ là văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ như hành vi mua bán hoá đơn không được quy định trong BLHS 1999. Nhưng khi loại tội phạm này phát sinh, xét thấy hành vi này nguy hiểm cho xã hội, các cơ quan tố tụng (CQTT) đã “vận dụng linh hoạt” BLHS 1999 để xử lý loại tội phạm này. Suốt 10 năm (2000 đến 2010), các CQTT đã áp dụng Điều 181 BLHS 1999 (Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác) để xử phạt hành vi mua bán hoá đơn với hình phạt lên đến 20 năm tù.

Dù sao thì chỉ còn 2 tháng nữa, tội danh này sẽ chính thức bị huỷ bỏ trong BLHS 2015. Nó không còn là nỗi ám ảnh đối với người kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh theo hiến định phần nào được thực thi.

VI PHẠM PHÁP LUẬT

Nói gì thì nói nhưng hành vi của Ông Tấn là vi phạm pháp luật. Sau loạt bài về việc Ông Tấn không phạm tội hình sự thì các báo cũng nên có bài viết về hành vi vi phạm hành chính của Ông Tấn. Điều 6, Luật Báo chí có nêu rõ nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. 

Phải khẳng định rõ rằng người kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải xin GCN VSATTP, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

GIẤY PHÉP HAY GIẤY CHỨNG NHẬN

Ông Tấn được cho là không phạm tội, hành vi của ông không cấu thành tội phạm. Một trong những vấn đề xác định có hay không hành vi phạm tội là việc xác định GCN VSATTP là “giấy phép” hay “giấy chứng nhận”.

Thực ra, có một sự CHUYỂN HOÁ TỪ GIẤY PHÉP SANG GIẤY CHỨNG NHẬN trong suốt chiều dài lịch sử từ sau ngày đất nước thống nhất.

Giai đoạn 1975 -1986: Đâu đâu cũng giấy phép 

Lúc này, mọi hoạt động quản lý nhà nước đều thông qua giấy phép. Có những loại giấy phép mà giờ nhìn lại ai cũng không khỏi bật cười.

Giai đoạn 1986 -1999: xuất hiện “giấy phép kinh doanh”

Sau đêm đổi mới (1986), hoạt động kinh doanh của tư nhân bắt đầu hình thành. Người kinh doanh bị bao vây giữa muôn trùng giấy phép. Lúc đó, BLHS 1985 quy định hành vi kinh doanh trái phép là “Người nào kinh doanh không có GIẤY PHÉP hoặc không đúng với nội dung được phép hoặc có hành vi khác trái với quy định của Nhà nước về kinh doanh công thương nghiệp”.

Giai đoạn 1999 -2005: Giấy phép kinh doanh chuyển sang giấy chứng nhận ĐKKD

Đến năm 1999, Điều 159 của BLHS 1999 đã điều chỉnh “giấy phép” sang “đăng ký kinh doanh” và bổ sung thêm “giấy phép riêng”. Đến đây, “giấy phép” trong BLHS 1985 đã chuyển hoá thành “GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH” phù hợp với Luật Doanh nghiệp 1999 (LDN 1999). 

Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 17 của LDN 1999 quy định “Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh các ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GIẤY PHÉP KINH DOANH”. Đây là lý do BLHS 1999 có thêm “giấy phép riêng” tức là “giấy phép kinh doanh” trong LDN 1999 hay còn gọi là “giấp phép con”.

Giai đoạn 2005 -2015: giấy phép chuyển dần thành giấy chứng nhận

Điều 7 của Luật doanh nghiệp 2005 có quy định “Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”.

Từ 2015 đến 1/7/2016: Gần như giấy chứng nhận thay thế cho giấy phép.

Luật Đầu tư 2014 ban hành danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp thoả các điều kiện kinh doanh bằng các giấy chứng nhận. Chỉ còn tồn tại một vài “giấy phép” do không thống nhất trong cách gọi tên. Ví dụ như “Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế”. Đúng ra, nó phải được gọi với tên là “ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lữ hành quốc tế”. 

Tuy nhiên,cho đến nay các bộ ngành liên quan vẫn chưa ban hành các điều kiện đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2014. 

Theo Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI , hiện tại có khoảng 7000 giấy phép con đang hành doanh nghiệp.

Sau ngày 1/7/2016: 

Giấy phép riêng sẽ dần biến mất thay vào đó là giấy chứng nhận và tội danh kinh doanh trái phép cũng không còn tồn tại trong BLHS 2015.

Như vậy, về bản chất giấy chứng nhận là một loại giấy phép. Chẳng qua theo thời gian nó bị đổi tên nên giúp Ông Tấn thoát tội vì xét theo câu chữ thì Điều 159 BLHS 1999 quy định là “giấy phép” mà ở đây nó là "giấy chứng nhận" nên không bị điều chỉnh bởi luật này.

(Ở đây tôi chỉ bàn tới khái niệm giấy phép và giấy chứng nhận còn các yếu tố khác để kết luận Ông Tấn không phạm tội tôi không bàn). 

Chúc cả nhà một tuần vui vẻ

No comments:

Post a Comment