2016/03/27

Vì sao khủng bố dễ dàng ra tay ở Bỉ?

Facebooker Bui Dung Savana
Brussels là một thành phố không đẹp, nếu không muốn nói là xấu. Ngoài Grand Place và một vài con phố men theo các con dốc dựng đứng, Brussels để lại ấn tượng mờ nhạt. Thành phố đó pha trộn quá nhiều, một ít phong cách Pháp, một ít Hà Lan, một ít hiện đại, một ít nhếch nhác. Đường ô tô và đường xe điện chung nhau, đang đi lại phải quặt lái nếu không muốn đâm vào tàu điện. Qua Brussels không biết bao lần, đi làm EU có, thăm bạn bè có, mỗi lần qua lại thấy Brussels xấu đi một tí. Có lẽ đó là thành kiến khi hiểu nhiều, biết nhiều hơn về những mặt xấu của thành phố này và nước Bỉ. 
Vài tháng trước vụ khủng bố tại Brussels, hay chính xác hơn là sau vụ khủng bố ở Paris hơn 10 ngày, Facebooker Bui Dung Savana đã viết status này. Đọc nó sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao bọn khủng bố lại có thể dễ dàng ra tay ở Bỉ, dù kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới là Salah Abdeslam, kẻ chủ mưu vụ khủng bố ở Paris, mới bị bắt trước đó vài ngày tại Bỉ, do cảnh sát Bỉ “ăn may”.
4 ngày qua (sau vụ khủng bố ở Paris), Brussels như trong thời chiến. An ninh ở cấp độ 4, cảnh sát, quân đội khắp nơi, xe bọc thép đi tuần trên phố và trường học, trung tâm thương mại, metro đóng cửa. Được coi là thủ đô châu Âu, nhưng Brussels như đang bị gí dao vào tim, bắt đi nhẹ, thở khẽ.
Thực lòng mà nói, Bỉ trong tình trạng này không đáng ngạc nhiên. Đó là một đất nước kỳ lạ, nhỏ bé nhưng lại có quá nhiều thứ khác biệt có thể tạo nên chia rẽ. Dân vùng Flamand không ưa dân Francophone (nói tiếng Pháp) và ngược lại. Đài RTBF từng có phóng sự về một ngôi làng cách Brussels có 20km, chỉ vài ngàn dân nhưng nói đủ thứ tiếng và tranh cãi liên miên. 
Ở cấp độ quốc gia, Bỉ từng hơn 500 ngày không có thủ tướng và ở các tỉnh Flamand giàu có hơn, các đảng cực hữu lúc nào cũng dọa tách xứ này ra thành quốc gia riêng để không phải nuôi xứ nói tiếng Pháp nghèo hơn. Nói một cách nào đó, dù có Hoàng gia nhưng Bỉ được xem như một quốc gia không dân tộc.
Vấn đề chính bây giờ là sự phức tạp một cách không đáng có về văn hoá, chính trị, cộng thêm tính cách mềm mỏng, đôi khi nhu nhược của người Bỉ đã và đang biến nước này thành căn cứ chính của các phong trào cực đoan và khủng bố đe dọa toàn châu Âu. Hơn một nửa trong số những kẻ khủng bố Paris đến từ Molenbeek, ngoại ô Brussels. Một loạt những kẻ âm mưu khủng bố từ đầu năm, từ vụ Thalys Amsterdam - Paris đến vụ đánh bom hụt ở Villejuif, ngoại ô Paris... đến từ Bỉ.
Hồi xảy ra vụ Charlie Hebdo (đầu năm 2015), vũ khí của bọn khủng bố cũng đến từ Bỉ. Xét trên tỷ lệ dân số, không nước nào ở châu Âu cung cấp thanh niên cực đoan sang Syria và Iraq nhiều như Bỉ. Đáng nói là số thanh niên bị tẩy não này đi và về như chỗ không người mà không hề bị gì. Thậm chí, nếu có bị bắt thì cũng chỉ bị xét xử nhẹ nhàng. Như Brahim Abdeslam, anh trai của tên đang bị truy nã gắt gao Salah Abdeslam (vừa bị bắt), kẻ tự nổ bom trên phố Voltaire ở Paris hôm 13.11.2015, từng bị bắt vì buôn vũ khí và có liên hệ với khủng bố nhưng rồi chỉ nhận án nhẹ vì thẩm phán cho là "cần trao thêm cơ hội". Ngôi nhà mà gia đình những tên Abdeslam này ở còn gần như được cho vì là nhà ở xã hội dành cho người nghèo dù gia đình này thu nhập trên 100.000 euro/năm.
Tất cả những điều đó, từ sự phân rã và thiếu chặt chẽ của các cơ quan công quyền, sự phức tạp của chủ nghĩa cục bộ địa phương, tính dĩ hoà vi quý của dân Bỉ... biến Bỉ và Brussels thành cái lò chứa chấp khủng bố, phát tán hiểm họa đi khắp châu Âu. Giờ thì sau nhiều ngày lục soát truy nã mà không bắt được bọn đầu sỏ và cũng không thu được kho vũ khí lớn nào, dù ai cũng biết Bỉ là nơi cung cấp chính, Bỉ buộc phải đặt báo động an ninh cao nhất vì nguy cơ một vụ nghiêm trọng như Paris có thể đến bất cứ lúc nào.
Hy vọng là sau vụ này, dân Bỉ sẽ thay đổi suy nghĩ. Không thể có chuyện từ Brussels đến Antwerp có hơn 50km nhưng dọc con đường đó toàn là các thành phố, ngôi làng nổi tiếng vì dính đến Hồi giáo cực đoan, nơi bọn cuồng tín thoải mái tuyên truyền, tuyển mộ mà hầu như không gặp trở ngại gì.
3 năm trước, khi đi một con xe cũ rích, đời 1997, chạy hơn 20 vạn km, đỗ trước cửa một khách sạn hiện đại ngay giữa trung tâm Brussels, cách Grand Place 800m mà vẫn bị mấy thanh niên chơi đêm đập kính, bóp méo cả cánh cửa, máu me be bét để lấy cái GPS rẻ tiền vài chục euro, đã thấy thành phố này không ổn. Hôm đó, dán nylon cửa xe chạy 300km về Paris, gió ù ù bên tai mà vẫn văng vẳng lời thở than như muốn khóc của ông cụ người Bỉ trên phố khi thấy mình loay hoay bên cái kính vỡ: "Thật xấu hổ. Nước Bỉ đã thành cái quái gì thế này?".

No comments:

Post a Comment