2016/04/22

"Không phải cứ làm luận án tiến sĩ là phải chọn vấn đề to tát, hoành tráng!?"

"Không phải cứ làm luận án tiến sĩ là phải chọn vấn đề to tát, hoành tráng bởi hai mươi năm trước đã có hàng chục trường ở các nước phát triển nghiên cứu nhiều vấn đề cụ thể như hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Đó là những đề tài có tính thực tiễn để nói lên văn hóa”.
Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về “lò đào tạo tiến sĩ” trên website của Học viện Khoa học Xã hội- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Viện Nam bởi tính trung bình cứ 1 ngày 1 giờ 15 phút sẽ "ra lò" một tiến sĩ. Ngày 22-4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo đưa ra những thông tin chính thức về vấn đề này.
Tại cuộc họp, GS.TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội-thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 cơ sở đào tạo TS đầu tiên. Đây là những cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ đầu tiên vào năm 1978.
Hiện nay, học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành. Như vậy, mỗi ngành chưa đầy 10 chỉ tiêu. Hiện nay, Học viện Khoa học Xã hội có 412 GS, PGS, TS đang tham gia giảng dạy. Ngoài ra, học viện còn huy động gần 2000 giảng viên khác trên toàn quốc tham gia giảng dạy, nghiên cứu.
GS, TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học Viện khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì họp báo tại Hà Nội ngày 22-4
GS Võ Khánh Vinh cũng cho rằng: Chỉ tiêu nghiên cứu sinh như vậy là “số lượng chỉ tiêu còn khiêm tốn, còn quá ít ỏi đối với một cơ sở duy nhất chỉ đào tạo Ths, TS trong cả nước”.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc “có phổ cập tiến sĩ không?”, PGS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng: Nếu nhìn tổng thể, hiện nay số lượng tiến sĩ tại Việt Nam đang thiếu hụt nhiều. Chúng ta không thể nhìn vào 350 tiến sĩ một năm để nói nhiều hay ít, mà phải căn cứ tỷ lệ dân số hơn 90 triệu dân. Số tiến sĩ còn quá ít so với khu vực.
Cũng theo ông Vinh, một số lĩnh vực rất mới ở Việt Nam không có nơi nào đào tạo, ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Nếu chỉ nhìn vào một con số để phân tích sẽ có cái nhìn phiến diện. Đến năm 2020, số đào tạo tiến sĩ của học viện có thể lên đến 450 - 500 người, bởi muốn có chất lượng cần đảm bảo yếu tố số lượng.
Liên quan đến thắc mắc của nhiều người về việc có nhiều đề tài được dư luận xã hội cho là quá hẹp và có phần vụn vặt, chưa xứng tầm với trình độ tiến sĩ, GS.TS Vũ Dũng người trực tiếp chủ nhiệm đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" khẳng định, đây là một đề tài tốt và mang ý nghĩa thực tiễn.
Ông Dũng chia sẻ, không có giao tiếp thì không có con người và xã hội. Trong đó vấn đề giao tịch UBND xã có ý nghĩa thực tiễn, khi ở Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã. Trong số đó các tỉnh có nhiều xã nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội… Đồng nghĩa với con số đó là với 11.164 Chủ tịch UBND xã.
Lý do nghiên cứu bởi xã là cấp chính quyền gần dân nhất để triển khai các chính sách đến với dân. Tuy nhiên, không phải chủ tịch xã nào cũng gần dân đúng nghĩa, những hành vi hách dịch, nhũng nhiễu vẫn còn. Điều này không thể nói một cách cảm tính mà cần phải được chứng thực bằng thực tiễn. Với ý nghĩa đó, đây có thể xem là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao.
Cũng theo ông Dũng, không phải cứ làm luận án tiến sĩ là phải chọn vấn đề to tát, hoành tráng bởi hai mươi năm trước đã có hàng chục trường ở các nước phát triển nghiên cứu nhiều vấn đề cụ thể như hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Đó là những đề tài có tính thực tiễn để nói lên văn hóa”.

No comments:

Post a Comment