2016/04/26

“Dọa” ném bom tàu Trung Quốc, Ứng viên Tổng thống Philippines muốn nói gì?

Chiềng Chạ

Nữ nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago. Ảnh: ABS-CBN News
Philipines đang bước vào vòng tranh luận thứ 3 (vòng cuối cùng của các ứng cử viên) để tìm ra người sẽ thay thế ông Benigno Aquino trên cương vị Tổng thống ở đất nước của những cơn bão khủng khiếp. Theo đó, tại vòng này các ứng viên sẽ tiếp tục hành trình thuyết phục cử tri cả nước thông qua việc vạch ra những chương trình/ dự án mà mình sẽ tiến hành trên cương vị Tổng thống mới. Nữ nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago đã khiến cho dư luận trong nước, thế giới phải để ý đến bà qua tuyên bố: "Nếu tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của Philippines để đánh cá, tôi sẽ lệnh ném bom các tàu này”. 

Tất nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong bài phát biểu của bà Miriam Defensor-Santiago tại vòng tranh luận thứ 3, diễn ra ngày 24/4 tại thành phố Dagupan. Và trước khi 'phát ra lời đe dọa sử dụng vũ lực trong đối phó với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, ứng viên Tổng thống Philipines đã nhấn mạnh vai trò của công cụ pháp lý như một thứ giải pháp căn cơ, lâu dài giúp Philipines khẳng định quyền đánh bắt cá của Philippines ở vùng biển có tranh chấp và thậm chí là có thể sẽ chấm dứt các hoạt động xung đột trong thời điểm hiện tại. 
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc đưa ra lời đe dọa tiềm tàng tới Trung Quốc của bà Miriam Defensor-Santiago phải chăng đơn thuần chỉ phục vụ mục tiêu thu hút sự chú ý của dư luận để đi sâu hơn vào các vòng sau? Hay chăng nó còn cho thấy một thực tế là Philipines sẽ không chỉ phải giải quyết mối tương quan trong mối quan hệ với Trung Quốc mà còn cả Mỹ nữa? 
Có một thực tế không ai không biết, cho đến thời điểm hiện tại Philipines phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải với các quốc gia liên quan; trong đó có Trung Quốc. Sự phụ thuộc ấy không chỉ diễn ra trên phương diện phương pháp, cách thức mà còn lộ trình tiến hành nhưng sự thật thì tất cả vẫn không tiến triển thêm một bước nào ngoài trừ nước này đã hoàn tất, gửi hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Quốc tế tại Lahay (Hà Lan). Chính quyền do Tổng thống Begnigno Aquino đứng đầu dường như đã đặt trọn sự tin tưởng vào sự phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài quốc tế mà không có thêm bất cứ một động thái nào mặc cho Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng các hoạt động vi phạm và gây hấn trên biển. Những phát ngôn của Tổng thống Begnigno Aquino vì thế cũng chỉ dừng lại ở phương diện ngôn từ đơn thuần mà thôi! 

Trong các chuyến thăm tới các nước tại khu vực Đông Nam Á nói chung, các nước có tranh chấp trên Biển Đông nói riêng chính giới Mỹ đã liên tục phát đi những tuyên bố kiểu đao to búa lớn; rằng họ sẽ ủng hộ hết sức các nước liên quan trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cũng không quên chỉ trích, lên án các hoạt động gây hấn, gia tăng các tranh chấp của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, nếu ai theo dõi kỹ thì Mỹ chỉ khuyến khích các nước giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng phương pháp hòa bình, bằng các cuộc khởi kiện pháp lý đơn thuần và vấn đề sử dụng các vấn đề khác như vũ trang đã không được đề cập tới. Hay nói cách khác, Mỹ đang triển khai chính sách hai mặt trong quan hệ với Trung Quốc cũng như trong quan hệ các nước có tranh chấp liên quan. Theo đó, điều họ cần không phải là các nước có tranh chấp liên quan (trong khu vực Asean) thắng cuộc hay buộc Trung Quốc phải nhân nhượng, chấm dứt các hoạt động tranh chấp trên Biển Đông mà là duy trì tình trạng tranh chấp hiện tại. 

Sẽ không quá khó để lí giải tại sao Mỹ trở nên mâu thuẫn trong hành động và lời nói của mình và cũng xin nói luôn là điều này cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới mục tiêu "kìm hãm sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc" đã từng được người Mỹ nói đến trước đó. Cụ thể, không có sự bế tắc trong giải quyết các tranh chấp thì đồng nghĩa sẽ chẳng ai thèm liên hệ để mua vũ khí từ Mỹ để đảm bảo rằng có thể đem ra sử dụng trong trường hợp cần giải quyết bằng phương pháp vũ trang. Nguồn thu khổng lồ từ các thương vụ buôn bán vũ khí vì thế sẽ vẫn chấm dứt nếu tình trạng hiện tại được thay đổi, dù là thay đổi về mặt quan điểm ứng xử... 

Mặt khác, một khi mà sự nghi kỵ, căm ghét Trung Quốc vẫn tồn tại dai dẳng trong tâm lý, suy nghĩ của các nước Asean, nhất là các nước có tranh chấp thì đó là thứ vũ khí vô hình mà Mỹ cần thiết lập để cản trở sự trỗi dậy cũng như hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc - các nước Asean. Trung Quốc vì thế cũng trở nên khó khăn hơn trong việc biến Asean trở thành sân sau, "khu vực ảnh hưởng của mình"! Và xin thưa rằng, điều khiến người Mỹ không yên tâm nhất chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều của Trung Quốc trên lãnh thổ của các nước thuộc Asean và lí do không ngoài thu hẹp, hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này! 

Cho nên, đây có thể xem là các lí do Mỹ vẫn muốn duy trì tình trạng tranh chấp trong lặng thinh trên Biển Đông. Ứng cử viên tổng thống Miriam Defensor-Santiago thấy rõ điều đó và không ngần ngại chỉ cho những người chưa rõ thấy! Và tin chắc rằng, nếu bà Miriam Defensor-Santiago trở thành Tổng thống Philipines trong cuộc bầu cử sắp tới thì đồng nghĩa tình trạng tranh chấp dai dẳng, âm ỉ trên Biển Đông sẽ có cơ hội được hóa giải!

No comments:

Post a Comment