2016/04/27

LẠM BÀN VỀ CLIP THỬ NGHIỆM CÁ CHẾT Ở BIỂN VŨNG ÁNG CỦA VTC NEW

Thông tin về cá chết ở vùng biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh mấy ngày qua đã gây xôn xao trong dư luận, gây nên nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong khi chờ kết quả xác định để tìm ra nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở biển tỉnh Hà Tĩnh thì trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều thông tin thêu dệt, thổi phồng về vụ cá chết này ở các trang tin tạp nham, gây hoang mang trong dư luận. Theo thông tin từ truyền thông đại chúng, 2h chiều ngày 27/4/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ họp báo công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước biển và kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.

Cận cảnh "thí nghiệm" thiếu căn cứ, dẫn chứng thuyết phục của báo VTC New về vụ cá chết (Nguồn: Ảnh được cắt từ Clip).

"Đồng hành" cùng với những thông tin không chính thống trên, xuất hiện một số phóng viên báo chí thuộc loại "kền kền" khi đưa những thông tin phiến diện, chưa xác minh tài liệu rõ ràng, đã vội vàng "quăng vội" lên báo. Vụ cá chết hàng loạt ở biển Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung là vấn đề mà đại đa số bà con không chỉ người dân Hà Tĩnh, các tỉnh khác (Nghệ An, Quảng Bình, Huế...) quan tâm mà người dân cả nước cũng hướng về lo lắng cho chất lượng nước biển cũng như nguồn thuỷ, hải sản và sức khoẻ con người ở đây. Vì thế, khi vào công vụ tìm kiếm Google gõ cụm từ "cá chết hàng loạt" thì nó cho ra hàng trăm ngàn kết quả chỉ trong một vài giây. Điều này, dễ giải thích cho việc, một số tờ báo online nhận biết được xu hướng, sự quan tâm của độc giả nên đã đăng các thông tin liên quan đến vụ việc hiện đang nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận này để tăng lượng view (lượt xem).

Tuy nhiên, khi quá chú tâm vào việc đưa lại lượng view cao thì việc đảm bảo chất lượng tin bài, tính xác thực trong thông tin bài viết không được đảm bảo. Bởi thế, ngày 26/4/2016 vừa qua, báo mạng VTC New có đăng Clip thử nghiệm ở chuyên mục video "Kinh hoàng: Cá chết chỉ sau 2 phút bơi trong nước biển Vũng Áng" của Biên tập viên (BTV) Bá Thắng. Ngay sau khi đăng tải, link video này đã được nhiều người dùng mạng chia sẻ, khiến người dân hoang mang vì tính chất của vụ việc. Trong phóng sự (clip) trên, dù BTV Bá Thắng nói rằng: "Phóng sự (clip) chỉ phản ánh quan sát trực quan của phóng viên, không phải là kết luận khoa học. Dù vậy, thí nghiệm này cũng rất đáng lưu tâm" nhưng đó thực sự không ngăn được sự tò mò, thậm chí quá khích của một số bộ phận người dân thiếu hiểu biết. 

Nội dung trong Clip mà BTV Bá Thắng của báo VTC New nói rằng:
"Một cuộc thử nghiệm thực tế để xem xét mức độ nhiễm độc của nước biển Vũng Áng"."Theo ghi nhận của bản tin, nước biển tại các lồng bè của các hộ nuôi cá trên biển Vũng Áng có “dấu hiệu bất thường”. Nước biển chuyển sang màu vàng đục. Theo mô tả của PV, nước này khi ngửi có mùi thơm giống mùi mía. Hít vào thì ngay lập tức bị shock, sau 1 phút thì bị váng đầu, khó chịu". 
BTV Bá Thắng cho vào nước biển (được lấy từ vùng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã được đổ vào chậu nước và thả vào đó 2 con cá. Theo diễn biến trên Clip thì "ở thời điểm 1ph25, cá bơi chậm dần. Tại thời điểm 2ph, cả 2 con cá đều ngửa bụng và chết hẳn"Ở Clip này và cách làm của BTV Bá Thắng nói riêng và việc xét duyệt cho đăng tải Clip trên của báo VTC New nói chung đang có quá nhiều điểm nghi vấn, chưa thuyết phục được khán giả, nếu xem xét kỹ lưỡng, khách quan.

