2016/04/21

Liệu có chuyện phân biệt đối xử với người tự ứng cử?

Kính Chiếu Yêu



Thông tin được công bố tại phiên họp thứ tư của Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Tổng số ứng cử viên cả trung ương và địa phương là 1.146 người, trong đó các cơ quan trung ương 197 người, địa phương 949 người, ngoài ra 154 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 ĐB được bầu.

Hiệp thương vòng 3 đã kết thúc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người ở khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Các địa phương cũng đã tiến hành xong hội nghị hiệp thương và chốt danh sách ứng viên. Từ nay đến ngày bầu cử nếu còn khiếu nại, tố cáo thì sẽ tiếp tục giải quyết.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5/2016).

Dư âm sau ngày hiệp thương lần 3 nổi lên vấn đề, liệu có phân biệt đối xử với người tự ứng cử? 

Đến hết ngày 13 tháng 3 năm 2016, hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử, theo thống kê của Ủy ban bầu cử, ở Hà Nội, có 47 người tự ứng cử, Đà Nẵng 3 người, Nghệ An 5 người, Quảng Nam 3 người, Hà Tĩnh 1 người, TP Hồ Chí Minh thì có đến 50 người tự ứng cử trong tổng số 90 hồ sơ ứng viên. Cả nước có 162 hồ sơ tự ứng cử, sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, còn lại 154 do có 8 người tự rút lui.

Kết thúc hiệp thương vòng 3, trong 154 người tự ứng cử chỉ có 4 ứng viên được chọn, trong đó Hà Nội có 2 và TP Hồ Chí Minh 2. 4 ứng viện được chọn đều là những người có tiếng tăm và nhiều cống hiến cho xã hội, đất nước.

Trường hợp ứng viên Trần Đăng Tuấn tự ứng cử ở Hà Nội không được chọn khiến dư luận quan tâm nhất, còn lại hầu như dư luận phổ thông đồng thuận với kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, một số hãng thông tấn nước ngoài, những nhà dân chủ cuội thì lại rất ồn ào về những ứng viên tự ứng cử của họ bị loại như: Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình, Vũ Ngọc Bình, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Thúy Hạnh, Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Kim Môn, Phan Văn Phong, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành, Phạm Văn Việt, Nguyễn Công Vượng (Vượng Râu), Ngô Anh Tuấn (Hà Nội); Lê Văn Luân (Bắc Ninh); Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc); Ngô Xuân Phúc (Nghệ An); Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Văn Hòe, Lê Khánh Luận, Lâm Ngân Mai, Nguyễn Trang Nhung, Võ Văn Thôn, Nguyễn Chí Trung (TP. Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Kim Anh (Đồng Nai); Võ An Đôn (Phú Yên); Đỗ Nguyễn Mai Khôi (Khánh Hòa); Bùi Minh Quốc (Đà Lạt); Nguyễn Văn Thạnh (Bình Định)…

Sự thật là, tất cả các ứng viên đó đều không vượt qua 50% phiếu tín nhiệm tại các hội nghị cử tri nơi cư trú. Người có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số họ là Ngô Anh Tuấn 36/76 phiếu, còn lại phần lớn là dưới 10 phiếu. 

Sau hội nghị cử tri lấy phiếu tín nhiệm, trước thất bại nặng nề dàn đồng thanh các nhà dân chủ cuội om sòm rằng: Họ bị đấu tố, họ bị lép vế vì màn kịch "đại diện cử tri". Nguyễn Xuân Diện trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài rằng: "Qua quan sát tôi thấy tất cả hội nghị cử tri và những ứng cử viên tham gia như là một cuộc đấu tố man rợ và bỉ ổi của cải cách ruộng đất. Tối hôm qua đã đến hội nghị cử tri của tôi như là đi vào pháp trường với sự thị uy của lực lượng chức năng, công an, rồi công an chìm băng đỏ các thứ nhưng rồi cái kết quả là thứ nhất, những ứng cử viên độc lập đều nếm trải cuộc đấu tố." Còn Nguyễn Quang A thì lảng tránh rằng: "6 ý kiến phát biểu với ý chính, TS không tham gia sinh hoạt với tổ dân phố và học hành nhiều nhưng không đóng góp gì cho đất nước”.

Cách lập luận của những nhà dân chủ cuội bị thất sủng liệu có đáng quan tâm, có thuyết phục? Hẳn nhiên là không, vì rằng hội nghị đại diện cử tri chỉ là một trong nhiều kênh thông tin để Hội nghị hiệp thương đánh giá về ứng viên. Những người đại diện cử tri là những người được dân chúng tín nhiệm ở cơ sở, có đủ năng lực hiểu biết, phẩm chất đạo đức và sự công tâm để thay mặt họ. Nói họ là những "vai diễn" của chính quyền là một sự xúc phạm. Và chính cách tư duy này đã bộc lộ một vấn đề bản chất là họ không bao giờ đi chung đường với nhân dân thì làm sao có được phiếu tín nhiệm!

Liệu các nhà dân chủ cuội có thấy việc chấp nhận họ, đưa vào danh sách ứng viên mặc dù hoạt động của họ đi trái với chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, thậm chí ví phạm pháp luật là một cử chỉ dân chủ. Ứng viên Nguyễn Quang A, người tiên phong trong "phong trào" tự ứng cử đã từng đứng dưới cờ vàng chống cộng lưu vong ở Đức, Mỹ để trình bày kế hoạch lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam, đã từng tuyên bố là việc ứng cử của ông ấy nhằm để phá cuộc bầu cử nhưng ông ấy vẫn lọt đến vòng 3 hiệp thương.

Khi nói rằng, "tất cả hội nghị cử tri và những ứng cử viên tham gia như là một cuộc đấu tố man rợ và bỉ ổi của cải cách ruộng đất" liệu họ có thừa nhận một thực tế là chỉ có những người như họ mới bị cử tri chất vấn, phê phán "đấu tố". Thậm chí cử tri đã sổ toẹt "học hành nhiều nhưng không đóng góp gì cho đất nước", không tham gia hoạt động ở tổ dân phố nơi mình sinh sống. Họ sẽ đại diện cho ai, nói tiếng nói của ai khi mà điều sơ đẳng nhất của một đại biểu đại diện cho nhân dân là phải thấu hiểu cuộc sống của dân. Cùng là tự ứng cử như họ còn có hàng chục người khác, vì sao những người đó không bị "đấu tố" mà còn được 100% phiếu tín nhiệm của cử tri.

Thất bại của những nhà dân chủ cuội trong lần hiệp thương này, nhất là sự bất tín nhiệm của nhân dân cho thấy thái độ của dân chúng đối với họ là bất hợp tác. Lẽ ra họ phải thấy đấy là thất bại của động cơ phản dân, hại nước, thất bại của phương thức dân chủ cuội nhưng họ đã không dám nhận đó là sự thật mà còn cố la lối om sòm lên để tự vã vào mặt mình một lần nữa. Cái thứ dân chủ ấy sẽ không bao giờ có chổ đứng ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment