2016/04/26

NGU LẮM ÔNG PHÀM Ạ!

Chân dung ông Phàm (Nguồn: internet). 

Theo tin từ VTC News, trả lời phỏng vấn VTC 14 xung quanh mối tương quan giữa hoạt động của các nhà máy và hiện tượng cá chết tại một khu vực biển miền Trung. ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cho hay: 
"Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại". 
Rất nhanh chóng dư luận đã tỏ ra phẫn nộ đằng sau câu nói của ông Phàm.

Cho đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa có bất cứ một kết quả chính thức về hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển Miền Trung. Tuy nhiên, một thực tế dễ thấy với sự đưa tin thiếu thận trọng của báo chí, dư luận đang tập trung chú ý số 1 tới hoạt động của hệ thống nhà máy thuộc khu Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh). Đây cũng là nguyên nhân nhiều cơ quan báo chí đua nhau tập trung khai thác, phỏng vấn nhiều cơ quan liên quan. Ông Chu Xuân Phàm là một trong số các cá nhân nhận được sự "quan tâm đặc biệt" ấy. Song chính lỗi trong diễn đạt câu cú cùng sự quá non nớt về mặt kinh nghiệm trong trả lời báo chí đã khiến ông Phàm nhận không ít gạch đá của dư luận. 

Thậm chí đáng buồn hơn, từ câu trả lời thiếu tính toán của ông Phàm, một bộ phận dư luận đang tự thỏa mãn với câu trả lời: Hiện tượng cá chết do chất thải từ hệ thống các nhà máy thuộc Formosa (?). 
Nên hiểu thế nào về phát biểu của ông Phàm? 
Tôi gọi ông Phàm là trường hợp ếch chết tại tiếng kêu. Bởi nếu là người thông minh thì trong trường hợp dư luận đang chú ý đặc biệt tới mình với tư cách là nguyên nhân của một hiện tượng tiêu cực thì tốt hơn hết là im lặng. Sự ham hố thiếu tính toán và sự sàm ngôn, không biết tiết chế cảm xúc trong phát biểu đã khiến ông Phàm trả giá. 

Những ai theo dõi bài báo của VTC News sẽ thấy trong bài viết có đoạn "nói thêm" về phát biểu của ông Phàm: "Giám đốc đối ngoại của Formosa cũng nói rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá". Xét về mặt ngữ nghĩa thì đoạn phát biểu này so với đoạn phát biểu trên đó đều đề cập tới một nội dung sự việc. Vậy nhưng, nếu xét về mặt cường độ, tính chất lời nói thì sẽ thấy rằng có một sự lệch pha không nhỏ trong cách diễn đạt của ông Phàm. 
Nếu như  ở câu: "Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại" ông Phàm đã phạm vào lỗi đánh giá nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt theo chiều hướng đó là lẽ tất yếu, là lẽ phải thế nếu muốn phát triển công nghiệp (cụ thể là nhà máy thép hiện đại). Nghĩa là theo ông Phàm đã có một sự đánh đổi ngay từ đầu mà dư luận, đa số những người liên quan không được biết. Với cách nói này nên thật dễ hiểu dư luận đã ngay lập tức ngầm hiểu nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do chất thải công nghiệp. 
Thì ở câu sau đó, ông Phàm đã diễn giải một ý có vẻ khác hơn với trước đó. Theo đó, ông Phàm có vẻ như đang nói nhiều hơn về một khó khăn mà theo quan sát thì không riêng gì Việt Nam đang gặp phải, đó là giải quyết bài toán giữa phát triển và việc bảo vệ môi trường (khái niệm phát triển bền vững). Tách bạch câu: "Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá" sẽ hiểu rõ hơn điều ông Phàm đang muốn truyền tải. Cụ thể hơn, ông Phàm đang lí giải sự việc theo chiều hướng biện chứng. Việc cá chết hàng loạt "có thể" là cái giá chúng ta phải trả cho sự phát triển với tốc độ cao; là một vấn nạn chung mà không riêng gì Việt Nam đang phải lãnh nhận! 
Tôi tin chắc rằng dư luận sẽ không phẫn nộ đến thế nếu ông Phàm diễn đạt được như ý sau của bài phát biểu! 
An Chiến

No comments:

Post a Comment