Thứ nhất, về quá trình lấy nước, nước mà BTV Bá Thắng lấy về để đổ vào chậu nước liệu có lấy đúng nơi có cá chết hay không? Hay có thể, BTV này lấy mẫu nước này ở nơi có nhiều rác thải hoặc có nhiều dầu của tàu thuyền neo đậu hay không? Vì, nếu lấy mẫu nước ở khu vực có nhiều rác thải tồn đọng hay khu vực có nhiều dầu của tàu thuyền neo đậu thì cũng là nguyên nhân khiến cho 2 con cá không thể sống sót chứ chưa cần đến nguyên nhân nào khác.

Thứ hai, nguồn gốc của 2 con cá được BTV Bá Thắng cho làm "diễn viên chính" khi thả nó vào chậu nước chưa được làm rõ. Hai con cá đó được BTV hay người nào bắt từ đâu? Hai con cá đó thuộc cá biển hay cá nước ngọt? Vì nếu 2 con cá này từ nước ngọt thì khi bỏ chúng vào chậu nước biển thì việc chúng bị chết là dĩ nhiên, khoa học chứng minh điều đó. 

Những ngày này, khi mà thông tin về cá chết hàng loạt ở bờ biển Hà Tĩnh và các tỉnh khác thuộc miền Trung - khúc ruột của cả nước được các cơ quan truyền thông đại chúng phản ánh thì đã tạo nên một tâm lý hoang mang trong dư luận. Những thông tin, những bài viết chia sẻ như: Ngư dân vay tiền đóng tàu mà nay không dám căng buồm ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản. 

Bởi vì, đánh bắt tôm, cá về, hàng không bán được vì người tiêu dùng lo sợ, không dám mua khi cho rằng, tôm cá bị nhiễm độc. Những tiểu thương nhỏ lẻ bán buôn ở chợ cũng không có thuỷ hải sản để bán và cũng không dám bán vì không có người mua, hàng ế ẩm. Rồi các khách sạn, nhà nghỉ dọc các bãi biển thuộc các tỉnh miền Trung không còn đông nghẹt khách du lịch đến tắm biển, ngành du lịch ở những khu vực này ít nhiều bị ảnh hưởng đến doanh thu... Những thông tin về tình cảnh này có lẽ đang và sẽ xảy ra ở nhiều địa phương khác dọc miền Trung.

Kiểu đưa thông tin nóng vội, không kiểm soát, chạy theo lượng view mà xem nhẹ sự ảnh hưởng của những tin bài trên tới cuộc sống của chính người dân - đối tượng mà cả trên báo chí lẫn mạng xã hội đều ra sức "bảo vệ". Việc tìm ra nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt, xét xử nghiêm minh và có những biện pháp khắc phục là những việc phải làm. Tuy nhiên, nó cần có cách thức chuyên nghiệp, có tính khoa học, đa chiều và không cảm tính, chủ quan, nóng vội. 

Mỗi một phóng viên, nhà báo thuộc mỗi cơ quan báo chí hoặc là một phóng viên, nhà báo tự do, khi hoạt động trong môi trường báo chí thì trước hết đều phải nắm được tính chuyên nghiệp trong báo chí và ngoài "cái đều nóng và quả tim lạnh" thì đạo đức nghề nghiệp người làm báo hết sức được đề cao và chú trọng. Lợi dụng vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, lợi dụng tâm lý đám đông ghét Trung Quốc của người dân Việt Nam, những "anh hùng bàn phím" với danh xưng "dân chủ" đã có những động thái xuyên tạc, bịa đặt và thổi phồng vụ việc hòng "lái" dư luận, kích động một số bộ phận người dân nhẹ dạ cả tin có những hành động quá khích, đi ngược lại với lợi ích của số đông. 

Khi mạng internet phát triển, tính tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam cao nên không loại trừ khả năng những phần tử quá khích, các thế lực thù địch lợi dụng vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung để kích động, xúi giục một số người dân nhẹ dạ cả tin tham gia những hoạt động mang tính chất chống phá chính quyền hơn là bảo vệ lợi ích của người dân. Vì thế, mỗi một người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ, có lập trường, quan điểm vững vàng để không bị những cá nhân, những hội nhóm thù địch lôi kéo, xúi giục bởi những thông tin sai trái, lệch lạc. 

An Chiến

* Thử nghiệm khốn nạn của VTC1 ở biển Vũng Áng

Kính Chiếu Yêu
VTC1 đưa hẳn một bản tin trên kênh truyền hình của mình với vidieo thực nghiệm "tại chỗ" của phóng viên Bá Thắng: Thử nghiệm tại biển Vũng Áng: Cá đang sống khỏe bỗng lăn ra chết chỉ sau 2 phút.

            2 con cá đã bơi chậm dần và chết chỉ sau 2 phút. Ảnh cắt từ video.

