2016/04/15

CÁI SỰ THƯỜNG CỦA ÔNG TRẦN ĐĂNG TUẤN

Ông Trần Đăng Tuấn là một trong những "người đặc biệt" theo nghĩa hiếm hoi và khác người mà tôi thấy. Đạt 100% phiếu tín nhiệm của cư tri nơi cư trú nhưng ông vẫn "cảm thấy bình thường" khi được báo giới trong nước hỏi và đề cập tới. Nó trái hẳn với cách ứng xử của đám người với những đại diện như Nguyễn Quang A, Nguyễn Thuý Hạnh, Nguyễn Kim Môn, Nguyễn Xuân Diện, Ngô Xuân Phúc thể hiện trong suốt mấy ngày qua. Hay nói rõ hơn, Trần Đăng Tuấn cảm thấy "bình thường" và không hề có bất cứ một cử chỉ có tính ăn thua nào dù ông hoàn toàn có cớ để nói, để phản biện; trong khi một đám người kia dù kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã hết sức rõ ràng và khách quan nhưng chúng vẫn cho rằng mình bị "đấu tố" và cố tình dựng chuyện để phủ nhận những kết quả đã được công bố. Đáng nói hơn, có kẻ còn ngây thơ đến mức yêu cầu được tiến hành lại khi biết trước số phiếu tín nhiệm không đủ để đưa họ tiến sâu hơn các vòng sau. 
Ông Trần Đăng Tuấn. Nguồn: Internet. 

Hiểu như thế để thấy rằng, dù với bất cứ lí do gì, kể cả chuyện ông Tuấn cam chịu thì ông đều rất  đáng kính, rất đáng ngưỡng mộ về mặt nhân cách lẫn đạo đức. Ông Tuấn có thế thất bại vì những lí do mà theo Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ Hà Nội Lê Thị Kim Oanh trong phần lí giải lí do khiến ông Tuấn bị loại khỏi danh sách tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là hệ quả từ cái sự  được nói nôm na là "so bó đũa, chọn cột cờ" nhưng xem chừng uy tín của ông Tuấn chỉ có tăng, chứ không hề giảm sút. 

Và nếu được nói một câu ngắn gọn về sự "thất bại" của ông Tuấn thì đó chỉ có thể là "sự thất bại góp phần nâng tầm giá trị Trần Đăng Tuấn". Ông thất bại nhưng đó là sự thất bại rất đỗi thanh thản. Xin được nói rằng, trong cái xã hội nhỡn tiền về mặt lợi ích, ở bất cứ đâu cũng xuất hiện sự vụ lợi, toan tính đến đớn hèn thì cái cách hành xử của ông Tuấn như một thứ thanh âm trong trẻo để cho ai đó có được niềm tin về cuộc sống. Và với ý nghĩa này, Trần Đăng Tuấn đã hoàn tất mục đích ứng cử đại biểu Quốc hội của mình trong tuyên bố trên FB cá nhân sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là chứng tỏ mình không phải là một kẻ yếu đuối: "lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm, thường chỉ là cách biện hộ cho sự yếu đuối”. Thông qua hành động tự ứng cử Đại biểu Quốc hội của mình, dù chính ông cũng đã thừa nhận "cơ hội trúng cử không nhiều" ông muốn khuyên mọi người hãy trân trọng và không ngại thực hiện một việc gì đó ngay cả khi xác suất thành công của nó là rất ít và theo ông đó là một sự nguỵ biện cho sự yếu đuối, sự trốn tránh thực tại cuộc sống.

Từ điều này, thật dễ hiểu tại sao dù với nhiều người đó là tin sốc (ông Tuấn bị loại khỏi danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội) nhưng với ông Tuấn lại là chuyện rất đỗi bình thường! Bởi ngay từ đầu ông đâu có đặt nặng việc sẽ trở thành một đại biểu Quốc hội từ động thái tự ứng cử của mình! Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thái độ, cách ứng xử của ông Tuấn sau khi nhận được 100% sự ủng hộ của cử tri nơi cư trú; và ngay tại khi đó, trong bối cảnh không phải ai cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối như bản thân mình, ông Tuấn vẫn tái khẳng định lại điều mà ông đã tự sự ngay sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, rằng "cơ hội đi tiếp"  và "trúng cử" là không nhiều. 


Cho nên, xâu chuỗi tất cả vấn đề lại với nhau sẽ thấy được rằng, sở dĩ ông Tuấn vẫn ứng cử dù biết trước xác suất thành công không cao bởi mục đích chính của ông không phải là trở thành một Đại biểu Quốc hội mà là để chứng tỏ cái chân lý sống hết sức chủ động mà ông muốn gửi gắm tới bất cứ ai trong xã hội: Đừng lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm. Ông thanh thản  bởi ông đã hoàn tất cái mục đích cao nhất của mình! 
***
Rất có thể, sẽ có người trách Trần Đăng Tuấn khi không có muốn trở thành Đại biểu Quốc hội thì nên nhường cơ hội đó cho người khác và đừng tham gia ứng cử để gieo niềm tin vào dư luận để rồi khiến họ trở nên thất vọng. Nhưng đã thử ai hỏi rằng, trong rất nhiều tự ứng cử vừa qua đã ai trong họ thử có cho mình một cái mục đích cho trong sáng. Ông Tuấn có thể mượn hình thức tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để lan truyền một chân lý sống được đúc kết từ ông nhưng ít ra nó hướng thiện và thậm chí nó có thể cần thiết hơn một ĐBQH Trần Đăng Tuấn trên nghị trường nói ra những điều tương tự! 

An Chiến

No comments:

Post a Comment