Dẫu đã thòng một câu: "Phóng sự (clip) chỉ phản ánh quan sát trực quan của phóng viên, không phải là kết luận khoa học. Dù vậy, thí nghiệm này cũng rất đáng lưu tâm". Song xem hết clip mới thấy sự khốn nạn của VTC và gã phóng viên lá ngón Bá Thắng.
VTC nói rằng, "một cuộc thử nghiệm thực tế để xem xét mức độ nhiễm độc của nước biển Vũng Áng". Nhưng người xem ngớ ngẩn nhất cũng thấy độc tố của phóng sự nguy hiểm thế nào với bạn đọc.

VTC nói rằng: "Theo ghi nhận của bản tin, nước biển tại các lồng bè của các hộ nuôi cá trên biển Vũng Áng có “dấu hiệu bất thường”. Nước biển chuyển sang màu vàng đục. Theo mô tả của PV, nước này khi ngửi có mùi thơm giống mùi mía. Hít vào thì ngay lập tức bị shock, sau 1 phút thì bị váng đầu, khó chịu". Tuy nhiên ai cũng có thể thấy nước biển chỗ họ đứng thì trong xanh, còn chai nước họ lấy đổ ra chậu thì vàng đục như được múc từ sông Tô Lịch Hà Nội.
Đã là thực nghiệm tại hiện trường tại sao họ không múc ngay nước dưới chân họ đổ vào chậu mà mang sẵn một chai nước khác biệt về lý hóa từ đâu đó để đổ vào chậu. Lại còn nói, chỉ ngửi nước thôi cũng đã thấy đầu choáng váng. Vậy mà họ đang đứng trên chính biển nước ấy mà vẫn không chết mới tài. Chỉ có cái chậu là tại chỗ còn chai nước và cái mồm thối của BT là mang từ VTC đến. 

Đúng là thử nghiệm độc tính của nước biển "tại chỗ" với 2 con cá thì thấy, "ở thời điểm 1ph25, cá bơi chậm dần. Tại thời điểm 2ph, cả 2 con cá đều ngửa bụng và chết hẳn". Với chậu nước ấy, chắc hẳn thả cả gả phóng viên vào đó ắt hẳn hắn cũng chết sau 2ph.
Chẳng lẽ lòng trung thực (đạo đức nhà báo) bây giờ cũng có độc tố! Đã gọi là "thực nghiệm tại chỗ" mà chỉ có chỗ đứng và con người là "tại chỗ", còn nước và cá thì mang từ nơi khác đến thì "phóng sự" này còn kém xa so với mấy bà bán cá ở chợ.
Dối trá đã ngấm thành độc tố trong VTC, than ôi thời của báo lá ngón đang thịnh trị!

P/s Mời xem clip của VTC 

*Xuất hiện những nghi vấn xung quanh Clip thử nghiệm cá chết sau 02 phút của VTC

Mẹ Đốp

"Cá chết sau 02 phút" là một Clip có tính thử nghiệm được cho là của Đài VTC. Về mục đích của việc thực hiện Clip này không ngoài cung cấp một cái nhìn tương đối mới về nguyên nhân tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra hơn 20 ngày qua tại vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trước khi Bộ Tài Nguyên & Môi trường có công bố kết quả chính thức (Dự kiến là ngày mai cơ quan này sẽ công bố kết quả). 

Và cũng thật dễ hiểu khi ngay sau Clip được đăng tải đã thu hút được sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Hoang mang, lo sợ là tâm lý chung của những ai đã từng tiếp cận Clip và không loại trừ nếu hoạt động thử nghiệm được nói đến trong Clip đảm bảo yếu tố khoa học, thực hiện đúng quy trình thì nó sẽ hoàn toàn trùng hợp với kết quả sẽ được Bộ Tài Nguyên & Môi trường công bố; và đương nhiên, Formosa Hà Tĩnh sẽ khó tránh khỏi liên đới, thậm chí là chịu trách nhiệm cho một thảm họa đã kéo dài đến hơn 20 ngày (?)

Tuy nhiên, không lâu sau khi đăng tải, Clip đã vấp phải không ít luồng ý kiến trái chiều; trong đó, có người đã nghi ngờ VTC đã dàn dựng clip giả để đánh lừa người dân? Clip sau đây được đăng tải trên Youtube là một trong những bằng cớ cho sự nghi ngại được nói đến. 

Video tố cáo VTC làm Clip giả (Nguồn: Youtube). 



Tương tự các nội dung được Clip trên phản ánh, trong bài báo có tên "Sự thật vụ clip nước biển Vũng Áng giết chết cá chỉ sau 2 phút" được đăng trên trang tin của Báo Trí thức trẻ (Soha News), báo này đã đặt vấn đề về điều này như sau: "Dù chưa biết tính xác thực việc con cá trong clip này là cá nước ngọt hay cá nước mặn, nguồn nước biển trong đoạn clip được lấy từ vùng nào nhưng khi xem video, cư dân mạng và người dân thật sự hoang mang và có phần lo sợ". 
Nhà hàng nơi cung cấp nguồn nước cho đoàn Quan trắc môi trường và đoàn PV làm clip 2 phút khiến cá chết trong nước biển Vũng Áng (Ảnh từ Soha News). 
Để làm rõ hơn về nội dung này, phóng viên của báo Trí thức trẻ đã trực tiếp tiếp cận hiện trường, nơi được cho là khu vực mà Phóng viên của VTC nhắc đến trong Clip. "Theo tìm hiểu của PV, nguồn nước mà đoạn clip trên bắt nguồn từ nhà hàng bè nổi bán đồ biển có tên L.H. ở Cảng Vũng Áng.

Người chủ quán xác nhận, ngày 26/4, có đoàn Quan trắc môi trường và đoàn PV về trực tiếp lấy mẫu nước biển tại quán.

Tuy nhiên, người chủ quán này cho biết, lượng nước mà chị cung cấp là nước được lấy từ thời điểm sau ngày 4/4, lúc xảy ra tình trạng cá chết tràn lan ở một số xã của TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

“Thời điểm đó, đoàn Quan trắc lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, còn đoàn PV lấy mẫu nước thì không biết để làm gì. Mẫu nước đó là chúng tôi lấy lúc xảy ra tình trạng cá chết nhiều, lưu lại để các đoàn về lấy mẫu để xét nghiệm tìm nguyên nhân”, người chủ quán này nói.

Cũng theo vị chủ quán này, đến tối 26/4, họ thấy trên tivi và các trang mạng đoạn video thí nghiệm 2 phút thả vào nước biển Vũng Áng khiến cá chết nhưng không nói rõ thời gian khiến các quán hàng ở vùng Cảng Vũng Áng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ở vùng biển Vũng Áng, người dân vẫn xuống biển bình thường vì họ cho biết, nước biển sạch, không gây ngứa hay bệnh gì.

“Thí nghiệm đó họ lấy nước ở đây nhưng không làm ở quán chúng tôi mà lại đưa đi quán khác. Nước đó chúng tôi lấy từ lâu, còn nước biển hiện tại vẫn bình thường, cá vẫn sống chứ không có vấn đề gì cả”, người chủ quán này thông tin tiếp".
Ai là người chịu thiệt hại sau khi Clip "Cá chết sau 02 phút" được đăng tải? 
Có lẽ đây là câu hỏi không quá khó đề có câu trả lời. Vẫn biết về lâu dài thì việc tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt là rất cần thiết để có giải pháp phòng ngừa thực sự chiến lược. Tuy nhiên, trong cái cách mà nhóm phóng viên VTC thực hiện đã không những không đi tới kết quả cuối cùng mà có vẻ như đang làm phức tạp thêm tình hình khi cố đi chứng tỏ rằng nước tại khu vực Vũng Áng - Formosa là nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt. Chính góc nhìn có tính áp đặt đó đã không chỉ ảnh hưởng tới kết quả khách quan của sự việc mà đã, đang làm cho cuộc sống mưu sinh của những người sống nhờ vào biển trở nên điêu đứng. 
Lẽ ra cuộc sống của họ đã có thể quay lại bình thường sau 20 ngày cá chết khi mà "cá và mực trong lồng bè ở Cảng Vũng Áng vẫn sống bình thường" và "Nước biển hiện tại thì rất trong sạch, họ làm bậy bạ như vậy ảnh hưởng đến các quán chúng tôi. Giờ họ muốn vào ăn hải sản cũng không dám ăn nữa". Thiết nghĩ, cùng với việc nhanh chóng có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết, đã đến lúc cơ quan chức năng cần làm rõ tính khách quan, khoa học và trách nhiệm của nhóm phóng viên tự thử nghiệm, đăng tải kết quả lên Internet? Đó là điều cần thiết để trấn tĩnh, làm yên lòng dư luận trước mưu đồ của những kẻ đang cố tình lợi dụng, biến sự kiện cá chết trở thành một cái cớ để kích động xuống đường tuần hành! 

No comments:

Post a Comment